Toàn tỉnh Quảng Bình có 15 xã và 3 bản được thụ hưởng giói chính sách ưu đãi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CPQuảng Bình là địa phương có 15 xã, 3 bản ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Ninh và Lệ Thủy có đồng bào DTTS sinh sống. Trải qua gần 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), đời sống đồng bào đã được nâng lên rõ rệt.
Trong gần 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS ở Quảng Bình đã giảm bình quân trên 6%/năm. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Quảng Bình đã có nhiều khởi sắc. Nguồn vốn đầu tư từ các Dự án trong Chương trình MTQG 1719 đã tác động trực tiếp, tích cực đến kinh tế- xã hội vùng DTTS và miền núi ở Quảng Bình. Tuy nhiên, gói tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ để thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở Quảng Bình gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải ngân.
Tính đến hết tháng 4/2025, tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Quảng Bình của các chương trình cho vay vùng đồng bào DTTS trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình chỉ đạt 20,640 tỷ đồng với 763 lượt khách hàng. Trong đó, cho vay ưu đãi theo Nghị định 28/NĐ-CP, dư nợ đến nay đạt 10,334 tỷ đồng, với 197 khách hàng được vay vốn.
Tính đến 22/5/2025, tổng dư nợ cho vay ưu đãi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP trên địa bàn huyện Minh Hóa , Quảng Bình chỉ đạt 3.898 triệu đồngGhi nhận tại huyện miền núi Minh Hóa, đây là địa phương có đông đồng bào DTTS nhất tỉnh Quảng Bình. Toàn huyện có 5 xã gồm Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn, Hóa Thượng và xã Hóa Tiến thuộc vùng thụ hưởng gói tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP.
Với các chương trình cho vay ưu đãi để sửa chữa, xây mới nhà ở; hỗ trợ đất ở; đất sản xuất; chuyển đổi nghề; đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu quý và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, chính sách ưu đãi tín dụng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP có nhiều đối tượng được thụ hưởng, nhiều nội dung cho vay, tuy nhiên tính đến thời điểm 22/5/2025, tổng dư nợ toàn huyện Minh Hóa chỉ có 3.898 triệu đồng. Trong đó, vay để sửa chữa và xây mới trên địa bàn huyện Minh Hóa có 63 hộ gia đình vay, với số tiền 2.428 triệu đồng.
Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Hoàng Thái Sơn, Tổ trưởng Tổ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa cho biết: “Nguyên nhân thì có nhiều. Ví dụ như nguồn tín dụng về chuyển đổi nghề, người dân không thực hiện chuyển đổi nghề nên không cho vay được. Còn về làm nhà thì các hộ gia đình phải làm nhà mới được vay anh ạ, còn lại họ chưa làm hoặc họ không làm nên cũng chưa giải ngân”.
Dự án ổn định khu dân cư ở xã Bản Hưng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình hiện mới chỉ xây dựng được đường vàoNgoài những nguyên nhân đã được đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa nhận định, nguyên nhân chính là do đồng bào sợ không trả được nợ khi đến kỳ tất toán khoản vay. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình có nguyện vọng vay nhưng không có đủ hồ sơ thủ tục, như chưa có đất để làm nhà cũng không được vay.
Hay như ở nội dung vay ưu đãi “đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu quý và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị” thì ở tỉnh Quảng Bình nói chung và ở huyện Minh Hóa nói riêng rất ít hộ gia đình, đơn vị đáp ứng đủ yêu cầu để được vay.
Ở nội dung hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1, đối tượng thụ hưởng được hỗ trợ không hoàn lại 40 triệu đồng ngân sách trung ương cộng thêm tối thiểu 10%. Ngoài ra, hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở và là người DTTS còn được vay ưu đãi 40 triệu đồng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. Thế nhưng trên thực tế, nhiều hộ đồng bào DTTS không vay vốn ưu đãi để làm nhà vì tâm lý lo sợ không có tiền trả nợ và tâm lý chờ nguồn hỗ trợ không hoàn lại.
Ông Hoàng Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa cho biết: “Các hộ ngại vay ưu đãi để làm nhà vì tâm lý sợ không trả được nợ. UBND xã vận động vay mà không có người vay, họ chờ được hỗ trợ từ Dự án 1 hỗ trợ nhà ở từ Chương trình MTQG 1719.
Triển khai Chương trình MTQG 1719, chính sách hỗ trợ sinh kế đã và đang phát huy hiệu quả gúp đồng bào Chứt ở Quảng Bình ngày càng no đủMột nguyên nhân khác được đưa ra đó là, quá trình triển khai các Dự án chậm cũng là nguyên nhân dẫn đến khó giải ngân vốn vay ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. Minh chứng là các dự án ổn định khu dân cư ở bản Hứng, Bản Pa Choong, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa chậm tiến độ, thậm chí đứng trước nguy cơ bỏ dở… dẫn đến các hộ gia đình không có đất để làm nhà, việc không thể triển khai cho vay, không giải ngân được cũng là điều dễ hiểu.
Chương trình MTQG 1719 giai đoạn I (2021-2025) đã có những thành tựu nhất định trên hành trình đưa vùng đồng bào DTTS và miền núi ở nước ta phát triển toàn diện. Để giai đoạn II (2026-2030) có bước đột phá, việc rút ra những bài học kinh nghiệm ở giai đoạn I, là điều hết sức cần thiết và quan trọng.
Trong đó, gói tín dụng chính sách ưu đãi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP vẫn được triển khai. Tuy nhiên, việc triển khai cho vay ưu đãi ở nội dung nào, đối tượng nào, cho vay với số tiền tối thiểu, tối đa bao nhiêu, thời gian cho vay tối đa… cần được nghiên cứu xem xét lại để triển khai phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tranh thủ nguồn vốn vay đồng thời với việc phát huy tự lực tự cường, tập trung lao động sản xuất vươn lên xây dựng cuộc sống, từ bỏ tình trạng trông chờ vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước.