Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Mồi lửa giữa rừng

PV - 19:03, 02/05/2018

Tình trạng chặt cây, đốt than không chỉ hủy hoại tài nguyên rừng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái mà tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Tuy nhiên, công tác xử lý những lò than trái phép tại các địa phương của tỉnh Khánh Hòa vẫn còn nhiều khó khăn. Điều này đặt ra những lo ngại rất lớn cho công tác phòng, chống cháy rừng mùa khô năm nay.

Tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng

Ông Trần Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Trên địa bàn tỉnh, các địa phương còn lò than hoạt động là: thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh, huyện Cam Lâm, TP. Cam Ranh. Vào mùa khô, hoạt động của các lò than giống như những mồi lửa giữa rừng. Để ngăn ngừa nguy cơ cháy rừng, Chi cục đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm các địa phương triển khai đồng bộ những biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng đã được chỉ đạo; trong đó, phải thường xuyên tuần tra, triệt phá các lò than hoạt động trái phép”.

Người dân chặt cây rừng để đốt than. Người dân chặt cây rừng để đốt than.

Ông Nguyễn Phước Bảo Cảnh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm chia sẻ, qua rà soát, trong lâm phận của Ban có hơn 4.000ha rừng dễ cháy, trong đó hơn 1.000ha có nguy cơ cháy cao. Nguy cơ chủ yếu xuất phát từ việc người dân đốt nương làm rẫy, không làm đường ranh gây cháy lan. Đặc biệt là việc sử dụng lửa trong rừng, chủ yếu là hoạt động của lò than và tình trạng đốt ong.

“Để xử lý tình trạng các lò than hoạt động trái phép trong lâm phận, ban quản lý đã chỉ đạo các trạm quản lý bảo vệ rừng trực thuộc tổ chức tuần tra, truy quét ít nhất 1 lần/tuần. Bên cạnh đó, trong quá trình trực phòng cháy, khi phát hiện khói lò than bốc lên ở đâu, lực lượng bảo vệ rừng sẽ ngay lập tức đi kiểm tra, xử lý”. Vừa qua, Trạm Quản lý Bảo vệ rừng Cam Phước Tây đã tiến hành phá bỏ 2 lò than trái phép”, ông Cảnh cho hay.

Còn tại thị xã Ninh Hòa, tình trạng đốt than vẫn diễn ra dai dẳng nhiều năm nay ở các xã: Ninh Ích, Ninh Tân, Ninh Sơn…; Ông Trần Ngọc Dục, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa cho hay: Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa đã chỉ đạo các Trạm Kiểm lâm trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương tuần tra, triệt phá các lò than. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ nghề này.

Khó xử lý

Tuy lực lượng Kiểm lâm thường xuyên tuần tra sâu vào rừng, phá bỏ lò than trên các đỉnh núi, nhưng ở nhiều địa phương, tình trạng người dân vào rừng đốt than vẫn không chấm dứt. Mới đây, Trạm Kiểm lâm Ninh Xuân (Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa) phối hợp với lực lượng của xã Ninh Tây tiến hành tuần tra, truy quét tại khu vực rừng Bến Lễ. Qua truy quét, lực lượng chức năng đã phá bỏ 2 lò than hoạt động trái phép trong rừng, tháo dỡ các lán trại của người làm than.

Ông Trần Ngọc Dục, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa thông tin, trong năm 2017, lực lượng Kiểm lâm Ninh Hòa đã truy quét, phá bỏ 20 lò than hoạt động trái phép tại các khu vực trên, tiêu hủy 4 tấn than hầm, dỡ bỏ 2 cây cầu tự chế và các lều bạt của người làm than. Hạt cũng đã chỉ đạo các Trạm Kiểm lâm trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương tuần tra, triệt phá. Bên cạnh đó, tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân.

Tuy nhiên, như lời ông Bùi Trọng Toàn, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Ninh Xuân nói: “…để dẹp được hoàn toàn thì rất khó”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ tình trạng đốt than còn nhiều là do đời sống kinh tế của một bộ phận người dân rất khó khăn, không có việc làm ổn định nên bám nghề đốt than.

Có những gia đình 2-3 thế hệ đều làm nghề đốt than. Khi trao đổi với những người đốt than, họ đều bảo: “Biết là không được vào rừng đốt than; nếu đốt vào mùa khô, sử dụng lửa bất cẩn thì nguy cơ cháy rừng rất lớn, nhưng vì mưu sinh nên chúng tôi vẫn gắn bó với nghề này”.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng gặp khó khăn trong việc quản lý, kiểm soát lò than, bởi rất nhiều người đốt than là dân ở địa phương khác đến. Theo ông Trần Ngọc Dục, hiện ở Ninh Hòa, nhất là khu vực xã Ninh Ích, việc xử lý tình trạng đốt than trái phép gặp khó khăn khi người làm nghề này chủ yếu là người dân xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang) đến địa bàn thị xã Ninh Hòa để khai thác cây rừng, hầm than; sau đó đưa về TP. Nha Trang tiêu thụ; việc vận động, xử lý cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 địa phương thị xã Ninh Hòa và TP. Nha Trang.

THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Thúc đẩy các dự án giao thông trọng điểm, cửa khẩu thông minh ở Lạng Sơn và Cao Bằng

Thúc đẩy các dự án giao thông trọng điểm, cửa khẩu thông minh ở Lạng Sơn và Cao Bằng

Chiều 14/11, tại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan, hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng về hai dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh và Hữu nghị-Chi Lăng, và hệ thống cửa khẩu thông minh trên địa bàn.