Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nét đẹp trang phục dân tộc Tà Ôi

Nguyệt Anh (t/h) - 14:53, 21/07/2021

Dân tộc Tà Ôi cư trú chủ yếu ở miền núi các tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị. Đồng bào còn có các tên gọi khác như Pa Cô, Tà Uốt, KanTua, Pa Hy.. Trang phục người Tà Ôi có sự giao thoa của nhiều yếu tố văn hóa, vẻ đẹp trang phục thể hiện qua việc tạo dáng, trang trí họa tiết trên đó, các hoa văn trang trí phản ánh sinh động môi trường sống, lòng yêu thiên nhiên, quê hương, con người…

Trang phục truyền thống của người Tà Ôi có màu đen đỏ là chủ đạo
Trang phục truyền thống của người Tà Ôi có màu đen đỏ là chủ đạo

Từ xa xưa, người Tà Ôi đã biết sử dụng vỏ cây amưng để tạo ra trang phục hoặc chế tác thành sợi dệt vải để tạo ra những chiếc áo, chiếc khố, chiếc chăn... Từ thân cây amưng, đồng bào dùng gậy đập cho dập lớp vỏ cây để dễ bóc tách thành từng tấm. Những tấm vỏ cây được ngâm vào hỗn hợp nước gồm lá mía, lá sả giã nát trong khoảng thời gian 10 ngày để khử nhựa độc, sau đó đem phơi nhiều ngày thì có được một loại nguyên liệu như tấm vải. Người tà Ôi dùng dây mây/cà rày vót thành sợi nhỏ thay chỉ để khâu thành sản phẩm sử dụng là tấm áo vỏ cây.

Phụ nữ Tà Ôi tự tay dệt zèng để may trang phục truyền thống
Phụ nữ Tà Ôi tự tay dệt zèng để may trang phục truyền thống

Về sau, cũng như nhiều dân tộc khác, người Tà Ôi đã biết trồng bông, đay để kéo sợi dệt vải zèng may trang phục truyền thống . Thông qua kỹ thuật dệt zèng, phụ nữ Tà Ôi tiếp tục sáng tạo nên sắc màu, hoa văn trang trí tinh tế, bắt mắt nhằm phản ánh về đời sống vật chất và tinh thần của người vùng cao. Trang phục của người Tà Ôi mang những nét chung của các dân tộc ở Trường Sơn - Tây Nguyên, sử dụng hai màu đen và đỏ làm chủ đạo. Ngoài ra còn pha lẫn các màu trắng, tím, vàng, xanh dệt thành các đường viền, các dải màu để bố cục thành hoa văn cho từng sản phẩm.

Mô tuýp hoa văn trên trang phục của người Tà Ôi là những họa tiết hình học biểu trưng cho cây cỏ, muông thú
Mô tuýp hoa văn trên trang phục của người Tà Ôi là những họa tiết hình học biểu trưng cho cây cỏ, muông thú

Phụ nữ Tà Ôi sáng tạo ra các mô típ hoa văn theo dải băng ngang và được liên tưởng từ các hiện tượng tự nhiên xung quanh như hình các con vật (châu chấu, con nhện, con bướm, con dơi); cây cối (cây cổ thụ kating, lá trầu không, cây ngô/bắp), tà vạt (lá cây đùng đình)… đồ vật, hoa văn hình răng sói, hình thoi giao nhau (tượng trưng hạt mã não), hình chữ X và các mô típ hình học khác...

Theo truyền thống thì một bộ đồ mặc đầy đủ của người Tà Ôi thường có: 1 cái váy (hay xịn, xấn) và một cái áo (ado, chù hoe) cho người phụ nữ; 1 cái khố (nài), 1 cái áo (ado, chù hoe) cho người đàn ông.

