Cô gái Tày dệt thổ cẩmDọc con đường rừng, từng chùm hoa như mưa rắc trên vạt cây cỏ dại. Sương li ti đậu nhờ trên mạng nhện hay sương đang mượn tấm lưới nhện mắc màn cho chú dế nhỏ chưa chịu ra khỏi hang. Trời chưa hết lạnh, tiếng dế chưa thức dậy, chỉ có rừng đang chuyển mùa thay áo mới. Khắp cánh rừng phủ ngập tràn nắng non, gió non. Mầm cây bắt đầu cựa quậy, chúng nứt ra từ lớp áo xù xì mốc thếch. Đúng rồi mùa Xuân đang về bản Tày. Cây ven đường vẫy lá, cành chào đón những người con xa quê trở về. Con đường mòn ngày xưa nay đã được đổ bê tông vững chắc, ô tô, xe máy tha hồ lượn. Đường vòng vèo theo con suối trong veo và thung lũng lúa. Vừa hôm nào từng bậc ruộng như lớp lớp sóng vàng, nay chỉ còn trơ gốc rạ. Nhiều thửa ngô non, rau màu đang thế chân ruộng một vụ lúa, cả đồng mươn mướt vươn ngọn, mở lá. Dường như cỏ dại ven bờ cũng ganh đua màu xanh với ngô, màu.
Bản Túm* của người Tày xưa chỉ có hơn mười ngôi nhà, lúp xúp dưới bóng cây, mà nay đã có trên ba chục hộ. Nhà sàn truyền thống, mái ngói nâu trầm, liền kề bên mái lá bạc trắng qua sương nắng, xúm xít bên nhau. Nhà nọ liền sát nhau, chẳng có cổng cao, rào chắn để mùa Xuân tràn ùa vào khắp bản.
Cấy lúa mùa XuânNhững ngày nghỉ Tết, bọn trẻ chân trần in khắp bản. Chúng tụ tập bên chân ruộng khô đầu bản chơi các trò chơi truyền thống như đánh quay, chơi khăng và đá bóng. Mấy đứa trẻ chơi tức pam, đánh yến. Bên suối Khuổi Túm, các mẹ, các chị rửa lá dong. Nguồn nước từ đỉnh núi về, trong veo tràn qua mặt lá. Những tảng đá khổng lồ, sừng sững án ngữ giữa suối như những chú voi, ngựa và rùa đá. Chúng đã đứng sẵn ở đây với người từ khi khai thôn, lập bản. Cũng bao đời nay, người bản Túm sống với suối như một liên kết không thể tách rời. Suối như người mẹ thiên nhiên, sinh sôi nguồn nước vô hạn từ năm này qua năm khác, từ đời xưa cổ đến mãi muôn đời...
Bản Túm là lấy tên một loại cây, thường mọc ven suối. Tiếng Tày gọi là mạy túm, tiếng phổ thông gọi là cây sổ. Xuân về, những cây sổ biếc xanh hơn. Thân cây xù xì, tỏa tán rộng, lòa xòa trên mặt suối. Cuối Xuân, hoa sổ nở xòe năm cánh, trắng muốt. Giữa bông là nhụy hoa màu vàng, lại được những cánh nhỏ hơn bao bọc. Hoa sổ nổi bật trên nền xanh lá, nó giống như chiếc nơ trắng xinh, trên mái tóc của các cô gái bản. Quả non có thể lẫn trong lá, nhưng hoa thì không. Dường như chúng muốn khoe sắc tinh khôi với muôn loài bên suối, nhất là lũ ong, kiến. Thấm thoắt thoi đưa, quả sổ đã to bằng nắm tay, rồi chín vàng trong đám lá.
Hạnh phúc của người mẹ dân tộc TàyThân phận người con gái Tày ngày xưa được ví trong câu ca dao: “Me nhình mác túm luây noòng”. (Con gái như quả sổ trôi theo nước lũ). Đời người phụ nữ chìm nổi, trôi theo con nước lũ, không biết về đâu. Ngày nay, con gái bản Tày đã có mặt khắp nơi trên đất nước Việt Nam thân yêu. Họ còn bay xa đến các quốc gia khác trên thế giới. Qua nửa vòng trái đất, những nam, nữ xa quê lại tìm về bản trong ngày Xuân ấm áp.
