Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Một góc nhìn về bảo tồn trang phục truyền thống các DTTS hiện nay: Cần có tình yêu văn hóa và lòng tự tôn dân tộc (Bài 2)

Văn Hoa - 15:42, 12/05/2023

Thời gian qua, trước dư luận về tình trạng xuất hiện nhiều bộ trang phục cách tân, trang phục “lạ” và có yếu tố “ngoại lai”, gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong xã hội, nhiều địa phương, đặc biệt là ngành Văn hóa đã vào cuộc. Song, hơn ai hết, chính cộng đồng các DTTS, người dân địa phương và khách du lịch cần có lòng tự tôn dân tộc và tình yêu văn hóa truyền thống.

Nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc, đặc biệt là trang phục truyền thống tới thế hệ trẻ ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường (Ảnh: Minh Đức, Mèo Vạc)
Nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc, đặc biệt là trang phục truyền thống tới thế hệ trẻ ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường (Ảnh: Minh Đức, Mèo Vạc)

Sự vào cuộc của chính quyền địa phương

Liên quan đến việc nhiều du khách khi đi du lịch trải nghiệm sông Nho Quế mặc trang phục Tây Tạng, Mông Cổ ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang), gây hiểu nhầm về định danh địa điểm du lịch với khách nước ngoài, gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, các cấp ủy, chính quyền huyện Mèo Vạc đã vào cuộc kiểm tra và chấn chỉnh lại hoạt động cho thuê trang phục.

Du khách mặc trang phục dân tộc Mông chụp ảnh tại sông Nho Quế (Ảnh Minh Đức - Mèo Vạc)
Du khách mặc trang phục dân tộc Mông chụp ảnh tại sông Nho Quế (Ảnh Minh Đức - Mèo Vạc)

Ông Ngô Mạnh Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết, huyện đã làm việc với các ngành chuyên môn, hộ kinh doanh cho thuê trang phục để xem xét hoạt động này. Điều đáng mừng là, sau buổi làm việc, các hộ kinh doanh đều cho rằng, trước đây do nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống nên mới xảy ra tình trạng trên. Sau khi được tuyên truyền, các hộ đã đồng tình ủng hộ chủ trương của huyện, đồng thời cam kết chỉ cho thuê trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Nam và ưu tiên các dân tộc tỉnh Hà Giang phục vụ du khách tham quan, chụp ảnh trên lòng hồ. 

Trang phục truyền thống tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch
Trang phục truyền thống tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch

Chị Ma Thị Hoa - hộ kinh doanh cho thuê trang phục dân tộc trên sông Nho Quế cho biết, trước đây chúng tôi nhập những bộ trang phục nước ngoài để cho du khách thuê chụp ảnh, nhưng khi được huyện tuyên truyền, chúng tôi đã đầu tư sang xu hướng trang phục địa phương.

Tương tự, trước đây tại Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình), phim trường Kong (Kong - Skull Island) tái hiện cảnh sinh hoạt của một làng thổ dân châu Phi với những cư dân của ngôi làng này là những nông dân Ninh Bình từng được chọn để tham gia đóng phim "Kong: Đảo Đầu lâu". 

Điều đáng nói là phim trường lại nằm ngay ở trung tâm của hành cung Vũ Lâm, là một di sản văn hóa lịch sử quan trọng của Ninh Bình, đồng thời nằm trong vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt của Di sản văn hóa Tràng An, Ninh Bình.

Phim trường Kong được xây dựng (từ năm 2017) là một điểm nhấn thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến với Tràng An. Nhiều khách du lịch đã lầm tưởng Ninh Bình có thổ dân da đỏ. Rất may rằng, sau một thời gian hoạt động, tháng 9/2019, phim trường Kong đã được tháo dỡ.

Chưa có quy định của pháp luật

Trao đổi về vấn đề nhiều hộ kinh doanh cho thuê trang phục “lạ”, có yếu tố “ngoại lai” trên địa bàn thị trấn Sa Pa, đặc biệt là bản Cát Cát, ông Trần Sơn Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết, Sở không khuyến khích, tuy nhiên cũng chưa có quy định pháp luật nào cấm hoạt động trên.

Những hình ảnh trang phục nước ngoài tràn ngập tại các điểm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam
Những hình ảnh trang phục nước ngoài tràn ngập tại các điểm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam

Theo ông Trần Sơn Bình, Sở Du lịch đã đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm nâng cao chất lượng du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai, trong đó Sở cũng đã đôn đốc, nhắc nhở các địa phương, các hiệp hội, các khu, điểm du lịch là cần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có việc gìn giữ và phát huy trang phục truyền thống.

Đối với bản Cát Cát, Sở đã làm việc trực tiếp với Khu du lịch Cát Cát. Tuy nhiên, qua nắm bắt thì có mấy điểm khó khăn, vướng mắc mà khu du lịch trao đổi lại như: Hiện nay chưa có quy định pháp luật rõ ràng cấm hoạt động cho thuê trang phục nước ngoài; cái khó của điểm du lịch là, du khách thuê trang phục ở bên ngoài cửa bán vé và ở trên trung tâm thị trấn, do đó khu du lịch không có quyền cấm du khách vào bản.

