Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Mối nguy từ dịch vụ “xe ghép”

Thiên An - 17:25, 15/04/2021

Hiện nay, dịch vụ “xe ghép” đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là dịch vụ vận tải trái pháp luật, hoàn toàn do các cá nhân tự kinh doanh và tìm kiếm khách hàng. Nguy hiểm hơn, gần đây đã có nhiều đối tượng vận chuyển người nhập cảnh trái phép bằng dịch vụ “xe ghép”, gây khó cho lực lượng chức năng, cũng như công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19.

Tăng cường kiểm tra để siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô.
Tăng cường kiểm tra để siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô.

Dịch vụ “xe ghép” nở rộ

Dù mới xuất hiện hơn 2 năm trên địa bàn các tỉnh, điển hình như Hoà Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên… nhưng trên các trang mạng xã hội đã có hơn 30.000 người tham gia sử dụng dịch vụ này. Dịch vụ "xe ghép” được quảng cáo khá rầm rộ trên mạng xã hội. Chỉ cần vào trang mạng xã hội như zalo, facebook, gõ cụm từ tìm kiếm "xe ghép” sẽ nhận được hàng trăm kết quả khác nhau.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển tại tỉnh Hòa Bình, dịch vụ "xe ghép" bắt đầu xuất hiện trên địa bàn tỉnh này vào cuối năm 2018. Chỉ tính riêng địa bàn TP. Hòa Bình hiện có khoảng hơn 200 đầu xe làm dịch vụ "xe ghép". 

Để san sẻ hành khách cho nhau và thuận tiện hơn trong việc ghép chuyến, thay vì hoạt động độc lập như khi mới hình thành, các chủ “xe ghép” đã liên kết với nhau để thành lập các hội, nhóm. Mỗi hội, nhóm "xe ghép" có từ 5-15 đầu xe với các loại xe từ 4-7 chỗ...

Anh Nguyễn Thế Hùng, ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình) một người thường xuyên sử dụng dịch vụ "xe ghép" chia sẻ: “Khi có nhu cầu đặt một chuyến xe ghép đi Hà Nội, tôi chỉ cần vào facebook hoặc zalo lựa chọn một nhà xe, gửi yều cầu về thời gian, địa điểm muốn đến và số điện thoại, ngay sau đó sẽ nhận được cuộc gọi đến hoặc tin nhắn để chốt chuyến. Với 150 nghìn đồng/lượt, tôi được đón tận nhà và đưa đến nơi cần đến. Và tương tự khi về cũng vậy, đúng giờ hẹn lái xe đến đón chở về tận nhà!”.

Nếu như đi taxi từ TP. Hòa Bình đến Hà Nội và ngược lại, hành khách phải trả từ 500 - 600 nghìn đồng/lượt, thì với dịch vụ "xe ghép", số tiền bỏ ra khoảng 150 nghìn đồng/lượt. 

Cũng giống như tỉnh Hòa Bình, tại tỉnh biên giới Lạng Sơn, dịch vụ "xe ghép" cũng nở rộ. Hoạt động của "xe ghép” hiện nay nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. 

Với các loại xe từ 4-7 chỗ, tất cả đều mang biển kiểm soát nền trắng, chữ và số màu đen như xe gia đình bình thường. Chở khách đi và đón khách về, khi bị cảnh sát giao thông kiểm tra, các lái xe đều có chung câu trả lời "chở người nhà đi du lịch, thăm họ hàng hoặc đi chơi…”.

Chỉ cần gõ cụm từ tìm kiếm "Xe ghép” sẽ nhận được hàng trăm kết quả khác nhau.
Chỉ cần gõ cụm từ tìm kiếm "Xe ghép” sẽ nhận được hàng trăm kết quả khác nhau.

Theo Thượng tá Hoàng Văn Triều, Trưởng Phòng An ninh điều tra, công an tỉnh Lạng Sơn, trong thời điểm dịch bệnh Covid 19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng đã tổ chức đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, với thủ đoạn tinh vi là dùng mạng xã hội để liên hệ, khi nhập cảnh trót lọt, các đối tượng lại tập trung chuyên chở, di chuyển bằng các chuyến “xe ghép” rồi tỏa ra các tỉnh nên gây khó khăn cho lực lượng chức năng đặc biệt là việc kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid - 19.

Cần quản lý chặt “xe ghép”

Trên thực tế, các "xe ghép” đều không có đăng ký kinh doanh chở khách. Giá từng chuyến đi do chủ xe và khách hàng tự thỏa thuận, đương nhiên là không bán vé cho khách như các loại hình dịch vụ vận tải hành khách truyền thống.

Anh Hoàng Văn H. một lái "xe ghép” ở Lạng Sơn không hề “giấu nghề” khi "bật mí": Sau khi đón đủ khách, chúng tôi phải hỏi và nhớ kỹ họ tên, địa chỉ từng người. Đồng thời, thống nhất với hành khách, nếu bị lực lượng chức năng kiểm tra, phải trả lời là người nhà hoặc bạn thân, khai đúng tên theo căn cước công dân. Đó là "bí quyết” để qua mặt Cảnh sát giao thông.

Không chỉ làm hỗn loạn thị trường kinh doanh vận tải hành khách, dịch vụ “xe ghép” còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến sự sống còn của các loại hình dịch vụ vận tải hành khách truyền thống.

Anh Nguyễn Văn Tình, lái xe của hãng taxi Mai Linh cho biết: “Từ khi có dịch vụ xe ghép, tôi đã bị mất rất nhiều mối khách quen. Tôi mong cơ quan quản lý nhà nước có chế tài cụ thể để tạo ra sự cạnh tranh công bằng cho các hãng vận tải".

Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách phải có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; phải có số lượng, chất lượng phương tiện phù hợp với loại hình kinh doanh; có nơi đỗ xe phù hợp với phương án kinh doanh và đảm bảo các yêu cầu về an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật; các phương tiện kinh doanh phải được gắn thiết bị giám sát hành trình...

Hiện, Bộ Giao thông vận tải mới đang đề xuất với Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2014/NĐ - CP về về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Nếu việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2014/NĐ - CP của Chính phủ hoàn tất, thì việc quản lý dịch vụ mà người dân hay gọi là "xe ghép" sẽ được thuận lợi hơn.

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.