Trang phục của nam nữ người Pa Cô (nhóm địa phương của dân tộc Tà Ôi)
Trang phục của nam nữ người Pa Cô (nhóm địa phương của dân tộc Tà Ôi)

Trang phục truyền thống của phụ nữ Tà Ôi được thiết kế khá đơn giản. Đồng bào gấp đôi tấm vải, thu phần hai bên nhỏ lại để tạo thân và tay áo ngắn, khoét phần cổ để tạo chiếc áo kiểu cổ chui, tay ngắn hoặc không tay. Áo và váy được trang trí bằng các dải băng ngang cách đều 2 màu đen, đỏ. Váy của phụ nữ Tà Ôi được dệt từ sợi bông, may theo kiểu váy ống và được may ghép từ hai khổ vải thổ cẩm, dệt theo kiểu cổ truyền gọi là xịn, ado tía (váy, áo cổ xưa).

Ngày nay, váy, áo phụ nữ Tà Ôi được dệt các sợi thổ cẩm đính với hạt cườm bằng nhựa nhiều màu để sắc sặc sỡ để tôn thêm sự sang trọng cho người phụ nữ. Chị em còn dùng thắt lưng/xarong bằng kim loại để cố định chiếc váy cho chắc chắn.

Hình ảnh người phụ nữ Tà Ôi với những đồ trang sức bằng bạc được in trên bìa sách
Hình ảnh người phụ nữ Tà Ôi với những đồ trang sức bằng bạc được in trên bìa sách

Để tôn thêm vẻ đẹp sang trọng và qúy phái của mình, phụ nữ Tà Ôi còn đeo thêm bộ trang sức gồm vòng/kiềng đeo cổ, còng đeo tay và khuyên tai bằng bạc trắng và chuỗi đá hạt mã não.

Trang phục truyền thống của đàn ông Tà Ôi khá đơn giản.Thường ngày, đàn ông cởi trần hoặc mặc áo cổ chui không tay như phụ nữ. Trong những ngày se lạnh hoặc tham gia lễ hội, đàn ông Tà Ôi sử dụng khố (nài) và áo pahôl (loại áo không có trang trí hoa văn cườm, diềm tua) và một tấm choàng vắt chéo 2 lần qua tạo hình chữ X trước ngực.

Đàn ông Pa Cô (Tà Ôi) mặc khố (nài) và sử dụng một tấm choàng vắt chéo qua vai
Đàn ông Pa Cô (Tà Ôi) mặc khố (nài) và sử dụng một tấm choàng vắt chéo qua vai

Có thể nói, trang phục truyền thống của người Tà Ôi không chỉ có giá trị văn hóa vật chất để bảo vệ con người mà còn mang giá trị văn hóa tinh thần và xã hội, gắn bó với sinh hoạt, nếp sống văn hóa của gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó với hoa văn trang trí, màu sắc và hình dáng đa dạng trang phục đã thể hiện tính thẩm mỹ dân gian và tính thống nhất trong sự đa dạng của tộc người. Đồng thời trang phục cũng là nguồn sử liệu phản ánh giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần của cộng đồng Tà Ôi.

Một số hình ảnh về người tà Ôi trong sinh hoạt, lao động:

Thiếu nữ Tà Ôi sảy gạo
Thiếu nữ Tà Ôi sảy gạo
Đồng bào Tà Ôi biểu diễn dân ca, dân vũ
Đồng bào Tà Ôi biểu diễn dân ca, dân vũ
Già làng Tà Ôi thổi tù và trong các nghi lễ văn hóa dân gian
Già làng Tà Ôi thổi tù và trong các nghi lễ văn hóa dân gian
Tin cùng chuyên mục
Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Với người Nùng tại thôn Phia Thắp, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, nghề làm hương là niềm tự hào văn hóa đã in sâu trong tiềm thức của đồng bào, do vậy trải qua nhiều thế hệ đồng bào dân tộc nơi đây vẫn miệt mài nối tiếp nhau giữ gìn nghề truyền thống. Do vậy, Phia Thắp được lựa chọn là một trong 7 điểm du lịch cộng đồng của tỉnh được đầu tư, theo đó đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân làng nghề này.