Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Nâng cao chất lượng vận động đồng bào DTTS dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh

TS Lê Trung Kiên - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - 08:44, 02/05/2023

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm công tác của Đảng và Chính phủ trong việc vận động đồng bào DTTS, đặc biệt là việc tuyên truyền, giáo dục, giúp đỡ đồng bào về ý thức đoàn kết, bình đẳng dân tộc, chăm lo giáo dục, phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục những khó khăn, loại bỏ những hủ tục và lạc hậu. Người mong muốn đồng bào các dân tộc đều là anh em ruột thịt một nhà, phải biết đoàn kết chặt chẽ với nhau như một “bó đũa”, phải biết giúp đỡ lẫn nhau, “chia ngọt, sẻ bùi” cùng nhau, xóa bỏ mọi thành kiến, tự ti và nỗ lực vươn lên tiến bộ để trở thành dân tộc “phú cường”.

Nữ Đại biểu DTTS tham quan Triển lãm ảnh tại Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020. (Ảnh TL)
Nữ Đại biểu DTTS tham quan Triển lãm ảnh tại Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020. (Ảnh TL)

Người cũng có những chỉ dạy sâu sắc về những nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS và chỉ rõ mỗi ngành, mỗi địa phương cần phải nhận rõ phần trách nhiệm của mình đối với miền núi và chú trọng hơn nữa công tác ở miền núi nhằm xóa đói, giảm nghèo, giữ vững biên cương của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng, Đảng và Chính phủ có chính sách đối với đồng bào các dân tộc phải thể hiện trên hai phương diện quan trọng là: đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào. Để vận động đồng bào đoàn kết, Người có cách giải thích rất tự nhiên, thuyết phục rằng tất cả các dân tộc đều là anh em trong gia đình Việt Nam. Sự nghiệp của Đảng, Chính phủ là sự nghiệp của toàn dân.

Do vậy, Đảng và Chính phủ cần chú trọng nâng cao trình độ, tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy địa phương, thường xuyên cung cấp thông tin, tuyên truyền, vận động xây dựng khối đại đoàn kết các DTTS để giữ gìn đất nước và dựng xây chế độ xã hội chủ nghĩa. Vận động đồng bào phát huy tính tích cực, chủ động, ý chí vươn lên, phải thương yêu nhau, kính trọng nhau, giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc chung bền vững dài lâu. Đồng thời, phải tổ chức, phát động phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm của đồng bào DTTS.

Để hiện thực hóa di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ trương phải làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, Đảng và hệ thống chính trị phải chú trọng những quyền lợi về chính trị, kinh tế, văn hóa cho đồng bào. Việc vận động đồng bào có hiệu quả thiết thực nhất là đồng bào được thụ hưởng những giá trị về vật chất và tinh thần. Đổi mới hình thức, phương pháp vận động triển khai chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia cho đồng bào; giải quyết thỏa đáng về đất đai, tài nguyên rừng, tạo nền tảng xóa đói, giảm nghèo.

Thiếu nữ dân tộc Mường biểu diễn chiêng.
Thiếu nữ dân tộc Mường biểu diễn chiêng.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước phải xây dựng chính sách ưu tiên vùng đồng bào DTTS; phải chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS... để đồng bào miền núi thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng và phát triển miền núi, Đảng và Chính phủ tiếp tục quan tâm, ưu tiên xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ là người DTTS, bởi họ là người hiểu rõ nhất về đặc điểm văn hóa, tâm lý, ngôn ngữ của đồng bào mình, thực tiễn đó sẽ giúp họ bám địa bàn, bám làng, bản, buôn, phum, sóc...

Trên cơ sở đó, phương pháp tuyên truyền được lãnh tụ Hồ Chí Minh sử dụng trong mọi hoàn cảnh nhằm làm cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân tin, dân làm, dân ủng hộ. Muốn đạt được mục đích đó, cán bộ dân vận, mặt trận, đoàn thể phải có phương pháp phù hợp như tuyên truyền miệng gắn với trình độ nhận thức, đặc điểm của đồng bào; kết hợp nhuần nhuyễn các phương tiện trực quan, có tính chân thực, sử dụng nhiều dẫn chứng người thật, việc thật cụ thể; ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu và sử dụng rất linh hoạt các thành ngữ, tục ngữ, phù hợp với trình độ nhận thức của đồng bào...

Và, phương pháp nêu gương là một trong những phương pháp vận động quần chúng hữu hiệu nhất vì theo Hồ Chí Minh, đối với các dân tộc phương Đông một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Trong di sản của mình, Người đã nhắc đến từ “nêu gương”, “làm gương” đến 240 lần, cho thấy Người rất coi trọng việc nêu gương của mọi tổ chức và cá nhân. Cán bộ, đảng viên phải quán triệt sâu sắc phương châm: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, Người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong đồng bào DTTS trong việc lắng nghe đầy đủ nội dung, định hướng thông tin, tổ chức vận động.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có bước phát triển vượt bậc.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có bước phát triển vượt bậc

Cùng với đó, theo Hồ Chủ tịch, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước là cách tốt nhất để khơi dậy lòng yêu nước tiềm tàng trong mỗi người dân Việt Nam, biến nó thành sức mạnh, thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Về vấn đề này, Bác chỉ rõ, Đảng, chính quyền, các đoàn thể Nhân dân cần phải lập kế hoạch, vận động, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng kết phong trào thi đua. Phải đề ra được tên phong trào với những khẩu hiệu hành động, tuyên truyền sắc bén, sát đúng với tình hình và nguyện vọng, lợi ích của đồng bào DTTS... Có như vậy, đồng bào mới tin tưởng, ủng hộ, nghe và làm theo.