Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Công tác DS- KHHGĐ thời gian qua đã đạt được nhiều thành tích quan trọng. Quy mô dân số hiện nay là 97,5 triệu người (năm 2019) đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới; tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công; tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn (2009-2019) đạt 1,14%/ năm; mức sinh thay thế được duy trì suốt 14 năm qua. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh bước đầu đã được khống chế và giảm còn 111,5 trẻ trai/100 trẻ gái. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình đạt 73,6% tuổi (năm 2019), cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em đều giảm mạnh; tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Mỗi cặp vợ chồng có hai con đã thấm sâu và trở thành chuẩn mực, lan tỏa trong toàn xã hội; dịch vụ DS - KHHGĐ ngày càng được mở rộng và chất lượng ngày càng cao...
Tuy nhiên, công tác dân số hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền, tỉnh thành phố, thậm chí có những nơi mức sinh đã xuống thấp như một số tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, mức sinh vẫn còn cao ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Đáng chú ý, mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn diễn ra nghiêm trọng và ngày càng lan rộng. Lợi thế dân số vàng chưa thật sự được khai thác và phát huy hiệu quả bởi chưa có giải pháp đồng bộ… Các nội dung về dân số trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội còn chưa được chú trọng đúng mức. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu...
Nhằm khắc phục khó khăn, giải quyết những thách thức nêu trên, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số và 50 năm Ngày Dân số Việt Nam, Bộ Y tế kêu gọi các cấp, các ngành cần “Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững”. Theo đó, các ngành, địa phương sớm có những giải pháp triển khai chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030. Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về công tác dân số; tiếp tục có chính sách hỗ trợ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng, người khuyết tật... để nâng cao chất lượng dân số.
Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới đặt ra nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi các cấp các ngành, trong đó những cơ quan phụ trách công tác DS - KHHGĐ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần đạt được các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, góp phần đưa Việt Nam vững bước phát triển trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Với chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững”, các đại biểu tại Hội thảo đã thảo luận về các nội dung: Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030; Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; Chương trình Sàng lọc trước sinh và sơ sinh đến năm 2030; Công tác dân số do các bộ, ngành, đơn vị thực hiện; Cách thức, biện pháp đặc biệt là việc huy động nguồn lực nhằm đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu đến năm 2030 mà Nghị Quyết 21-NQ/TW đã đề ra.../.