Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng tiếng DTTS qua loa di động

Lê Hường - 12:31, 03/04/2020

Để giúp người dân hiểu đúng và biết cách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, UBND xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đăk Lăk) đã có sáng kiến dịch tài liệu tiếng Việt sang tiếng đồng bào DTTS, rồi dùng loa di động phát ở khu dân cư. Cách làm này đã mang lại hiệu quả tích cực giúp đồng bào DTTS chủ động phòng chống dịch bệnh.

Ông Sùng Minh Sơn, thôn Ea Bar mang loa đi tuyên truyền phòng chống dịch Covid – 19 bằng tiếng Mông
Ông Sùng Minh Sơn, thôn Ea Bar mang loa đi tuyên truyền phòng chống dịch Covid – 19 bằng tiếng Mông

Hằng ngày, ông Sùng Minh Sơn, Trưởng thôn Ea Bar, xã Cư Pui, lại chở loa di động đi khắp đường làng, ngõ xóm để tuyên truyền phòng chống dịch bằng tiếng Mông. Tiếng loa phát thanh liên tục cập nhật những thông tin mới, những  văn bản chỉ đạo của các cấp về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho bà con theo dõi.

Ông Sơn chia sẻ: thôn Ea Bar có 319 hộ với 1.669 nhân khẩu, hầu hết là người dân tộc Mông. Nhiều người dân không biết đọc, biết viết, thậm chí không rành tiếng phổ thông nên tuyên truyền bằng tờ rơi hoặc hệ thống loa phát thanh chung của xã bà con sẽ không hiểu và cũng không mấy quan tâm.

“Từ đầu tháng 2, xã có chủ trương dịch tài liệu tuyên truyền của Trung tâm Y tế huyện sang tiếng Mông, tôi đã dịch, thu âm bằng điện thoại, phát qua Bluetooth trên loa di động mượn của Trường Tiểu học Ea Bar rồi chở bằng xe máy đến khu dân cư trong thôn để tuyên truyền, giúp người dân hiểu, nâng cao nhận thức, chung tay cùng cộng đồng phòng, ngừa dịch bệnh”, ông Sơn cho biết.

Chị Sùng Thị Bầu, ở thôn Ea Bar cho hay: Bà con đồng bào Mông ở đây ít người biết tiếng phổ thông, chị được học lớp xóa mù chữ cũng biết sơ sơ, nhưng nếu bảo đọc tờ rơi hay nghe loa của xã có nhiều từ chưa hiểu hết. Việc tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 bằng tiếng mẹ đẻ thế này bà con dễ nghe, dễ hiểu và thực hiệu tốt hơn.

“Nghe thông tin dịch bệnh cập nhật mới hàng ngày chúng tôi hiểu được mức độ nguy hiểm của nó. Mọi người trong thôn cùng thay đổi thói quen sinh hoạt, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, tự dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, đeo khẩu trang theo hướng dẫn của cán bộ y tế xã”, chị Bầu tâm sự.

Người dân ở xã Cư Pui đeo khẩu trang khi ra ngoài
Người dân ở xã Cư Pui đeo khẩu trang khi ra ngoài


Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui, Cư Pui là xã vùng sâu có đến 89% đồng bào DTTS chủ yếu đồng bào Mông di cư từ các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang vào lập nghiệp. Toàn xã có 13 thôn buôn, trong đó có 6 thôn 100% là đồng bào Mông, cách xa trung tâm xã, đời sống còn nhiều khó khăn.

Bà con, họ hàng ngoài Bắc thường xuyên vào tạm trú rồi cũng hay di chuyển về quê. Trong khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nếu không hạn chế việc di chuyển thì rất dễ phát sinh và lây lan. Đặc biệt, là tỉ lệ mù chữ ở người lớn tại các thôn đồng bào Mông còn cao nên nuốn người dân hiểu rõ về dịch bệnh, biết cách phòng, tránh cần phải có cách tuyên truyền phù hợp. Từ tháng 2/2020, các thôn người Mông trong xã đã áp dụng hình thức tuyên truyền bằng loa di động, phát bằng tiếng Mông.

“Sau khi tuyên truyền, khuyến cáo, nhận thức của người dân trên địa bàn xã đã thay đổi rõ nét. Nếu như trước đây bà con không biết đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, thì nay trong nhà có nước rửa tay sát khuẩn, ra ngoài đường mọi người đều đeo khẩu trang. Bà con cũng hạn chế đi lại, thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đường làng, ngõ xóm khu dân cư”, ông Tâm phấn khởi nói.

Ngoài tuyên truyền bằng hệ thống loa phát thanh xã, phát tờ rơi, loa di động, xã Cư Pui tăng cường cán bộ hướng dẫn, khuyến cáo người dân tại các điểm nhóm đạo Tin lành làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19, không tổ chức các hoạt động tôn giáo tụ tập đông người để hạn chế nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.



Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Hàng loạt khó khăn vướng mắc trong giao đất, giao rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp

Nghệ An: Hàng loạt khó khăn vướng mắc trong giao đất, giao rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp

Vị trí đất được cấp ở xa, địa hình giao đất giao rừng đi lại khó khăn, sai lệch diện tích giữa hồ sơ và thực địa, nhu cầu người dân lớn nhưng quỹ đất ít… là những khó khăn, vướng mắc đang gây ảnh hưởng lớn đến việc giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp ở Nghệ An.