Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nên loại bỏ tục đốt vàng mã

PV - 06:33, 12/03/2018

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm người dân Việt Nam đốt gần 50.000 tấn vàng mã.

Chỉ tính riêng ở Hà Nội, số tiền mua vàng mã để đốt lên tới trên 400 tỷ đồng/năm. Trung bình vào mỗi dịp lễ, tết, mỗi gia đình phải bỏ ra từ 30.000-50.000 đồng mua tiền giấy, thậm chí có gia đình tiêu tốn đến hàng chục triệu đồng để mua vàng mã.

Vàng mã “đốt” tiền thật

Đình Bia Bà (thuộc làng La Khê, Hà Đông, Hà Nội) những ngày đầu năm đông nghìn nghịt người đến cầu lộc, cầu tài. Mỗi người đến đây đều mang theo một túi đồ lễ gồm, hoa quả, những tập tiền giấy vàng và hương (còn gọi là tiền vàng hương), các cành hoa lộc mua ngay tại cổng đình để cung tiến Bà (mà thực ra nhiều người không biết Bà là ai).

Nhiều người đến còn chở theo cả xe tải nhỏ những đồ mã như ngựa xanh, ngựa trắng, ngựa đỏ, ngựa tím… cùng với những bộ mũ, áo, hia, cờ lệnh, kiếm, roi và hàng trăm lễ tiền vàng để cúng bên điện thờ Tam tòa Thánh Mẫu, thuộc chùa Diên Khánh, ngay cạnh đình Bia Bà.

Trong nghi thức hầu đồng sử dụng rất nhiều đồ mã. Trong nghi thức hầu đồng sử dụng rất nhiều đồ mã.

Chị Nguyễn Thị Bình, nhà ở đường 70-Hà Đông (Hà Nội), sau khi đi đặt lễ một vòng từ Đền Bia Bà sang Đình La Khê đến chùa Diên Khánh rồi ra ngoài quán nước bên cạnh đình ngồi chờ tàn hương để hạ lễ. Chị kể: Nhà làm ăn buôn bán nên hầu như tháng nào chị cũng đến đây đi lễ vào mồng Một và ngày Rằm. Mỗi lần đi lễ, chị thường sắm cả 3 lễ để dâng lên đền, đình và chùa. Tiền mua sắm lễ cũng phải mất vài ba trăm nghìn đồng, riêng tiền mua vàng hương cũng lên tới cả trăm nghìn đồng.

“Mình làm ăn buôn bán, có bỏ ra vài trăm ngàn để sắm lễ dâng lên cúng Bà, cúng Thánh Thần, cúng Phật cũng không tiếc. Mình có xởi lởi, rộng rãi thì các ngài mới độ cho nhiều lộc, nhiều tài”, chị Bình cho biết.

Chị Bình thông tin thêm, việc mua sắm lễ để đi đền, chùa vào ngày Rằm và mồng Một chỉ là “nhỏ giọt” so với việc mua sắm lễ để dâng cúng sao giải hạn đầu năm hoặc lễ cầu an, cầu siêu… Có những năm gặp sao chiếu mạng xấu, gia đình chị đã bỏ ra cả vài chục triệu đồng để sắm lễ mời thầy về giải hạn. Riêng tiền mua vàng mã chuẩn bị cho mỗi một lễ giải hạn cũng lên tới vài triệu đồng.

Bình quân mỗi năm, người dân Việt Nam đã đốt khoảng 50.000 tấn vàng mã, tương đương trên 400 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm, người dân Việt Nam đã đốt khoảng 50.000 tấn vàng mã, tương đương trên 400 tỷ đồng.

Còn tại Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), có lẽ không ở đâu mà lòng thành của người đi lễ lại “quy đổi” rõ ràng bằng trị giá đồng tiền như ở đây. Các mâm lễ (chủ yếu là tiền vàng) đủ loại từ to tới bé đã được các quầy dịch vụ chuẩn bị sẵn sàng để bán cho người đi lễ. Mâm bé thì 200 nghìn đồng, mâm cỡ trung bình từ 400-600 nghìn đồng, còn mâm cỡ lớn lên đến tiền triệu. Tiến lễ xong, từng đoàn mâm lớn, mâm bé lại được đốt thành tro. Hằng ngày, bể hoá vàng tại đây liên tục được tiếp lửa không ngơi. Tính ra, mỗi năm cả trăm tỷ đồng tiền thật đã được hoá tro tại Đền Bà Chúa Kho theo cách này.

Đề nghị loại bỏ

Theo Đại đức Thích Lệ Minh, Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Thiện Mỹ (TP. Hồ Chí Minh), tục đốt vàng mã có nguồn gốc từ thời nhà Hán của Trung Quốc; tín ngưỡng Việt Nam và đạo lý nhà Phật không đề cập đến. Thời xưa, với quan niệm “trần sao âm vậy”, khi vua qua đời thường có vàng bạc, thực phẩm được chôn theo; rồi quan lại và những nhà giàu làm theo. Sau đó, đã xảy ra tình trạng kẻ gian đào mộ trộm tài sản nên mọi người đổi sang làm tiền giả, vàng giả mang đốt để thay thế. Tục đốt tiền giấy (vàng mã) ra đời từ đó và du nhập vào Việt Nam.

Từ nhiều năm nay, tục đốt vàng mã bị lạm dụng, biến tướng trở thành trào lưu mê tín dị đoan, vừa tốn kém, lãng phí hàng tỷ đồng tiền thật, vừa gây ra ô nhiễm môi trường do khói bụi và nguy cơ xảy ra hỏa hoạn. Từ thực trạng này, mới đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn đề nghị chư tôn, tăng ni trụ trì các chùa, tự viện hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Việc này là hết sức cần thiết. Như lý giải của Đại đức Thích Thiện Hạnh, trụ trì chùa Vinh Phúc (thôn Quang Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh): “Chúng ta vẫn thường nói “dương thịnh âm siêu”. Người dương biết làm phúc, để người âm siêu thoát. Tôi nghĩ, chúng ta lên chùa, thành tâm cầu nguyện hồi hướng tâm đức. Nếu có tiền để mua sắm vàng mã đốt cho cha mẹ, thì nên dùng tiền đó để chia sẻ cho những người nghèo khó. Bởi “Cứu một người dương gian bằng ngàn người âm phủ”, còn cầu nguyện, chỉ cần tấm lòng thành, nếu không thành tâm thì làm gì cũng vô ích”.

NGỌC ÁNH

 

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.