Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Chợ phiên vùng cao thu hút du khách

PV - 15:00, 22/03/2019

Từ phiên chợ mang tính tự phát, với mong muốn vừa là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa, vừa thu hút, phát triển du lịch, chính quyền huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã khôi phục, phát triển thành chợ phiên vùng cao đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Một góc chợ phiên vùng cao. Một góc chợ phiên vùng cao.

Cứ sáng Chủ nhật hằng tuần, từ già trẻ, gái trai nô nức kéo nhau đến chợ phiên. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước đây, chợ phiên Mai Châu là phiên chợ tự phát được họp dọc hai bên tuyến đường huyện, vừa không có Ban Quản lý, lại rất mất mỹ quan, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông cũng như khách mua sắm. Với mục đích ổn định trật tự, khôi phục, quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống để phát triển du lịch, tháng 12/2018, UBND huyện Mai Châu đã ra quyết định thực hiện mô hình “Phiên chợ vùng cao Mai Châu” được tổ chức có quy mô trên diện tích rộng rãi tại sân vận động của trung tâm huyện.

Chúng tôi may mắn có dịp đến phiên chợ vùng cao Mai Châu vào một sáng Chủ nhật cuối tháng 2/2019. Vừa bước chân vào chợ, lời câu hát “xuống chợ, xuống chợ với em…” réo rắt đã làm không khí chợ phiên buổi sáng Chủ nhật sôi động, hứng khởi.

Cũng như chúng tôi, nhiều du khách tỏ ra thích thú khi được hòa mình vào không khí chợ phiên. Anh Bùi Văn Bình, du khách đến từ Hà Nội thích thú cho biết: “Đến với chợ phiên vừa có không khí đặc trưng của vùng cao, vừa được thưởng thức không gian văn hóa nghệ thuật dân tộc, lại được thoải mái lựa chọn hàng hóa đặc sản vùng cao mua về làm quà”.

Chợ phiên vùng cao Mai Châu không chỉ là điểm đến của du khách trong nước mà nhiều du khách quốc tế cũng rất thích đến chợ phiên để khám phá những nét riêng bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam. Anh Edison, quốc tịch Anh cho hay: “Chúng tôi đi du lịch theo tuyến Đông Dương: Lào-Campuchia-Việt Nam. Sau khi thăm quan Hà Nội, tôi quyết định đưa cả nhà lên vùng núi cao để thăm quan, khám phá các bản làng. Đi chợ vùng cao ngay tại trung tâm thị trấn Mai Châu là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Đến đây, chúng tôi vừa được thưởng thức các món ăn tự làm của người dân địa phương, vừa tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc Việt Nam…”.

Thăm quan một vòng quanh chợ, chúng tôi nhận thấy, chợ phiên được bố trí rất khoa học, chia rõ từng khu vực hàng hóa. Các sạp hàng được bố trí, sắp xếp hợp lý theo từng ngành hàng và khu bán riêng như khu ẩm thực, thực phẩm tươi sống, nông sản vùng cao, hoa, cây cảnh, vật tư nông nghiệp, quần áo dân tộc, đồ lưu niệm... Nơi tấp nập, đông vui nhất tại phiên chợ là khu vực bán nông sản, trang phục thổ cẩm, quần áo dân tộc.

Chị Sùng Y Sơ, dân tộc Mông, xóm Xà Lĩnh, xã Pà Cò, huyện Mai Châu chia sẻ: “Để kịp đến chợ, tôi phải đi từ 4 giờ sáng, vì nhà tôi cách chợ xa lắm, đường lại khó đi vì mù sương không thể đi nhanh được, tranh thủ phiên chợ tôi mang rau rừng với ít hoa quả nhà trồng được đem bán, đổi lấy gạo về ăn”.

Để tạo điểm nhấn và thêm nhiều hoạt động thu hút khách du lịch, cứ đến cuối tháng, phiên chợ vùng cao Mai Châu lại tái hiện một số hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Thái, Mông như: biểu diễn văn nghệ, múa hát, hòa tấu, nhạc cụ dân tộc...

Ông Hà Tuấn Hải, Phó Phòng Dân tộc huyện Mai Châu cho biết: để phát triển du lịch bền vững, tạo dựng niềm tin cho người dân và du khách, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa luôn được chính quyền địa phương quan tâm, quản lý chặt chẽ. Các mặt hàng bày bán tại chợ được Ban Quản lý chợ thường xuyên kiểm tra chất lượng trước khi bán cho khách du lịch.

Phiên chợ vùng cao Mai Châu đang mang lại tín hiệu đáng mừng cho việc phát triển du lịch vùng cao, tạo điều kiện cho Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Mai Châu giao lưu buôn bán, tạo điểm nhấn trong việc phát triển kinh tế địa phương.

NGHĨA HIỆP

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.