Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Mùa thu dùng cháo gạo lứt "phòng táo, nhuận phế"

Minh Nhật - 16:52, 08/10/2024

Theo Đông y, ăn cháo vào mùa thu rất có ích cho sức khỏe với phương thức “Thu đông dưỡng âm, phòng táo, nhuận phế” - nghĩa là nên bổ sung đầy đủ tân dịch và trọng dụng những thực phẩm có công dụng dưỡng âm, nhuận tràng, bổ phế.

Gạo lứt có công dụng kiện tỳ ích vị, dưỡng huyết nhuận tràng
Gạo lứt có công dụng kiện tỳ ích vị, dưỡng huyết nhuận tràng

Công dụng của gạo lứt

Gạo lứt có tên gọi là Thao mễ hay Hạt sắc chi mễ, vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ ích vị, dưỡng huyết nhuận tràng. Cũng như các loại ngũ cốc thông dụng khác, cách dùng gạo lứt đơn giản nhất là nấu cơm ăn hằng ngày, hay rang chín hãm hoặc sắc lấy nước uống thay trà hằng ngày.

Tuy nhiên, để tăng cường hiệu lực bổ dưỡng và phòng chống bệnh tật, đồng thời cũng để khắc phục tính chất khô khan, khó ăn của gạo lứt, người ta có thể nấu cháo gạo lứt kết hợp với một số vị thuốc có công dụng chữa bệnh tạo thành các món ăn bổ dưỡng tăng cường sức khỏe.

Gạo lứt kết hợp với một số vị thuốc có công dụng chữa bệnh tạo thành các món ăn bổ dưỡng tăng cường sức khỏe
Gạo lứt kết hợp với một số vị thuốc có công dụng chữa bệnh tạo thành các món ăn bổ dưỡng tăng cường sức khỏe

Cách dùng cháo gạo lứt: Dưỡng âm, phòng táo, bổ phế

Cháo gạo lứt vỏ quýt tươi : Vỏ quýt tươi 30g, gạo lứt 100g. Vỏ quýt rửa sạch, nấu lấy nước, bỏ bã. Cho gạo lứt đãi sạch nấu cháo loãng. Chia ăn trong ngày. Ăn khi cháo còn ấm.

Cháo gạo lứt đình lịch tử: Đình lịch tử (hạt đay ngọt) 12g, gạo lức 100g. Hạt đình lịch bỏ tạp chất, sao nhỏ lửa đến khi dậy mùi thơm, để nguội, thêm nước cô đặc, bỏ bã, cho gạo lứt vào, thêm nước vừa đủ nấu cháo loãng. Ngày ăn 2 lần.

Cháo gạo lứt hạt mã đề: Hạt mã đề (xa tiền tử) 30g, gạo lứt 150g. Dùng vải bọc hạt mã đề cho vào nồi, thêm 600ml nước nấu còn 300ml, bỏ túi thuốc, cho gạo lứt đãi sạch vào thêm nước, nấu thành cháo loãng. Ngày 2 lần, ăn nóng.

Cháo gạo lứt sơn trà: Lá sơn trà 20g, gạo lứt 120g, gừng tươi 3 lát, gia vị vừa đủ. Gạo lứt đãi sạch cùng lá sơn trà, nước vừa đủ đun sôi, sau nhỏ lửa nấu cháo, khi chín cho gừng tươi, gia vị vào là được. Chia ăn 2 - 3 lần.

Cháo gạo lứt, phổi lợn: Phổi lợn 300g, gạo lứt 120g, ý dĩ 60g. Phổi lợn rửa sạch, nước vừa đủ, rượu vang vừa đủ, nấu chín vớt ra, thái miếng rồi cho vào nồi cùng gạo lứt đãi sạch, ý dĩ, hành, gừng tươi 3 lát, rượu vang, gia vị vừa đủ. Đầu tiên đun to lửa, đun sôi sau nhỏ lửa, gạo chín nhừ là được. Chia ăn trong ngày.

Cháo gạo lứt, bí xanh: Bí xanh 200g, ý dĩ 30g, gạo lứt 120g. Bí đao rửa sạch, nấu lấy nước bỏ bã cho ý dĩ gạo lứt vào, nấu cháo loãng. Ăn trong ngày.

Cháo gạo lứt, bạch tiền: Bạch tiền 60g, gạo lứt 100g. Bạch tiền rửa sạch, cho 600ml nước nấu còn 300ml, bỏ bã lấy nước, cho gạo lứt vào, thêm nước nấu thành cháo. Chia ăn 2 lần/ngày.

Cháo gạo lứt tang bạch bì: Tang bạch bì tươi (vỏ trắng rễ cây dâu) 32g (khô 16g), gạo lứt 80g. Tang bạch bì rửa sạch, cho 600ml nước nấu còn 300ml nước, bỏ bã lấy nước thuốc, cho gạo lứt đãi sạch vào, thêm nước nấu cho đến khi gạo nở cháo sánh là được. Ngày ăn hai lần.