Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Mua chung cư chưa đủ điều kiện mở bán: Loạt cảnh báo để tránh mất oan cọc

PV - 18:07, 09/09/2021

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa đưa ra một loạt điểm cần lưu ý khi người dân ký kết thỏa thuận đặt cọc mua căn hộ chung cư.

Người mua cần lưu ý để tránh phát sinh rủi ro khi đặt cọc mua căn hộ (Ảnh minh họa).
Người mua cần lưu ý để tránh phát sinh rủi ro khi đặt cọc mua căn hộ (Ảnh minh họa).

Theo tổng hợp số liệu của Bộ Xây dựng, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán trong quý II tăng. Cụ thể, tổng số có 92 dự án với 29.557 căn hộ được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Trong đó, miền Bắc có 82 dự án với 12.629 căn hộ, miền Trung có 21 dự án với 6.509 căn hộ, miền Nam có 23 dự án với 10.419 căn hộ. Riêng tại Hà Nội có 6 dự án với 3.386 căn hộ, tại TP Hồ Chí Minh có 7 dự án với 3.002 căn hộ.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết có thể thấy thị trường đã có thêm một lượng hàng hóa hình thành trong tương lai đủ điều kiện bán.

Tuy nhiên theo cơ quan này, thực tế ghi nhận không ít kênh môi giới (nhận là kênh môi giới của chủ đầu tư) hoặc trực tiếp các chủ đầu tư đã giới thiệu và nhận các khoản đặt cọc trước của khách đối với những dự án chưa đủ điều kiện mở bán.

Hình thức nhận đặt cọc chỉ từ một tờ giấy đặt cọc đơn giản chỉ ghi nhận số tiền đặt cọc đến những văn bản chi tiết hơn như hợp đồng đặt cọc hay văn bản thỏa thuận về việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến tư vấn, đăng ký mua căn hộ chung cư. Khoản đặt cọc từ vài chục triệu đồng đến những khoản lớn hơn gấp nhiều lần.

Trước thực tế nêu trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý khách hàng một loạt điểm cần lưu ý.

Thứ nhất, tìm hiểu rõ địa vị pháp lý của bên nhận đặt cọc hoặc bên bán hàng trong mối quan hệ với chủ đầu tư. Ngoài thông tin do bên nhận đặt cọc hay bên bán hàng cung cấp, khách hàng cần đề nghị cung cấp các giấy tờ chứng minh cũng như kiểm tra lại thông tin từ kênh chủ đầu tư.

Ngoài các thông tin quảng cáo từ bên nhận đặt cọc/bên bán hàng, khách hàng cũng cần tìm hiểu các thông tin chính thức về dự án và căn hộ từ kênh chủ đầu tư và từ các hồ sơ pháp lý tùy từng giai đoạn; Không vội vàng đặt cọc dựa trên những thông tin một chiều do các đơn vị trung gian cung cấp.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng khuyến cáo người dân cần yêu cầu cung cấp dự thảo hợp đồng mua bán của chủ đầu tư và đính kèm nó làm một phần không tách rời của giấy tờ đặt cọc.

Trong trường hợp chủ đầu tư chưa hoàn thiện dự thảo hợp đồng mua bán, cần yêu cầu quy định những nội dung tối thiểu sau trong giấy tờ đặt cọc: Mục đích của việc đặt cọc (như thông tin về căn hộ bên đặt cọc muốn mua khi chủ đầu tư đủ điều kiện mở bán); Ấn định thời điểm ký kết hợp đồng mua bán căn hộ với chủ đầu tư; Các điều kiện đối với chủ đầu tư và dự án tại thời điểm ký kết hợp đồng như: dự án đủ điều kiện mở bán theo quy định pháp luật, chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ đăng ký hợp đồng theo mẫu với cơ quan bảo vệ người tiêu dùng có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết cần nghiên cứu kỹ nội dung của giấy tờ đặt cọc để đảm bảo chế tài xử lý vi phạm của bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc đã được quy định rõ ràng.

Đặc biệt, người mua cân nhắc thật kỹ trong trường hợp có các nội dung bất lợi về xử lý vi phạm hợp đồng của các bên, ví dụ như không cho phép bên đặt cọc chấm dứt hợp đồng hay chế tài đối với bên đặt cọc nặng hơn.