Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 3.000ha vảiLợi nhuận cao
Xã Ea Sar, huyện Ea Kar là địa phương có diện tích vải lớn nhất nhì tỉnh Đắk Lắk. Toàn xã hiện có 400ha, trong đó 320ha đang cho thu hoạch, còn lại 80ha trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Mùa vụ năm 2025, sản lượng dự kiến đạt khoảng 5.000 tấn. Nhiều hộ dân trên địa bàn xã có nguồn thu nhập cao từ cây vải.
Từ tỉnh Hải Dương, gia đình ông Lê Văn Long vào xã Ea Sar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk lập nghiệp mang theo kinh nghiệm trồng vải nổi tiếng của miền Bắc. Năm 2015, ông đầu tư, cải tạo đất và trồng 5ha vải giống U hồng. “Nghĩ rằng làm thử nghiệm, không ngờ cây vải hợp đất, khí hậu phát triển tốt. Khi vải ra trái vụ đầu quả to, mẫu mã đẹp, chín sớm hơn vải ở miền Bắc khoảng 1 tháng, ngay sau đó thương lái đã tìm đến vườn hỏi mua”, ông Long chia sẻ.
Thấy trồng vải có tiềm năng, ông Long mở rộng diện tích, đến nay gia đình ông đã có hơn 26ha vải. Diện tích cây trồng lớn, ông chủ động tìm hiểu áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm chi phí. Ông đầu tư máy bay không người lái để phun thuốc, giảm nhân công, thời gian và bảo vệ sức khỏe. Đồng thời, ông tăng cường sử dụng phân chuồng hữu cơ để bảo vệ đất, bảo vệ môi trường. “Năm nay, thời tiết thuận lợi, vải đậu quả sai, dự kiến sản lượng hơn 200 tấn, bán với giá trung bình khoảng 50.000 đồng/kg. Mỗi héc ta vải thu cả tỷ đồng, trừ chi phí lợi nhuận vẫn cao", ông Long cho biết.
Không chỉ mang lại nguồn thu lớn cho gia đình, mỗi mùa thu hoạch vải, gia đình ông tạo công ăn việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động với thu nhập 250.000-350.000 đồng/ngày.
Tương tự, cây vải đang mang lại thu nhập cao cho nông dân, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn xã Ea Kly, huyện Krông Pắc.
Mùa vải ở Đắk Lắk thường chín sớm hơn 1 tháng so với các tỉnh khácGia đình ông Nguyễn Duy Dương, thôn 12, xã Ea Kly, huyện Krông Pắc có 3 sào vải, ước lượng khoảng 3 tấn quả. Cuối tháng 4, gia đình ông đã bắt đầu thu hoạch vải bán với giá đầu mùa 65.000 đồng/kg. Ông Dương cho biết: Cây vải hợp với khí hậu, địa chất nên phát triển tốt. Cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật và chăm sóc đúng cách, cây vải đã mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình. Năm nay, thời tiết thuận lợi, vải cho năng suất cao, quả to, đồng đều. Với 3 sào vải, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lợi khoảng 150 triệu đồng.
Bén rễ trên đất Đắk Lắk, vải không chỉ chín sớm, mà năm nay còn được mùa, bán với giá cao, nông dân các vùng trồng vải của tỉnh mang về nguồn thu lớn.
Liên kết để phát triển bền vững
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, hướng tới sản xuất bền vững, nhiều hộ dân ở các vùng trồng vải tỉnh Đắk Lắk liên kết thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã. Từ đó chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi tiêu thụ sản phẩm.
Anh Lê Văn Thưởng, trú thôn 5, xã Ea Sar hiện đang sở hữu 15ha vải U hồng. Anh Thưởng cho hay: Chất đất ở đây chủ yếu đất pha cát, không phù hợp để trồng các cây công nghiệp. Trước đây người dân chủ yếu trồng cây nông nghiệp ngắn ngày như mía, đậu, bắp, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Trồng thử nghiệm cây vải, thấy cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp, năng suất ổn định. Đặc biệt, cây vải ở đây cho thu hoạch sớm hơn các tỉnh nên giá cả cao hơn. Cây vải đang dần khẳng định vị trí chủ lực ở xã Ea Sar, giúp nhiều hộ nông dân thu lãi từ 200 triệu đồng đến cả tỷ đồng mỗi vụ.
Mùa thu hoạch vải tạo công ăn việc làm thời vụ cho nhiều lao động nông thônÔng Văn Đình Thìn, Chủ tịch UBND xã Ea Sar, huyện Ea Kar cho biết: Cây vải phát triển mạnh tại địa phương từ năm 2012. Những năm qua, cây vải đã giúp nhiều hộ dân địa phương thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tới đây, xã Ea Sar sẽ phối hợp tổ chức Hội nghị liên kết sản xuất và tiêu thị quả vải tươi năm 2025. Qua đó, định hướng cho người dân tập trung chăm sóc vải đúng thời kỳ, mẫu mã đẹp, chất lượng uy tín, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo báo cáo toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 3.000ha vải, trong đó có hơn 2.000ha cho thu hoạch, với tổng sản lượng ước đạt hơn 21.000 tấn. Diện tích trồng vải tập trung chủ yếu tại các huyện Ea Kar, Krông Năng, Krông Pắc, M’Drắk…
Các thương lái và doanh nghiệp thu mua đánh giá, vải Đắk Lắk có mẫu mã đẹp, quả to tròn, vỏ mỏng, cùi dày và đạt độ ngọt tiêu chuẩn. Các địa phương, hợp tác xã, tổ hợp tác trồng vải trên địa bàn tỉnh đang chú trọng công tác chăm sóc và thu hái nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các vườn vải trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn canh tác theo hướng nhỏ lẻ, chưa có sự đồng đều về chất lượng. Điều đó khó đáp ứng yêu cầu về mẫu mã, tiêu chuẩn kỹ thuật để xuất khẩu. Việc xây dựng liên kết, từng bước xây dựng thương hiệu vải là mong muốn của nông dân và cũng là hướng đi tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay.