Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Mường Lát (Thanh Hóa): Tiếng trống trường vẫn vang lên trong gian khó

PV - 14:15, 25/09/2018

Sự học của các em học sinh trên vùng biên giới Mường Lát vốn đã vất vả, nay lại càng bộn bề gian khó. Năm học 2018-2019 diễn ra trong điều kiện Mường Lát phải đối mặt với mưa lũ, gây ra nhiều thiệt hại nặng nề về trường lớp, trang thiết bị dạy học, đường sá đi lại.

Mường Lát Trưởng tiểu học Tén Tằn ( Mường Lát, Thanh Hóa)

Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành… sự nỗ lực, chủ động khắc phục khó khăn của thầy và trò vùng cao biên giới, tiếng trống trường vẫn tiếp tục được vang lên đúng ngày tựu trường.

Trường PTDT bán trú THCS Tam Chung có 221 học sinh thuộc diện bán trú nhưng hiện nay chỉ còn có 10 phòng ở. Trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn bộ dãy nhà bán trú và nhà ăn của học sinh vừa được đưa vào sử dụng tháng 1/2017, đã bị đất đá vùi lấp hoàn toàn.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Tam Chung, toàn bộ bờ kè ở phía sau khu phòng học hai tầng của trường bị sạt trượt, làm hư hỏng hoàn toàn 1 phòng học và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lớp học tầng 1. Ngoài ra, địa chất khu vực sạt trượt này chưa ổn định, có thể tiếp tục sạt trượt nếu có mưa lớn, đe doạ trực tiếp đến sự an toàn cho dãy nhà công vụ phía trên.

Tuy nhiên, để tiếng trống trường được vang lên đúng vào dịp khai giảng năm học mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát đã chỉ đạo các trường có phương án, bố trí dồn học sinh về các điểm trường, mượn nhà văn hóa thôn, bản hoặc nhà dân để làm lớp học tạm thời nhằm đảm bảo công tác dạy học trong năm học mới.

Nhà chị Hà Thị Miền là một trong 55 hộ gia đình tại bản Poọng, xã Tam Chung vừa bị mưa lũ cuốn trôi, mất sạch toàn bộ nhà cửa và tài sản. Hiện tại, gia đình chị đang phải ở tạm tại khu trường tiểu học cũ thuộc bản Lát, xã Tam Chung. Chị Miền chia sẻ, gia đình chị đang sống trong những ngày khó khăn, vất vả. Hiện tại, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, bà con và thầy cô giáo, chị đã cố gắng thu xếp, chuẩn bị đầy đủ sách vở và động viên các con đến trường. Nhưng về lâu dài, chị chưa biết tính sao vì không còn nhà để ở.

Thầy Nguyễn Thế Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Chung cho biết, đến thời điểm này, với sự giúp đỡ, ủng hộ của các cá nhân và tổ chức, các em học sinh đã cơ bản có đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập. Nhà trường vẫn đang cố gắng vừa duy trì hoạt động dạy và học, vừa tranh thủ khắc phục hậu quả của thiên tai. Hiện tại, mọi hoạt động của nhà trường vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên trước mắt, nhà trường chỉ tổ chức dạy học vào 1 buổi sáng, buổi chiều giáo viên nghỉ để tiếp tục dọn dẹp.

Mường Lát Sau lũ, dù cuộc sống khó khăn nhưng các em học sinh ở Mường Lát (Thanh Hóa) vẫn băng rừng, vượt suối tới lớp.

Ông Mai Xuân Giang, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát cho biết, trong suốt những ngày qua, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ của tất cả các trường vẫn được tiến hành khẩn trương. Theo kế hoạch, trong tháng 9 này, những trường bán trú bị thiệt hại cơ sở vật chất sẽ được ưu tiên hỗ trợ khắc phục nhằm ổn định việc sinh hoạt bán trú cho học sinh.

Đối với những điểm trường lẻ chưa thể khắc phục được, chủ trương của huyện là sẽ tổ chức san ghép với các điểm trường khác hoặc mượn nhà văn hóa thôn bản, nhà dân để nhanh chóng ổn định hoạt động giáo dục.

Quan điểm của ngành là dù khó khăn đến mấy cũng không được để học sinh thiếu sách giáo khoa, cặp sách đến trường. Qua báo cáo của các trường, đến nay, sách, vở, cặp sách và trang thiết bị dạy học của thầy, trò đã có thể đáp ứng nhiệm vụ dạy và học trong năm học mới.

“Năm học 2018-2019, toàn ngành Giáo dục huyện Mường Lát có 34 trường, 112 điểm trường, 573 lớp học và gần 12 nghìn học sinh các cấp. Thiệt hại do mưa lũ gây ra lần này đối với ngành Giáo dục là rất lớn, có tới 15 Trường, điểm trường học trên địa bàn huyện bị sạt lở, nhiều trang thiết bị dạy và học bị vùi lấp. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỷ lệ học sinh tới lớp vẫn đạt ở mức cao”, ông Giang thông tin.

QUỲNH TRÂM

Tin cùng chuyên mục
Định Hóa (Thái Nguyên): Chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm cho đồng bào DTTS

Định Hóa (Thái Nguyên): Chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm cho đồng bào DTTS

Giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo. Với tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 70%, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.