Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Mùa vàng ở bon Pi Nao

PV - 14:42, 05/07/2019

Từ vùng sình lầy bỏ hoang, đồng bào M’nông ở bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đăk Nông đã cải tạo thành cánh đồng màu mỡ. Cùng với sự hỗ trợ giống, vật tư của Nhà nước và hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp, đồng bào M’nông biết trồng lúa nước, biết áp dụng kỹ thuật vào canh tác đã làm nên những mùa vàng no ấm.

Cánh đồng lúa bon Pi Nao. Cánh đồng lúa bon Pi Nao.

Cán bộ trao cần câu

Nhìn cánh đồng lúa mênh mông, vàng rực trong vụ thu hoạch, ít ai nghĩ rằng, trước đây đó là cả vùng sình lầy rộng lớn và chủ nhân của đồng lúa trĩu bông chính là đồng bào M’nông bao đời quen với nương rẫy.

Trước đây, gia đình anh Y Man ở bon Pi Nao thường vào rừng lấy măng, rau rừng để chống đói. Từ khi biết làm lúa nước gia đình anh không còn phải lo lắng về lương thực. Ngoài cung cấp đủ lương thực cho người, số lúa dư anh còn nuôi được heo, gà phát triển kinh tế. Thời gian đầu bà con chưa có kinh nghiệm nên năng suất còn thấp, mỗi sào chỉ được khoảng hơn 3-4 tạ. Cần cù học hỏi theo hướng dẫn của cán bộ, áp dụng khoa học-kỹ thuật, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên năng suất tăng lên.

“Bây giờ, mỗi ha thu hoạch 5-7 tấn lúa khô. Nhưng, số hộ dân trong bon ngày càng tăng mà diện tích trồng lúa chỉ giới hạn nên bà con rất mong Nhà nước tiếp tục hỗ trợ để mở rộng diện tích lúa để bà con phát triển kinh tế”, anh Y Man tâm sự.

Theo truyền thống từ xa xưa, đồng bào M’nông chỉ biết phát nương, đốt rẫy để trỉa lúa cạn, phụ thuộc vào nước trời, năng suất thấp năm được năm mất nên đời sống gặp nhiều khó khăn, thường xuyên thiếu đói.

Năm 2008, huyện chủ trương vận động bà con dân tộc M’nông bon Pi Nao khai hoang vùng sình lầy bàu Muỗi hay bàu Đỉa để canh tác lúa nước. Đúng như tên gọi, bởi 10 năm trước vùng sình lầy này rất nhiều đỉa, vắt và muỗi đến mức không ai dám đặt chân xuống. Một số nông dân có kinh nghiệm đã đề xuất sử dụng vôi bột để xử lý trước.

Hàng chục tấn vôi đã được rải khắp vùng sình, huy động lực lượng thanh niên từ nhiều cơ quan, đơn vị trong huyện cùng bà con khai hoang, be bờ, đắp đập. Cùng với máy móc, chỉ trong thời gian ngắn các tảng đá lớn, gốc cây to chỉ sau mấy tháng đã được dọn sạch, định hình nên cánh đồng 8ha màu mỡ sẵn sàng cho vụ gieo sạ đầu tiên. Toàn bộ diện tích đất khai hoang được chia đều cho bà con trong bon.

Đồng bào M’nông thu hoạch lúa. Đồng bào M’nông thu hoạch lúa.

Người dân no ấm

Từ nhỏ anh Y Cường đã theo cha mẹ, ông bà lên rẫy, đốt nương, chọc lỗ, gieo hạt lúa. Đầu mùa mưa gieo hạt đến cuối mùa mới thu hoạch, nhưng chim, chuột và các loại động vật khác cắn phá nên năng suất chẳng được là bao. Gia đình Y Cường, thường bị thiếu ăn ngày giáp hạt. Từ khi được chia đất ruộng, được học nghề trồng, với hơn 1.200m2 đất trồng lúa trên cánh đồng Pi Nao, gia đình thoát cảnh đói ăn. Một năm hai vụ lúa, trung bình mỗi vụ thu hoạch khoảng 900kg lúa khô, đảm bảo lương thực cho gia đình ăn cả năm.

“Nhiều năm học nghề trồng lúa nước, nay mình vững nghề không còn phải lo thiếu gạo ăn, yên tâm tập trung chăm sóc vườn cà phê xen canh điều, tiền tích góp được mua thêm bò về nuôi để phát triển kinh tế”, anh Y Cường chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, khuyến nông viên xã Nhân Đạo cho biết: Bon Pi Nao hiện có 105 hộ, với 450 nhâu khẩu hầu hết là đồng bào M’nông. Thấy hiệu quả cây lúa nước, các hộ dân tiếp tục khai hoang, mở rộng diện tích lên khoảng 12ha. Hằng năm, Nhà nước hỗ trợ giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, còn bà con bỏ công ra xử lý đất, gieo sạ, làm cỏ, thu hoạch. Khuyến nông viên của huyện, xã hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác, bón phân, phun thuốc cho phù hợp với chu kỳ sinh trưởng của cây lúa cũng như xử lý các loại sâu bệnh phát sinh.

Đồng bào M’nông cần cù, chịu khó nên sử dụng rất ít các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, áp dụng cách làm truyền thống để cải tạo đất, làm hình nhân, treo quần áo cũ để đuổi chim… Vì vậy, dưới chân ruộng, mương dẫn nước còn nhiều loại cá đồng sinh trưởng. Ngoài việc mở rộng diện tích, hệ thống thủy lợi cũng được đầu tư xây dựng để tiêu úng mùa mưa và cung cấp nước mùa khô. Đường giao thông được bê tông hóa ra tận chân ruộng tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản.

Phát triển nghề trồng lúa nước được đánh giá là hướng đi đúng giúp đồng bào M’nông trên địa bàn huyện có thêm nghề nghiệp, sinh kế ổn định để phát triển kinh tế.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.