Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Mở vòng tay nhân ái đón những người lầm lỗi trở về: Chung tay xây dựng buôn làng bình yên, phát triển (Bài cuối)

Lê Hường - Ngọc Thu - 13:45, 11/06/2024

Cùng với công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước và âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu để người dân nâng cao nhận thức, từ bỏ ý định vượt biên, các cấp chính quyền địa phương cũng đã có những hoạt động, việc làm thiết thực hỗ trợ người vượt biên trái phép hồi hương tái hòa nhập cộng đồng. Qua đó, người dân đã và đang tích cực xây dựng lại cuộc sống gia đình, góp phần xây dựng thôn làng bình yên, phát triển.

Công an huyện Chư Sê (Gia Lai) xây dựng các mô hình, tổ tự quản an ninh trật tự, giữ gìn bình yên cho buôn làng
Công an huyện Chư Sê (Gia Lai) đã xây dựng nhiều mô hình, tổ tự quản an ninh trật tự, giữ gìn bình yên nơi buôn làng

Sang nước bạn để vận động đồng bào trở về

Nghe theo lời lừa phỉnh của kẻ xấu, không ít người đồng bào DTTS bỏ lại tất cả ở quê nhà để vượt biên tìm cuộc sống sung sướng nơi đất khách. Song thực tế cuộc sống ở xứ người muôn vàn khổ cực, việc làm bấp bênh, ốm đau bệnh tật không có tiền chữa trị, nỗi nhớ quê nhà đau đáu tâm can, họ trông ngóng ngày được về quê.

Nắm bắt được nguyện vọng, tâm tư của người dân, Việt Nam đã có nhiều đoàn công tác sang nước bạn. Vừa qua là Đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam phối hợp với Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã đến thăm hỏi, tuyên truyền, vận động người DTTS Tây Nguyên đang cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan trở về với Tổ quốc, với buôn làng. 

Phấn khởi nhất là, khi hay tin có Đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam sang Thái Lan động viên hồi hương và biết chính xác được những chính sách nhân văn, tinh thần nhân ái mở rộng vòng tay đón bà con trở về hồi hương của chính quyền địa phương, của các tổ chức..., nhiều đồng bào DTTS đã vui mừng đăng ký xin được hồi hương. Như ở tỉnh Gia Lai, đã có 22 trường hợp từ Thái Lan về tại địa phương...

Nhờ gia đình và sự can thiệp, giúp đỡ của Công an, chính quyền, nhiều người vượt biên trái phép ở huyện Chư Sê (Gia Lai) được trở về buôn làng an toàn
Nhờ gia đình và sự can thiệp, giúp đỡ của Công an, chính quyền, nhiều người vượt biên trái phép ở huyện Chư Sê (Gia Lai) được trở về buôn làng an toàn

Ông Đinh Phúc, trú làng Puih Jri, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, là một trong số người may mắn sớm được hồi hương sau hơn 1 năm bị vắt kiệt sức lao động trên “đất khách”. Không biết tiếng, chân lại bị đau, khi sang đến Thái Lan, ông Phúc chỉ ở nhà chờ những người đồng hương đi làm mang thức ăn về. 

Mong muốn về nhà, nhưng ông lại sợ bị Công an, chính quyền địa phương ở Việt Nam xử lý, bắt phạt như luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu. “Lời của kẻ xấu là dối trá, tôi trở về suốt 4 tháng nay không bị ai bắt bớ, làm khó gì cả, còn được chính quyền, Công an thường xuyên thăm hỏi, động viên. Đặc biệt, gia đình, dân làng yêu thương, chia sẻ giúp tôi ổn định tinh thần. Bây giờ vợ chồng tôi tập trung làm ăn, lo cuộc sống, không mơ mộng cuộc sống giàu sang để bị kẻ xấu dụ dỗ nữa”, ông Phúc chia sẻ.

Theo báo cáo, năm 2023, Công an tỉnh Gia Lai tổ chức đấu tranh, xử lý 4 đường dây tổ chức trốn, điều tra 4 vụ án với 18 bị can liên quan có hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài và ở lại nước ngoài. Hiện Công an Gia Lai đang tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp để đấu tranh, ngăn chặn, không để người DTTS bị lừa đảo, lôi kéo xuất cảnh trái phép sang Thái Lan…

Ngoài ra, thời gian qua, Công an tỉnh Gia Lai cũng đã tổ chức tiếp xúc, vận động hơn 100 lượt Người có uy tín trong vùng DTTS tại các địa bàn trọng điểm, tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng người DTTS không nghe theo luận điệu tuyên truyền, kích động của các đối tượng, không trốn sang Thái Lan.

Người có uy tín ở huyện Chư Pưh, Gia Lai tích cực tuyên truyền bà con không tin, không nghe theo lời kẻ xấu dụ dỗ, xúi giục
Người có uy tín ở huyện Chư Pưh, Gia Lai tích cực tuyên truyền bà con không tin, không nghe theo lời kẻ xấu dụ dỗ, xúi giục

Ông Nay Ky, Trưởng thôn, Người có uy tín thôn Tao Ôr, xã Ia Roong, huyện Chư Pưh, chia sẻ: Những người này họ thường sống khép mình, không muốn giao lưu với ai, thế nhưng thực tế trong lòng họ không muốn điều đó. Lúc mới trở về, mọi người né tránh, nhưng chúng tôi nhiều lần đến nhà quyết tâm gặp gỡ và tâm sự, họ từng bước hiểu ra và tinh thần thoải mái. Mọi người thực sự đã được tháo gỡ “nút thắt” bấy lâu trong lòng, từ đó hăng hái tham gia lao động, xây dựng cuộc sống, buôn làng lại bình yên trở lại.

