Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Một ngày ở chợ gia súc Nghiên Loan

Thiên Đức - 10:00, 19/08/2020

Hình thành cách đây chừng 30 năm, tới nay, chợ gia súc Nghiên Loan, huyện Pắc Nặm (Bắc Kạn) đã trở thành chợ đầu mối gia súc lớn nhất miền Bắc. Mỗi phiên chợ ở vùng cao này, số lượng gia súc được mua bán có thể lên tới hàng nghìn con.

  Một người dân đã mua được con nghé giống ưng ý
Một người dân đã mua được con nghé giống ưng ý

Theo tiếng nhạc trâu, bò

Khoảng 3 giờ sáng, anh Hoàng Văn Tú, một người buôn gia súc ở địa phương lồm cồm chui ra khỏi chăn rồi lôi tôi ngồi dậy. Anh nghiêng nghiêng cái đầu ra phía cửa sổ nơi căn nhà trọ ẩm thấp, nghe ngóng hồi lâu, rồi reo lên: “Đến rồi! Cánh buôn trâu, bò ở Hà Giang đến đây rồi, khoảng 5 giờ sáng sẽ xuống đến chợ Nghiên Loan. Cánh buôn trâu Hà Giang thường đem theo nhiều trâu mộng, tôi phải theo họ mua một con mới được”.

Nói xong, Tú vơ cái áo ba lỗ mặc vào người, rồi nhanh chóng làm gói mỳ tôm ăn tạm để đợi nhập đội cùng cánh lái trâu, bò Hà Giang. Bị thức giấc cùng anh, tôi cũng nghiêng đầu ra phía cửa sổ của phòng trọ để nghe ngóng, tiếng nhạc ngựa, tiếng mõ trâu, bò lộc cộc, leng keng đều đều phát ra trong đêm và mỗi lúc một gần hơn. 

Chúng tôi đợi ở đầu thị trấn Pác Nặm. Một đoàn 5 người đang dẫn khoảng 15 con gia súc gồm cả trâu, bò dần hiện lên trong màn đêm. Tú tiến thẳng về phía đoàn người nghiêng ngó, rồi lấy tay vỗ vỗ vào mông con trâu đực mộng hỏi luôn: “Con này bao nhiêu tiền?” Từ trong bóng tối vang lên tiếng trả lời: “30 triệu”. 

Nghe giá như vậy, Tú nhanh chóng lôi trong túi ra một bình sơn màu nâu rồi xịt vào hai bên hông con trâu chữ T để đánh dấu, ám chỉ rằng con trâu này đã có người mua để khi đến chợ Nghiên Loan, thì không ai được hỏi mua con trâu đó nữa. Cuộc mua bán như vậy coi như đã xong. 

Đa dạng sinh kế

Nói về hoạt động của chợ gia súc Nghiên Loan, anh Nông Xuân Hoàn, Tổ trưởng Tổ Quản lý chợ Nghiên Loan cho biết, chợ họp vào ngày mồng 3, 8, 13, 18 và 23, 28 hằng tháng theo lịch âm. Ở mỗi phiên chợ, mọi người có thể gặp rất nhiều bà con người DTTS từ các vùng xa xôi như Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang đem theo bò, ngựa, trâu đến bán. Để đến được với chợ, những người dân ở xa phải vượt cả ngày đi bộ với quãng đường lên đến trên trăm cây số.

Chúng tôi gặp anh Giàng Bá Lù, dân tộc Mông ở Hà Giang đem trâu và ngựa xuống chợ bán. Anh Lù kể: Để kịp có mặt ở phiên chợ này, gia đình anh đã phải cho trâu và ngựa nghỉ ngơi, cho chúng ăn no rồi lên đường trước khi diễn ra phiên chợ 1 ngày. Bởi xuống được huyện Pác Nặm và chợ Nghiên Loan, anh phải dắt 1 con trâu, 2 con ngựa bạch và 1 con ngựa thường đi bộ cả trăm cây số từ huyện Yên Minh (Hà Giang), xuyên qua huyện Bảo Lâm (Cao Bằng). Khi “hành quân” bộ thì cả người và gia súc chỉ được nghỉ giữa trưa ở Cao Bằng. Tại đây, anh thả trâu, ngựa cho chúng gặm cỏ ven đường, còn người thì ăn cơm nắm mang theo từ nhà.

