Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nét đẹp trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Lự

Nhật Minh - 09:42, 13/10/2020

Đồng bào dân tộc Lự ở Lai Châu cư trú thành từng bản dọc theo các dòng sông, suối. Người Lự biết canh tác lúa nước từ rất sớm, nên đời sống vật chất tương đối ổn định, vốn văn hoá tinh thần cũng phong phú, đa dạng với nhiều loại hình sinh hoạt văn hoá dân gian mang đậm bản sắc dân tộc, tiêu biểu nhất là nét đẹp trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Lự.

Những lúc nông nhàn, phụ nữ dân tộc Lự thường quay tơ, xe sợi
Những lúc nông nhàn, phụ nữ dân tộc Lự thường quay tơ, xe sợi

Nói về trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Lự, bà Tao Thị Chen ở bản Hon, xã Bản Hon, huyện Tam Đường (Lai Châu) cho biết, người Lự có truyền thống trồng bông, nuôi tằm, kéo sợi, dệt vải, phục vụ nhu cầu may mặc trong gia đình và dòng họ. Trang phục phụ nữ dân tộc Lự gồm có: Khăn đội đầu, áo, váy, thắt lưng.

Khăn đội đầu được làm bằng vải bông, nhuộm chàm đen, dài khoảng trên 400cm, rộng 30cm, hai đầu khăn có tua dài khoảng 20cm. Trên nền đen của hai đầu khăn dệt xen kẽ 18 đường chỉ trắng, to nhỏ khác nhau và hai đường chỉ vàng chạy ngang tô điểm cho khăn. Khi sử dụng, khăn được gấp làm bốn theo chiều dọc và được quấn quanh đầu nhiều vòng và búi nghiêng về phía bên trái đầu.

Áo may bằng vải chàm đen, áo tứ thân, ghép liên kết với nhau từ 6 miếng vải cắt theo hình rẻ quạt, tạo cho áo có vạt xèo rộng so với eo. Hoa văn dệt kết hợp với hoa văn ghép vải. Cổ áo liền với nẹp ngực gồm 5 miếng vải may cầu kỳ với các màu khác nhau tạo thành. Miếng vải ở giữa được đáp những quả hình trám màu xanh, đỏ nối tiếp nhau. Tay áo dài được may thon dần về phía cổ tay viền một vòng vải hoa nhỏ, sát nách có thêu hoa văn chạy vòng quanh ống tay. Trên thân áo bên trái thêu một đường chỉ nhỏ hình dóng trúc, chạy từ cổ thẳng xuống vạt áo bằng chỉ các màu.

Vòng quanh eo từ phía trước ra phía sau là hoa văn ghép vải, đồng bào gọi đó là “con suối uốn lượn”. Dưới hoa văn ghép vải là những hình tam giác thêu bằng chỉ các màu. Hai bên vạt áo được đính hai dây vải hoa, dải dây bên sườn phải có 5 tua bằng sợi len các màu có xâu những hạt cườm. Khi mặc, vạt áo được vắt chéo thân bên trái sang phía sườn phải và buộc hai dây vải với nhau.

Những bộ trang phục mới là một phần không thể thiếu trong các dịp lễ, tết của phụ nữ dân tộc Lự
Những bộ trang phục mới là một phần không thể thiếu trong các dịp lễ, tết của phụ nữ dân tộc Lự

Hằng ngày người phụ nữ Lự thường mặc từ 2 đến 3 chiếc váy cùng một lúc. Chúng được lồng vào nhau thành nhiều tầng, mỗi chiếc cách nhau 3 đến 4cm theo chiều cao dần. Người Lự quan niệm mặc như vậy vừa kín đáo vừa đẹp, vừa có thể thay đổi cho nhau, khi chiếc váy ngoài đã cũ. Váy được tạo bởi ba miếng vải khác nhau, hình ống và chia làm ba phần gồm cạp, thân và chân váy. Cạp váy làm bằng vải bông nhuộm nâu, không trang trí hoa văn. Thân váy làm bằng vải tơ tằm dược dệt trên một khung cửi riêng, kỹ thuật dệt phức tạp và đòi hỏi sự khéo léo của người dệt để tạo thành những hoa văn theo ý thích của từng người. Thân cài hoa văn thành hai phần rõ rệt. Nửa thân tiếp giáp với cạp váy bằng vải tơ tằm màu nâu sạm, trên có dệt thêm nhiều sọc màu vàng và đỏ chạy song song theo chiều ngang của váy.

Trên bộ trang phục còn có thắt lưng được may bằng vải mộc trắng, hai đầu thêu hoa văn và có tua sợi mềm mại. Vòng cổ được làm bằng bạc, hình tròn, hai đầu vòng uốn gập ngược lại tạo ra hai lá hình tam giác, trên mặt lá có chạm khắc hoa dây mềm mại. 

Sự tinh tế, độc đáo trong trang phục của phụ nữ dân tộc Lự đã góp phần tô thắm thêm cho bức trang văn hóa muôn sắc màu của 20 dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu nói riêng và 54 dân tộc Việt Nam nói chung trong quá trình phát triển và hội nhập.

Tin cùng chuyên mục
Bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của các DTTS ở Kon Tum

Bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của các DTTS ở Kon Tum

Cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Kon Tum có rất nhiều nghề thủ công truyền thống độc đáo, gắn liền với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghi lễ, sinh hoạt đời sống cộng đồng, mang đậm nét văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập và phát triển, cũng có không ít nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một. Trước thực tế này, cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nhiều nghệ nhân ở các bản làng, bằng nhiều cách đã quyết tâm gìn giữ và truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ mai sau.