Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Ký ức chợ phiên

Phùng Hải Yến - 15:37, 22/01/2020

Với mỗi con người sinh ra và lớn lên ở miền núi, những phiên chợ vùng cao in sâu nhiều kỷ niệm. Để mai đây, cho dù bôn ba khắp nẻo, từng trải nghiệm mua sắm tại các siêu thị khổng lồ, ngập tràn hàng hóa, thì hình ảnh chợ phiên mộc mạc quê nhà vẫn không thể phai mờ.

Khu vực rau củ quả luôn nhộn nhịp đông vui với những sản vật tươi mới
Khu vực rau củ quả luôn nhộn nhịp đông vui với những sản vật tươi mới

Ký ức của chợ phiên trong tâm trí tôi hẳn cũng giống như nét hớn hở của các cô, cậu bé hôm nay được cùng bố mẹ rẽ màn sương xuống chợ. Con đường ngoằn ngèo đi qua trập trùng đồi núi lô xô với những lớp mây bay là là, vẫn chỉ cỏ cây dại mọc hai bên đường mà thân quen và ngắn ngủi thế! Háo hức nhảy chân sáo, tôi chỉ mong chóng đến cổng chợ, nơi ngập màu áo chàm lẫn trong sắc thổ cẩm đông đúc. Góc ẩm thực luôn thu hút trẻ thơ bởi thơm lựng mùi bánh bỏng, bánh khảo, bánh rán, bánh giày... 

Vui nhất là sau mỗi phiên chợ, bố mẹ đưa con rẽ vào quán phở để ăn trưa. Nhưng cũng có hôm tiền bán sản vật chỉ đủ mua đồ tiêu dùng nên cả nhà về ngay, ánh mắt trẻ thơ cứ ngoái lại phiên chợ đầy nuối tiếc.

Hương trầm làm thủ công cũng được bày bán như một món hàng thiết yếu phục vụ dân bản
Hương trầm làm thủ công cũng được bày bán như một món hàng thiết yếu phục vụ dân bản


Đồng bào dân tộc đem các sản vật tự sản xuất ra chợ phiên buôn bán
Đồng bào dân tộc đem các sản vật tự sản xuất ra chợ phiên buôn bán

Lớn thêm một chút, cảm giác về chợ phiên cũng có phần thay đổi vì góc nhìn đã rộng lớn dần lên, còn chợ phiên thì vẫn những dãy hàng nhỏ với vẻ mộc mạc, bình dị vốn có. Song trong lòng chúng tôi, chợ phiên vẫn cứ là một nơi thu hút bước chân cuối tuần được nghỉ. Có lúc là giúp mẹ bán mấy quả bí đỏ rồi mua ít thực phẩm. Có lúc chỉ là muốn đến phiên chợ ngắm hàng hóa, ngắm vẻ tươi cười, san sẻ của người bán lẫn người mua. Chẳng biết văn hóa chợ đã có tự khi nào. Chỉ biết rằng mỗi thế hệ kế tiếp như chúng tôi đều đến chợ, gửi tấm chân tình của mình vào đó, để rồi nhận lại những tình cảm mến yêu ở chốn này.

Du khách đến chợ dễ dàng bắt gặp các cô gái dân tộc Nùng, Dao, Mông, Lô Lô, La Chí… đang tất bật lựa đồ
Du khách đến chợ dễ dàng bắt gặp các cô gái dân tộc Nùng, Dao, Mông, Lô Lô, La Chí… đang tất bật lựa đồ

Thời gian dần trôi qua với những phiên chợ in trong từng nẻo ký ức tuổi thơ tôi. Hôm nay tôi mang tới chợ tâm trạng của nhiều người con xa quê đi tìm chút bóng dáng hoài niệm. Đi qua các dãy bán nông sản, tôi âu yếm nhìn những đứa trẻ đáng yêu hồn nhiên cùng bố mẹ đến chợ. Dòng thời gian như thác lũ ùa về trong phút giây. Kỷ niệm tuổi thơ ở chợ phiên là những mặt hàng chỉ dám nhìn với ánh mắt khát khao, thì nay, khi đã ở tuổi nhớ mong về kỷ niệm xưa, tôi rẽ vào những quán hàng mua từng thứ. Mua sắm sao mà dễ dàng. Vị ngọt, thơm, dẻo của các loại bánh trái hôm nay vẫn vậy mà vị giác chẳng còn cảm nhận giống với ngày hôm qua? 

Du khách đừng quên thử những môi rượu ngô cay nồng bày bán ngay tại gian hàng, món không thể thiếu tại mỗi phiên chợ vùng cao
Du khách đừng quên thử những môi rượu ngô cay nồng bày bán ngay tại gian hàng, món không thể thiếu tại mỗi phiên chợ vùng cao

Vẫn có một điều an ủi tôi vì chúng tôi đã trưởng thành song thật may mắn là chợ phiên vẫn ở đây và chưa quá nhiều thay đổi so với thời gian. Chỉ khác là các mặt hàng đa dạng hơn. Khu ki-ốt được xây dựng chắc chắn nhưng cảnh bán mua không mặc cả. Không gian văn hóa trong mỗi chợ phiên mãi luôn là điểm nhớ, lôi cuốn không chỉ với người sinh sống ở nơi đây mà còn gieo ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người một lần đến chợ phiên. Cảm xúc thoải mái, phóng khoáng sẽ còn cùng họ đến những phiên chợ sau. Cũng như tôi, lần nào trở về cũng mong gặp phiên chợ, như chốn đợi sau chặng đường nhọc nhằn mưu sinh... 

Tin cùng chuyên mục
Cuộc “cách mạng” xóa nhà cột treo, kèo ná

Cuộc “cách mạng” xóa nhà cột treo, kèo ná

Sau 4 năm triển khai, nội dung hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719 thực sự đã trở thành cuộc “cách mạng” xóa nhà cột treo, kèo ná. Ở các tỉnh Bắc Trung bộ, hàng ngàn hộ đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở đã “an cư” trong những ngôi nhà mới đủ tiêu chuẩn “3 cứng”.