Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Xuân mới ở bản Giàng II

Phạm Thị Kim Loan - 11:49, 04/03/2024

Dưới chân núi Giăng Màn, cuộc sống người dân tộc Chứt ở bản Giàng II, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh hôm nay đang đổi thay từng ngày. Sắc màu của cuộc sống mới đang hiện rõ trên gương mặt, nụ cười của đồng bào dân tộc Chứt nơi đây khi mùa Xuân mới về.

Người dân bản Giàng II treo cờ Tổ quốc chuẩn bị đón Xuân Giáp Thìn 2024
Người dân bản Giàng II treo cờ Tổ quốc đón Xuân Giáp Thìn 2024

Hương Vĩnh là một xã vùng biên, nằm về phía Tây Nam của huyện Hương Khê, cách trung tâm huyện 7 km, có đường biên giới chung với nước bạn Lào. Toàn xã có 1.325 hộ với 4.404 nhân khẩu, được phân bổ tại 12 thôn, bản.

 Trên địa bàn xã Hương Vĩnh có bản Giàng II là nơi đồng bào dân tộc Chứt sinh sống, với 15 hộ gia đình, 56 nhân khẩu, trong đó có 21 nam, 35 nữ, có 22 em đang học tại các trường THPT, THCS, mầm non, 3 đồng chí bộ đội Biên phòng, bản còn 9 hộ nghèo.

Mặc dù bản Giàng II nằm ở vị trí cách xa vùng trung tâm, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, dân bản gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin xã hội, công tác tuyên truyền, vận động của cán bộ địa phương đến bà con cũng còn nhiều hạn chế, nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Đồng bào dân tộc Chứt luôn tin tưởng vào sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cũng như chính quyền các cấp, đặc biệt là sự gần gũi, giúp đỡ, che chở của Bộ đội Biên phòng ở bản Giàng. Nhờ ánh sáng của Đảng đã đưa người Chứt ở bản Giàng II đến gần hơn với cuộc sống văn minh, hiện đại, theo đó nhận thức xã hội và đời sống của bà con nơi đây ngày càng được nâng cao.

Bản Giàng II trong ngày có các đoàn về thăm
Bản Giàng II trong ngày có các đoàn về thăm

Nhằm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I 2021-2025, tỉnh Hà Tĩnh đã lập Đề án phát triển, bảo tồn dân tộc Chứt tại bản Rào Tre, xã Hương Liên và bản Giàng II, xã Hương Vĩnh theo Văn bản số 3869/UBND-NL ngày 17/6/2021 của UBND tỉnh Hà Tĩnh; Huyện Hương Khê cũng đã có Quyết định số 2735/QĐ-UBND ngày 20/7/2021 về việc thành lập Ban Quản lý xây dựng lập Đề án phát triển, bảo tồn dân tộc Chứt tại bản Rào Tre và bản Giàng II. 

Đồng thời, thành lập Tổ công tác hỗ trợ xây dựng lập Đề án phát triển, bảo tồn dân tộc Chứt tại bản Rào Tre và bản Giàng II. Các văn bản trên đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS nói chung và ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh nói riêng. Đề án đã được hiện thực hóa, mang lại nhiều kết quả tốt đẹp cho đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre và bản Giàng II.

Cụ thể, tại bản Giàng II đã xây dựng nhà văn hoá cộng đồng khang trang và một số thiết chế văn hóa khác; Nâng cấp các tuyến đường trục chính cho dân đi lại thuận lợi hơn; Tu sửa và nâng cấp nhà ở cho dân; Hoàn thiện dần các cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội để phục vụ các nhu cầu cơ bản của người dân; Hỗ trợ vốn cho bà con phát triển kinh tế như mua giống bò, làm chuồng, phân bón, trồng cỏ, trồng rau, ngô, khoai, lúa, cây ăn quả... nhằm nâng cao thu nhập, xoá đói, giảm nghèo; Lắp đặt hệ thống điện, nước sinh hoạt đảm bảo; Tổ chức khám chữa bệnh cho dân, tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch cho phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi; Thành lập câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ cộng đồng, câu lạc bộ truyền thông tại bản nhằm duy trì, bảo tồn văn hoá dân tộc Chứt.

Bên cạnh đó, trong các ngày lễ, tết của dân tộc Chứt, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức cho dân bản được hưởng niềm vui trọn vẹn,... Ngoài ra, dân bản còn được tập huấn các kiến thức kết hợp thực hành về chăn nuôi, trồng trọt; được tổ chức đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm với các dân tộc ở miền Tây Nghệ An về cách thức làm ăn; được tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe; Tất cả trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường, hầu hết phụ huynh đã biết chăm lo cho việc học của con nên chất lượng học tập, kỹ năng sống của các em cơ bản tương đương với học sinh dân tộc Kinh; Kết quả nổi bật nhất là tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2022-2023 đạt 36,6%, có 1 người đi học nghề và đã trở thành cô giáo dạy mầm non.

Về tổ chức chính trị, xã hội ở bản Giàng II đang trong xu hướng phát triển tích cực. Tuy chưa có chi bộ Đảng nhưng đã có 1 trưởng bản, 1 công an viên, 1 thôn đội và 1 chi hội trưởng phụ nữ để thực hiện nhiệm vụ tại bản. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tại xã Hương Vĩnh luôn theo dõi, giám sát, bố trí cán bộ trực tiếp cắm bản; Đồng thời, phối hợp tốt với Tổ công tác Bộ đội Biên phòng để nắm bắt tình hình, hỗ trợ, định hướng và quản lý các mặt đời sống, sinh hoạt của đồng bào, góp phần ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc Chứt. 

Đặc biệt, các ngày lễ, tết, dân bản đều treo cờ Tổ quốc trước nhà; tại nhà văn hóa và các hộ gia đình treo ảnh Bác Hồ ở nơi khang trang nhất; bản đồ Việt Nam được gắn ở góc học tập của con cháu hoặc ở nơi dễ xem nhất. Tất cả để thể hiện tình đoàn kết, gắn bó của các dân tộc Việt Nam và lòng yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, học tập tốt, lao động tốt như lời Bác Hồ đã dạy.

Một số hình ảnh về Tết Cha Leng của dân tộc Chứt ở bản Giàng II
Một số hình ảnh về Tết Cha Leng của dân tộc Chứt ở bản Giàng II

Như vậy, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, Đề án về phát triển và bảo tồn đồng bào dân tộc Chứt đã thực sự đi vào cuộc sống của dân bản Giàng II. Kết quả là đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện nhiều so với trước đây. Ánh sáng văn minh đã về trên bản; nhiều gia đình đã có ti vi, tủ lạnh, bếp ga; đa số dân bản đã có xe máy để đi lại, có điện thoại thông minh để kết nối thông tin liên lạc,…Tất cả sắc màu của cuộc sống mới đang hiện rõ trên gương mặt, nụ cười của đồng bào dân tộc Chứt nơi đây. Thêm một mùa Xuân mới lại về trên bản Giàng II, xã Hương Vĩnh - mùa Xuân của ước vọng vươn tới.

Tin cùng chuyên mục
Và rừng sẽ thêm xanh...

Và rừng sẽ thêm xanh...

Đổ dốc Bù Sen, những cánh rừng bát ngát của xã Diên Lãm (Quỳ Châu, Nghệ An) đã ở phía xa xa. Núi với rừng, cứ thế tiếp diễn, xanh ngắt, tưởng như mênh mông đến vô cùng. Hỏi ra mới hay, đó là những cánh rừng được cộng đồng người Thái ở bản Hốc đang ngày đêm gìn giữ bằng hương ước nghiêm ngặt.