Củi khô đã xếp quanh nhà, ngoài ngõ. Củi và lửa là thứ không thể thiếu vắng của nhà sàn. Nhờ vào rừng mà bếp của đồng bào quanh năm đỏ lửa. Củi cây gỗ càng chắc thì than lửa càng đượm hồng. Xưa, những đêm Đông lạnh rét, bếp lửa là tấm chăn ấm cho cả nhà. Ngày nay, nhà nào cũng có chăn ấm, nệm êm. Những người xa quê lâu, chỉ thèm được ngồi bên bếp, lùi củ khoai hay nướng mấy bắp ngô nếp non. Nghe tiếng nổ lép bép của than củi và bắp ngô chín, cảm nhận mùa Xuân đã đến rất gần. Bao ký ức của những mùa Xuân trước lại vọng về. Trên gác bếp, cá nướng, thịt treo từng chùm, từng cặp phơi khô trong khói. Đấy là chưa kể, lợn ngoài chuồng, gà ngoài sân, vịt dưới suối...
Chẳng ai bảo ai, từ đầu tháng Chạp, nhà nào cũng chuẩn bị rượu Tết. Đồng bào chọn thứ gạo nếp nương ngon nhất để dành nấu rượu. Từng vò, từng hũ rượu cất, rượu ủ hay lẩu vảng (rượu hoẵng) xếp hàng quanh bếp. Về đến đầu bản, hương rượu trong gió đã thơm lừng. Hương rượu bay ra nương, ra bờ suối. Thứ rượu men bằng lá cây rừng được chưng cất theo cách truyền thống. Nhấp thử chén rượu đầu, ấm, nóng hơi men, lòng ta như bay lên cùng mùa Xuân. Chỉ khi những mảnh giấy hồng, giấy đỏ được dán lên cột kèo, cống vào đến các cây cối, vật dụng quanh nhà khi ấy là Tết đến, Xuân về.
Quanh năm trên nương, dưới ruộng, lội suối, trèo đồi lo cuộc sống ngày thường, hôm nay bản mình thảnh thơi vui Tết. Tết của bản Tày là ngày vui sum họp, gia đình quần tụ bên nhau. Ăn bữa cơm ngon với người thân, có đứa con xa về. Mâm có nhiều rượu, thịt, bánh chưng và bánh giầy. Năm nay, thôn trên, bản dưới được mùa, cả xã chung niềm vui mùa màng no ấm. Thóc gạo chật cả nhà sàn, trâu, bò, lợn... đầy đàn, gà vịt kín sân, chẳng ai phải lo miếng ăn, tấm mặc nữa. Cả bản mặc áo mới, trang phục truyền thống, đi chơi thăm nhau chúc Tết.
Thiếu nữ Tày phơi vải thổ cẩmGóc vườn, đào, mận khoe “áo hồng, áo trắng”. Rừng cây sau nhà khoác “đồng phục xanh” bạt ngàn. Đất trời mang nắng mới, hân hoan về bản. Đám ruộng khô, cỏ mọc xanh ở đầu bản, cây còn đã dựng lên, cao vút. Nhà sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa đua nở, khuôn viên sạch sẽ, phong quang, tường vừa được quét vôi mới. Sân bóng chuyền hơi ở đã thay tấm lưới. Rồi các trò chơi dân gian cũng được thanh niên bản chuẩn bị chu đáo.
Ngày vui, đêm cũng tràn ngập tiếng cười. Điện nhà ai “giăng hoa” ra tận ngõ. Tiếng nhạc hòa trong tiếng cười của nam, nữ thanh niên. Mùa Xuân về bản, người đi xa lại được nghe những bài dân ca cổ. Điệu Nàng ới, réo rắt gọi người tình. Lời Then, tiếng đàn Tính như xôi nếp dính lòng người. Mùa Xuân, xúng xính khăn áo, bản này, bản kia “buộc” vào nhau lời hẹn ước. Mùa Xuân, dắt díu nhau đi dưới mưa bụi, đất trời, cây cỏ như tan hòa vào lòng người. Em ơi chúng mình cùng đón mùa Xuân về và chung tay giữ ngày vui ở bản nhé…