Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Mùa táo mèo trên đỉnh đèo Pha Đin

PV - 10:19, 27/08/2018

Ở độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, đỉnh đèo Pha Đin, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) có khí hậu mát mẻ quanh năm, thích hợp để cây táo mèo (sơn tra) phát triển. Vốn là cây có sức sống mạnh, ít cần chăm sóc, bón phân nhưng mỗi năm táo mèo đều ra hoa kết quả rất sai và trở thành cây xóa đói giảm nghèo của bà con người dân tộc Mông ở 2 xã Tỏa Tình và Tênh Phông.

Ngược lên đỉnh đèo Pha Đin, thời gian từ giữa tháng 7 hàng năm trở đi chúng ta dễ dàng gặp khung cảnh rộn ràng, những tốp người đang miệt mài với công việc hái táo mèo. Mới 8 giờ sáng, nhưng 5 người trong gia đình chị Lò Thị Cở ở bản Lồng, xã Tỏa Tình đã thu hái được 3 bao táo và chờ thương lái đến mua chở đi bán cho các tỉnh dưới xuôi. Chị Cở cho biết, gia đình chị là một trong những hộ đầu tiên của xã trồng cây táo mèo. Đó là vào khoảng năm 1996, chị bắt đầu trồng, khoảng 7 năm sau thì được thu hoạch. Hiện gia đình chị có gần 2ha cây táo mèo, được trồng xung quanh nhà, trên đồi và cả diện tích trồng xen kẽ trong các rừng thông. Nguồn thu từ táo mèo đã giúp gia đình chị Cờ thoát nghèo.

Hái táo mèo trên đỉnh đèo Pha Đin. Hái táo mèo trên đỉnh đèo Pha Đin.

“Mỗi vụ, gia đình tôi thu được hơn chục tấn táo mèo tươi, bán đi cũng được khoản tiền 60-70 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình tôi đã thoát nghèo, có tiền mua xe máy, sắm vật dụng sinh hoạt và trang trải cuộc sông”, chị Cở cho biết thêm.

Táo mèo sau thu hoạch được người dân mang bán nhiều ở ven đường Quốc lộ 279 trên đỉnh đèo Pha Đin; một số hộ cũng đã chế biến để các sản phẩm từ quả táo mèo thêm đa dạng phục vụ người mua như: táo mèo khô, rượu ngâm táo, mứt táo…Cũng có nhiều thương lái vào tận vườn của bà con đang thu hoạch để thu mua. Những năm gần đây, do nhiều người biết đến hiệu quả, công dụng của loại quả này nên táo mèo Tỏa Tình được phân phối rộng rãi hơn đến các tỉnh: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên và các tỉnh miền Nam.

Ông Mùa A Dề, Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình cho biết: Hiện nay, xã có hai loại cây công nghiệp chiếm số lượng diện tích lớn là táo mèo và cà phê. Đây cũng là hai cây trồng chủ lực để giúp bà con Tỏa Tình thoát nghèo, phát triển kinh tế. Đặc biệt là đối với cây táo mèo, do không tốn công chăm sóc nên ít rủi ro, hàng năm đều cho thu hoạch quả để người dân có nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, khó khăn nhiều năm nay của bà con trồng táo mèo vẫn là khâu tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, thường xuyên xảy ra điệp khúc “được giá thì mất mùa, được mùa lại mất giá”. Sản lượng táo năm nay được mùa, nhưng giá bán quả tươi tại vườn vào khoảng 6 đến 7.000 đồng/kg quả tươi, thấp hơn mọi năm khoảng 3.000 đồng/kg.

Trao đổi với ông Lò Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Tổng diện tích táo mèo trên toàn huyện hiện có 171ha, được trồng tập trung ở hai xã Tỏa Tình và Tênh Phông. Để phát triển bền vững cây táo mèo, huyện cũng đã khuyến khích các doanh nghiệp và các hợp tác xã nông nghiệp liên kết với nhân dân để sản xuất loại cây này theo chuỗi từ ươm mầm đến thu hoạch, thu mua sản phẩm.

Về vấn đề đầu ra cho sản phẩm, ông Lò Văn Cương cho biết hiện đã có một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện và ở các tỉnh lân cận đặt vấn đề về việc thu mua sản phẩm quả táo mèo của bà con. Có doanh nghiệp cũng đang tìm hiểu để xây dựng dây chuyền sản xuất rượu táo mèo ngay tại địa phương. Trong năm 2018, tại xã Tỏa Tình cũng đang triển khai mô hình cung cấp giống, chăm sóc cây cho đến việc cam kết thu mua sản phẩmcho bà con.

NAM HƯƠNG