Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Múa hề trong lễ hội ở Tây Nguyên

PV - 16:05, 17/07/2018

Từ thời xa xưa, các dân tộc ở Tây Nguyên đã biết đến nghệ thuật hóa trang, đeo mặt nạ và tô vẽ trên các bộ phận của cơ thể nhằm làm thay đổi diện mạo của mình. Lối hóa trang này được người xưa dùng để đi săn, ngụy trang trong chiến đấu và trình diễn trong các dịp lễ hội của cộng đồng.

Tây Nguyên Những người múa hề đi trước đội hình múa xoang và cồng chiêng.

Từ thời tiền sử, nhiều bộ tộc, bộ lạc đã lấy chất liệu tự nhiên, chế biến một cách đơn giản rồi tự bôi hoặc nhờ người khác bôi lên mặt mình. Mục đích ban đầu có lẽ là để “ngụy trang” nhằm đánh lừa muông thú trong các cuộc săn bắn và để hù dọa kẻ thù. Từ chỗ vẽ trực tiếp trên mặt, người ta đã làm ra những chiếc mặt nạ gỗ. Họ đeo mặt nạ mèo, mặt nạ khỉ, mặt nạ ma quỷ… và thường đi trước đội chiêng và đội múa xoang.

Mặt nạ của các dân tộc Tây Nguyên được làm bằng một loại gỗ mềm và nhẹ, thể hiện những bộ mặt kỳ dị, quái đản, thường đi đôi với những bộ y phục ngộ nghĩnh. Cách ăn mặc của người đeo mặt nạ cũng rất kỳ quặc, dễ gây cười. Trong các nhóm biểu diễn nghệ thuật dân gian như múa rối, múa trống, múa chiêng... thường có vai hề mặt nạ tham gia, làm cho trò diễn sôi nổi hẳn lên, cuốn hút người xem bằng những cử chỉ bất ngờ, vui nhộn.

Trong mỗi dịp lễ hội của người Ba Na, Jrai thường xuất hiện nhân vật đặc biệt gọi là Pơtual (người làm trò hề). Người này có năng khiếu đặc biệt về diễn xướng. Ngoài đời họ vui tính, linh hoạt, có khả năng gây cười cho mọi người. Đi vào lễ hội, họ biết cách làm cho người dự hội cảm nhận được những nỗi vui buồn của cuộc sống. Ngay từ lúc xuất hiện, họ đã làm cho người đi dự hội phấn khích, thích thú bởi cử chỉ, ánh mắt, diện mạo khác thường, ngộ nghĩnh.

Ngoài dáng hình và điệu bộ, những người làm trò hề còn có tài “ứng khẩu”, đồng thanh tạo nên tiếng hú, tiếng hét bắt chước tiếng vọng hoang dã của núi rừng. Tiếng hú, hô vui nhộn của họ hòa điệu với nhịp trống, nhịp chiêng nói lên niềm vui sướng của cuộc sống tự do, phóng khoáng và bình yên giữa núi rừng bao la.

Nhìn vào cách hóa trang, ta có thể nhận ra vai trò của họ. Những Pơtual múa hề (xoang bram) thường bôi một lớp đất sét, miệng ngậm vật tròn để làm biến dạng, làm tăng sự biểu cảm trên gương mặt, sau lưng gắn một chiếc đuôi trông giống như chú khỉ. Những Pơtual múa rối (xoang brim) thường hóa trang cầu kỳ hơn bằng rễ cây si, lá chuối khô, bao tải rách, tua rua vót từ nan tre nứa… Bram xuất hiện với nhiều hình tượng khác nhau, lúc mang dáng điệu của một con khỉ, lúc giống một con vật, khi biến thành người thọt chân, một thằng gù…

Trong lễ mừng lúa mới, những Pơual diễn xuất những trò vui nhộn, thể hiện không khí hân hoan, phấn chấn của vụ mùa bội thu, cuộc sống ấm no. Trong Lễ bỏ mả, Pơtual có thể làm người ta cười và cũng có thể làm người ta khóc khi thể hiện trạng thái đau buồn, chạm vào những sâu kín, u uẩn trong lòng người.

Việc hóa trang bằng mặt nạ và bôi màu trên các bộ phận cơ thể của các dân tộc Tây Nguyên là hình thức trang điểm, tái hiện sinh động hình ảnh “người viễn cổ”, mang đậm dấu ấn nguyên thủy. Vào dịp lễ hội, khi được chứng kiến, chiêm ngưỡng tài diễn xuất của những người múa hề, những điệu múa xoang lãng mạn, nhịp trống chiêng rộn ràng, ta cảm nhận được nét hoang sơ, mộc mạc của văn hóa Tây Nguyên.

TẤN VỊNH