Đặc biệt, qua gặp gỡ, trao đổi với một vài du khách, họ cho rằng, họ đã xuống Cát Cát nhiều lần, cũng rất yêu thích và đã có nhiều bức ảnh đẹp với những bộ trang phục truyền thống các dân tộc, do đó, những lần quay lại Cát Cát sau này, họ muốn có bức hình mới lạ hơn. 

"Đây có thể là nhu cầu trước mắt của một bộ phận du khách và nó không mang tính bền vững mà như một trào lưu”, ông Trần Sơn Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai  nhìn nhận.

Hiện nay chưa có quy định pháp luật rõ ràng cấm hoạt động cho thuê trang phục nước ngoài
Hiện nay chưa có quy định pháp luật rõ ràng cấm hoạt động cho thuê trang phục nước ngoài

Giải pháp được ông Trần Sơn Bình đưa ra là: Tiếp tục khuyến cáo các khu, điểm du lịch không không cho thuê những bộ trang phục lạ, trang phục có yếu tố “ngoại lai”. Sở Du lịch cũng mong muốn, các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm định hướng cho các hộ kinh doanh, khách du lịch quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong trang phục dân tộc.

Nêu cao lòng tự tôn dân tộc 

Trước những ồn ào về trang phục cách tân, trang phục “ngoại lai”, nhiều địa phương đã vào cuộc nhằm chấn chỉnh hoạt động cho thuê trang phục. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong xử lý hoạt động này, do chưa có quy định pháp luật cụ thể. 

Do vậy, trước mắt, chính quyền địa phương, ngành văn hóa cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, có những khuyến cáo đối với người dân và du khách về việc cho thuê và thuê trang phục “lạ”, trang phục “ngoại lai”; đồng thời định hướng sang sử dụng các bộ trang phục truyền thống các dân tộc, nhất là trang phục địa phương.

Du khách thuê và chụp ảnh bộ trang phục dân tộc Mông tại Mộc Châu (Sơn La)
Việc du khách thuê và chụp ảnh bộ trang phục dân tộc Mông tại Mộc Châu (Sơn La) sẽ góp phần lan tỏa di sản văn hóa của đồng bào

Cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, chuyện ăn mặc là quyền tự do của mỗi người và mặc những bộ trang phục nước ngoài chụp ảnh cũng là quyền của mỗi du khách. Đây là nhu cầu chính đáng của khách du lịch bởi khi đi du lịch, ai cũng mong muốn có những điều mới mẻ hơn so với cuộc sống thường nhật. Thế nhưng, với lòng tự tôn dân tộc, đáng lẽ du khách Việt nên trân trọng văn hóa điểm đến cũng như lan tỏa hình ảnh đẹp của đất nước thay vì chọn các bộ trang phục cách tân “lạ” và trang phục nước ngoài.

Đối với các hộ kinh doanh cho thuê trang phục dân tộc, nhất là khi trong đó đa số là người DTTS ở địa phương cần nêu cao tình yêu đối với bản sắc văn hóa dân tộc của mình, mà đưa những bộ trang phục đẹp của chính dân tộc mình tới du khách, góp sức quảng bá  hình ảnh dân tộc của mình đến bạn bè trong nước và quốc tế; đồng thời, các hộ cũng cần hiểu thêm rằng, khách du lịch đến với địa phương để tìm những điều mới lạ, độc đáo..., thì những bộ trang phục truyền thống của đồng bào cũng chính là những điều mới lạ, độc đáo.

Mặc bộ trang phục cách tân, trang phục “lạ”, có yếu tố “ngoại lai” để chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội tưởng chừng như vô hại, nhưng khi đã đăng lên mạng xã hội, những bức ảnh đó nguy cơ sẽ lan tỏa tới toàn thế giới. Chắc hẳn, không ai trong chúng ta muốn người nước ngoài hiểu nhầm những địa danh ở Việt Nam là của một dân tộc nào đó không phải nước Việt Nam! 

Hy vọng những sự cố đã xảy ra thời gian qua, sẽ là bài học cho mỗi người dân chúng ta nhìn nhận lại vấn đề, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng, xã hội trong mọi lĩnh vực, hoạt động, trong đó nêu cao tình yêu với văn hóa truyền thống và lòng tự tôn, tự hào dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Ra mắt mô hình văn hóa cồng chiêng phục vụ du lịch ở Đà Lạt

Ra mắt mô hình văn hóa cồng chiêng phục vụ du lịch ở Đà Lạt

Câu lạc bộ văn hóa cồng chiêng của người Cơ Ho - một dân tộc sinh sống lâu đời nhất ở Tp. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vừa được hình thành và ra mắt tại xã Tà Nung, hứa hẹn có nhiều hoạt động hấp dẫn thu hút du khách.