Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Nạn nhân của tội phạm mua bán người: Gian nan đường về

PV - 10:58, 15/10/2018

Thời gian qua, để giúp nạn nhân bị buôn bán người tái hòa nhập cộng đồng, nhiều chính sách hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh,... đã được ban hành, thực hiện. Nhưng do còn nhiều bất cập, nhất là nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc tái hòa nhập cho nạn nhân bị buôn bán vẫn rất khó khăn.

“Chim sợ cành cong”

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, từ năm 2012 đến nay, các lực lượng chức năng tổ chức giải cứu, tiếp nhận khoảng 7.500 nạn nhân bị buôn bán. Trong đó, hơn 80% nạn nhân là người DTTS; hơn 90% nạn nhân là phụ nữ, trẻ em.

Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, đây cũng mới chỉ là những trường hợp được phát hiện, giúp đỡ; còn trên thực tế thì số nạn nhân bị mua bán lớn hơn rất nhiều. Ngoài những trường hợp được cơ quan chức năng giải cứu thì có nhiều nạn nhân đã tự trở về. Trong khi đó, đa số nạn nhân thường sinh sống ở những vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa nên rất khó thống kê.

Đời sống khó khăn, lại nhẹ dạ cả tin nên phụ nữ, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa trở thành “con mồi” của tội phạm mua bán người. (Ảnh minh họa) Đời sống khó khăn, lại nhẹ dạ cả tin nên phụ nữ, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa trở thành “con mồi” của tội phạm mua bán người. (Ảnh minh họa)

Theo ông Hiền, trở về sau những tháng ngày phiêu bạt nơi đất khách, nạn nhân của tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em gặp rất nhiều rào cản, đó là những khó khăn trên con đường hòa nhập cộng đồng. Bởi thực tế, ở nhiều nơi, cộng đồng xã hội, làng xóm vẫn chưa có cái nhìn bao dung đối với các nạn nhân; điều tiếng xã hội, dư luận xóm giềng đã làm cho các nạn nhân nhiều lúc rất tự ti, mặc cảm... Điều này khiến nhiều nạn nhân sau bao năm được đoàn tụ với gia đình cũng rất khó hòa nhập cộng đồng.

Như trường hợp chị Lò Thị M. (ở Sơn La); năm 2008, khi vừa tròn 15 tuổi, M. bị đối tượng Lò Thị Bó, trú ở bản Nà Bó, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn (Sơn La) lừa bán sang Trung Quốc. Ba năm sau (2011), được sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng nước bạn, M. Tìm được đường về, đoàn tụ cùng gia đình.

Nhưng khi về được nhà, M. trở thành kẻ vô gia cư bởi đất cát ở quê bố mẹ đã chia hết cho các anh, em của M. Thậm chí, khi người xung quanh biết chị bị bán sang Trung Quốc họ còn dị nghị, soi mói đủ thứ. Đến nay, dù đã được học nghề, có việc làm ổn định nhưng M. vẫn bị ám ảnh, chị như con chim sợ ná (cung tên), chỉ thoáng nghe lời thì thầm cũng co mình lại.

Hỗ trợ thấp

Tại phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012-2017 (tổ chức sáng 23/8/2018), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã kể câu chuyện: Bà đã từng làm việc với Trung tâm Bảo trợ xã hội của một tỉnh thì thấy thực trạng, nạn nhân sau khi được tiếp nhận trở về chỉ ở trung tâm từ một đến hai ngày, hầu như chưa được tiếp cận với dịch vụ hỗ trợ gì nhiều, lập tức đã bị đưa về địa phương, gia đình. Sau khi đưa về địa phương, trung tâm hầu như không nắm được họ trở về địa phương làm gì, như thế nào, có bị mua bán tiếp tục không, có tái hòa nhập cộng đồng tốt hay không?

Thực tế, việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, nhưng mấu chốt nhất vẫn là bất cập trong cơ chế, chính sách. Cụ thể là định mức hỗ trợ nạn nhân quá thấp được quy định trong Thông tư liên tịch số 134/TTLT-NTC-LĐTBXH ngày 25/9/2013. Theo Thông tư này thì khi được giải cứu, tiếp nhận, mỗi nạn nhân sẽ được hỗ trợ tiền ăn 30 nghìn đồng/ngày, hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh 50 nghìn đồng/ngày,… trong thời gian nạn nhân tạm trú tại cơ sở bảo trợ xã hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, “mức ăn này chỉ đủ sức để cầm hơi, thoi thóp, không phù hợp với nạn nhân vừa trở về, bị suy kiệt, thậm chí chỉ có một bộ quần áo trên người, đói rét, bao nhiêu ngày băng rừng, vượt suối để quay trở về Việt Nam”.

Còn với mức 50 nghìn đồng/người/ngày để hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho nạn nhân lại càng không phù hợp. Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Công an, đa số nạn nhân là phụ nữ, khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép làm vợ người dân bản địa và bị bóc lột tình dục (chiếm gần 80%) và cưỡng bức lao động; khi được giải cứu, tiếp nhận trở về đa phần đều trong tình trạng sức khỏe bị bào mòn nghiêm trọng, đó là chưa kể những trường hợp mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo khác...

Rõ ràng, kinh phí hỗ trợ quá thấp đang và sẽ là một trong những nguyên nhân khiến đường trở về của nạn nhân bị mua bán càng gian nan hơn. Đây là rào cản cần sớm tháo gỡ để đạt mục tiêu tái hòa nhập cho nạn nhân bị mua bán.

Số liệu của Bộ Công an cho thấy, giai đoạn 2011-2015, Chương trình phòng, chống mua bán người được Chính phủ phê duyệt kinh phí 720 tỷ đồng, nhưng thực tế ngân sách chỉ bố trí được trên dưới 8 tỷ đồng/năm. Còn theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 5 năm (2016-2020), toàn bộ Chương trình mục tiêu trợ giúp xã hội, trong đó có Chương trình tái hòa nhập cho nạn nhân bị mua bán, thông qua Bộ chỉ có 38 tỷ đồng, bình quân chỉ được 8 tỷ đồng cho tất cả các bộ, ngành, địa phương để thực hiện.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.