Thượng Tá Phan Thanh Hải, Phó Trưởng phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Gia Lai cho biết: Để đồng bào hoàn toàn tin tưởng, cán bộ, chiến sĩ thường xuyên tiếp xúc, duy trì quan hệ, củng cố niềm tin của người hồi hương không để các đối tượng xấu tác động. Đồng thời, tổ chức quay phim ghi hình phóng sự để phản ánh chân thực về cuộc sống của người DTTS tại Thái Lan, bản chất, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng dẫn đường để kiếm lời khi tổ chức cho người DTTS trốn ra nước ngoài và những âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các tổ chức FULRO lưu vong, phản động.

Duy trì thành quả 

Để duy trì bảo vệ được thành quả trong công tác tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người vượt biên trái phép trở về quê hương xây dựng lại cuộc sống, góp phần chung tay xây dựng buôn làng bình yên, phát triển, các địa phương, lực lượng chức năng đang tiếp tục có những chương trình hỗ trợ để đồng bào an tâm ổn định. Tại Đắk Lắk, Công an huyện Ea H’leo đã tổ chức nhiều hoạt động để người lầm lỗi, trong đó có người vượt biên trái phép tái hòa nhập cộng đồng, tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tiêu biểu là chương trình “Gieo hạt lành trên lối về của người lầm lỗi”, mở ra cơ hội mới, giúp người lầm lỗi làm lại cuộc đời.

Theo báo cáo, trong 2 năm 2022 và 2023, Công an huyện Ea H’leo đã tặng 11 cặp dê, 2 cặp bò cho những hộ gia đình vượt biên hồi hương có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến nay, con giống đã sinh sản, nhân đàn, giúp những hộ gia đình lầm lỗi có thêm sinh kế để ổn định cuộc sống.

Công an huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk và cán bộ địa phương thăm hỏi, động viên gia đình có người hồi hương trở về
Công an huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk và cán bộ địa phương thăm hỏi, động viên gia đình có người hồi hương trở về

Năm 2014, từng lầm lỗi nghe lời dụ dỗ của đối tượng xấu bán hết đất đai, nương rẫy, nhà cửa, tài sản để vượt biên trái phép đến Thái Lan, năm 2015, ông Nay Y Thăng (tên thường gọi Ama Ni Đa) ở xã Ea H’leo trở về buôn làng xây dựng cuộc sống mới. Ông Nay Y Thăng chia sẻ, nhờ sự động viên, giúp đỡ của bà con, hỗ trợ của chính quyền và được Công an huyện hỗ trợ dê giống, hướng dẫn cách làm chuồng trại, chăm sóc, phòng dịch bệnh, đàn dê của gia đình phát triển, nhân đàn tốt.

Chư Pưh cũng là một trong số huyện có người vượt biên trái phép đông ở tỉnh Gia Lai. Những năm qua, huyện đã quan tâm thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ như Chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, ưu tiên tập trung vào vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS, các thôn làng có hoạt động vượt biên. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận diện những thủ đoạn của kẻ xấu. Từ đó, dân làng tập trung xây dựng cuộc sống phát triển kinh tế trên chính quê hương mình.

Nhờ triển khai tốt chính sách dân tộc, các Chương trình mục tiêu quốc gia… tỉnh Gia Lai không còn tình trạng vượt biên trái phép, dân làng cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no
Nhờ triển khai tốt chính sách dân tộc, các Chương trình mục tiêu quốc gia… tỉnh Gia Lai không còn tình trạng vượt biên trái phép, dân làng cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no

Ông Siu Bé, Phó Chủ tịch huyện Chư Pưh cho biết: Ngoài việc tiếp tục phối hợp cùng với lực lượng Công an tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS từ Thái Lan trở về quê hương, huyện sẽ đánh giá về tư liệu sản xuất, hoàn cảnh kinh tế, hỗ trợ việc làm, đưa vào các diện hỗ trợ chính sách, tặng thẻ bảo hiểm y tế để người dân được chăm sóc sức khỏe. Huyện cũng tập trung thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia để người dân ổn định cuộc sống, nâng cao nhận thức, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, bền vững.

Tìm hiểu từ thực tế, qua những câu chuyện kể của chính những người trong cuộc, cảm nhận rõ hơn một điều, trải qua bao sóng gió, trở về buôn làng, những người vượt biên hồi hương đều đã nhận ra không đâu sung sướng bằng quê hương mình. Đặc biệt, chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước cùng sự bao dung, chia sẻ của cộng đồng, họ như cái cây rừng khô héo được tưới lên dòng nước mát của quê hương, tiếp thêm sức mạnh để đứng lên sau vấp ngã, yên tâm xây dựng cuộc đời, xây dựng buôn làng ngày càng đẹp hơn.