Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nâng niu vốn cổ

PV - 16:31, 18/04/2018

Với ông Vi Văn Phúc, việc sưu tầm và lưu giữ các hiện vật của đồng bào Thái không chỉ là niềm đam mê mà còn là ý thức bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Thái.

Những ngôi nhà sàn lợp bằng ngói sa mu của đồng bào Thái nằm san sát tạo nên nét thơ mộng giữa đại ngàn. Ảnh: MH Những ngôi nhà sàn lợp bằng ngói sa mu của đồng bào Thái nằm san sát tạo nên nét thơ mộng giữa đại ngàn. Ảnh: MH

 

Ông Vi Văn Phúc sinh ra và lớn lên ở xứ Mường Quạ, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) nơi được xem là cái nôi của đồng bào dân tộc Thái Nghệ An. Từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành, ông được cha dạy rèn từng con dao, đan từng cái gùi đi nương đi rẫy; được mẹ dệt cho những chiếc áo thổ cẩm. Nhưng dần dần, những dụng cụ lao động trong gia đình như khung cửi, la kéo sợi, guồng nước làm ruộng, nỏ,… dần vắng bóng, không chỉ trong nhà của ông mà cả ở những gia đình khác cùng bản, cùng xã cũng mai một dần.

Ông Phúc chia sẻ, người Thái có nhiều dụng cụ lao động rất độc đáo, như pạt (guồng nước làm ruộng), phờm (dụng cụ xe sợi), lúng (dụng cụ xúc cá, tôm), cà ben (thay cho cái rương)… Nhưng theo thời gian, những dụng cụ này dần biến mất trong sinh hoạt và sản xuất của cộng đồng cư dân Mường Qụa.

Ông Vi Văn Phúc giới thiệu về những hiện vật người Thái mà gia đình đang lưu giữ. Ông Vi Văn Phúc giới thiệu về những hiện vật người Thái mà gia đình đang lưu giữ.

 

Trăn trở với những thay đổi từng ngày làm mất đi giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc, khi còn công tác, trong nhiều chuyến đi cơ sở, tiếp xúc với già làng, trưởng bản, ông Phúc suy nghĩ phải lưu giữ lại những nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái. Ông đã cất công sưu tầm những hiện vật độc đáo gắn liền với đời sống sản xuất, văn hóa của đồng bào Thái ở khắp các vùng miền. Rồi về hưu, hễ nghe tin nơi nào có dụng cụ, cổ vật liên quan đến người Thái, ông tìm đến mua bằng được. Ông đã đi khắp các bản làng người Thái trong tỉnh, rồi ra Hòa Bình, lên Cao Bằng để sưu tầm những hiện vật biểu trưng của người Thái.

Sau hơn 40 năm miệt mài sưu tầm, đến nay ông Vi Văn Phúc đã đưa về cho bản làng người Thái ở xã Môn Sơn hơn 800 hiện vật văn hóa vật thể của dân tộc Thái. Có những hiện vật qúy hiếm như các nén bạc, có những nén bạc có niên hiệu từ thời vua Gia Long, ông xem đó là những “kỷ vật”.

Để hiện vật có sức sống, lan tỏa giá trị, ông đã biến ngôi nhà sàn đúng “chất” Thái thành một bảo tàng trưng bày các hiện vật. Ngôi nhà sàn trưng bày hơn 800 hiện vật các loại, được chia thành các nhóm khác nhau như: Nhóm liên quan đến ẩm thực; nhóm dệt vải thêu thùa; nhóm công cụ sản xuất; nhóm săn bắt; nhóm nhạc cụ; nhóm văn hóa tâm linh... Những hiện vật này được xem như những sứ giả đã, đang và sẽ mang những thông điệp về cội nguồn lịch sử, văn hóa giáo dục cho thế hệ con cháu mai sau.

Sau những giờ làm việc mệt nhọc, bà con lại rủ nhau ra cọn nước để tắm mát. Ảnh: MH Sau những giờ làm việc mệt nhọc, bà con lại rủ nhau ra cọn nước để tắm mát. Ảnh: MH

 

Chị Vi Thị Mơ, người dân xã Môn Sơn cho biết: Gia đình chị là người Thái nhưng hiện nay các vật dụng sinh hoạt trong gia đình chủ yếu là của người Kinh. Muốn cho con cái biết được truyền thống của người Thái, chị thường xuyên đem con đến nhà ông Phúc để xem và hướng dẫn cho con biết giá trị của những hiện vật, qua đó giáo dục, nhắc nhở các con nhớ về nguồn cội cố gắng phát huy những truyền thống mà cha ông để lại.

Chị Mơ cũng chia sẻ: “Nhà ông Phúc ví như bảo tàng của người Thái, đến đây sẽ hiểu được hết lịch sử văn hóa của người Thái qua các thời kỳ, từ đó ý thức được giá trị văn hóa bao đời nay của người Thái trên mảnh đất Con Cuông”.

Theo ông Hồ Mậu Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Nghệ An, trong giai đoạn hiện nay, khi mà bản sắc văn hóa của các dân tộc đang có nguy cơ mai một thì việc làm của ông Vi Văn Phúc có ý nghĩa rất lớn. Không chỉ có ý nghĩa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của người Thái mà còn có giá trị giáo dục cho các thế hệ mai sau. Ngành Văn hóa đánh giá cao về sự cống hiến của ông Phúc và hy vọng việc làm của ông sẽ có sức lan tỏa trong cộng đồng người Thái ở Nghệ An nói riêng mà của cả nước nói chung.

MINH THỨ

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.