Sau khoảng 30 phút nghỉ trưa, người và gia súc tiếp tục lên đường. Phải căn thời gian đến Nghiên Loan trước khi trời tối để mua cỏ ở chợ cho trâu, ngựa ăn và đợi đến phiên chợ chính thức sẽ diễn ra sáng hôm sau. Theo định giá của anh Lù, một con ngựa bạch chuẩn mà anh dẫn theo có giá tới 50 triệu đồng. Con ngựa bạch bình thường giá chỉ 24 triệu đồng. Còn con trâu đực mộng giá khoảng 30 triệu đồng. Tuy nhiên chuyến đi lần này, chỉ cần bán được con trâu và 1 con ngựa bạch coi như thắng lớn. 

Khác với anh Lù, anh Thào A Ban ở Bảo Lâm (Cao Bằng) đem tiền xuống chợ để mua lại trâu, bò hợp với túi tiền của mình, sau đó anh đem con vật vừa mua được bán cho thương lái nếu có lãi.

Anh Ban cho biết: “Làm như vậy mình kiếm tiền nhanh hơn. Mình phải nhìn con vật xem có béo không, có bệnh tật không, nếu thịt thì sẽ được bao nhiêu cân móc hàm, rồi suy ra giá thị trường hiện nay mà trả giá. Nếu cảm thấy có lãi, thì mua rồi bán lại cho người khác khi được giá. Thường những người buôn gia súc rất tinh trong việc này, nên dự đoán độ chênh lệch trọng lượng gia súc tương đối chuẩn. Riêng với dòng trâu chọi thì rất khó ngã giá. Ở chợ trâu Nghiên Loan, có khi cả năm mới kiếm được vài con trâu chọi, mà giá của loại trâu này thì rất vô cùng”.

“Chợ Nghiên Loan đã tạo ra bức tranh kinh tế khá tốt trên địa bàn. Ngoài việc chính là mua bán trâu, bò, ngựa, chợ còn tạo việc làm cho hơn 1.000 hộ dân địa phương làm dịch vụ theo chợ như bán cỏ, ăn uống, nghỉ ngơi... Do đó, chợ Nghiên Loan thực sự đã giúp cho người dân trong vùng thoát nghèo”, anh Nông Xuân Hoàn, Tổ trưởng Tổ Quản lý chợ Nghiên Loan cho biết thêm.

Chợ Nghiên Loan đã tạo ra bức tranh kinh tế khá tốt trên địa bàn. Ngoài công việc chính là mua bán trâu, bò, ngựa, chợ còn tạo việc làm cho hơn 1.000 hộ dân địa phương làm dịch vụ ăn theo như bán cỏ, ăn uống, nghỉ ngơi... Do đó, chợ Nghiên Loan thực sự đã giúp cho người dân trong vùng thoát nghèo”.

Anh Nông Xuân Hoàn Tổ trưởng Tổ Quản lý chợ Nghiên Loan

Tin cùng chuyên mục
Nhận diện nguyên nhân tai biến thiên nhiên trên sông Kôn và sông Hà Thanh

Nhận diện nguyên nhân tai biến thiên nhiên trên sông Kôn và sông Hà Thanh

Sông Kôn và sông Hà Thanh là 02 con sông lớn của tỉnh Bình Định; lưu vực của 02 con sông là vùng tập trung các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị của tỉnh. Ngoài các yếu tố tự nhiên, khách quan (địa hình, thảm phủ, mưa lũ lớn, diện tích rừng phòng hộ bị suy giảm...), thì các hoạt động trên lưu vực với mục đích phát triển kinh tế cũng đã tạo ra sức cản lớn cho việc thoát lũ. Vì thế, tình trạng sạt lở, lũ ở vùng núi, ngập lụt ở đồng bằng, ven biển thường xuyên xảy ra, đe dọa cuộc sống của người dân, trong đó có người dân vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.