Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nét duyên miền cực Bắc

Phạm Thị Ngoan - 09:36, 16/06/2020

Đã đi qua nhiều vùng đất, nhưng với tôi, một chuyến ngược cao nguyên đá Hà Giang là hành trình đáng nhớ và nhiều cảm xúc nhất trong đời. Nơi cực Bắc biên cương của Tổ quốc không chỉ có thiên nhiên tuyệt đẹp, mà còn ẩn chứa rất nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán độc đáo, sắc màu của cộng đồng 23 dân tộc. Ở đó, còn có những câu chuyện đầy xúc động về sức sống diệu kỳ, sự kiên cường vươn lên trong cuộc mưu sinh trên đá của đồng bào.

Hoa tam giác mạch ở cao nguyên đá
Hoa tam giác mạch ở cao nguyên đá

Đường lên cao nguyên cực Bắc lâu nay vẫn luôn là một thử thách không hề nhỏ đối với các tài xế. Thậm chí cả với những người chỉ ngồi trên xe thôi cũng đủ toát mồ hôi. Những cung đường đèo uốn lượn với biết bao khúc cua tay áo vắt từ ngọn núi này sang ngọn núi kia, sương giăng, vách đá cheo leo và cả vực sâu hun hút khiến xe chúng tôi cứ chao đảo, dò dẫm từng mét đường để đi.

Đồng bào đi chợ phiên
Đồng bào đi chợ phiên

Hạnh phúc biết bao khi chinh phục Cổng trời và cũng rất tự hào khi đặt chân lên cột cờ Lũng Cú trên đỉnh núi Rồng - nơi cực Bắc biên cương của Tổ quốc với lá cờ đỏ sao vàng 54m2 tung bay trong gió. Ngắm nhìn dòng Nho Quế xanh ngắt và mềm mại như một dải lụa vắt dưới chân đèo Mã Pì Lèng… Bức tranh thiên nhiên cao nguyên đá thật hùng vĩ, tráng lệ và đồng bào vùng cao cũng thật chân tình, hiếu khách.

Bao đời nay, đồng bào nơi đây vẫn lưu truyền những huyền thoại, những câu chuyện tình đẹp hay những phiên chợ vùng cao đầy màu sắc sặc sỡ của váy áo, đồ thổ cẩm, những đêm chợ tình đầy gió, đầy mây và những tiếng sáo, tiếng khèn gọi bạn tình của các chàng trai, cô gái vùng cao vang lên tha thiết…

Một số hộ dân ở Quản Bạ trồng cỏ nuôi bò trên phần đất bị sạt lở
Một số hộ dân ở Quản Bạ trồng cỏ nuôi bò trên phần đất bị sạt lở

Từ Hà Nội, chúng tôi vượt qua hơn 300km để đến TP. Hà Giang song đoạn đường dài này khá dễ chịu và thuận lợi bởi đường nhựa êm ru. Sự nhọc nhằn, gian nan nằm ở hơn 150km đoạn đường từ TP. Hà Giang đi 4 huyện cao nguyên đá, gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Dù đã được cảnh báo trước, song trong đoàn chúng tôi ai nấy đều bị choáng ngợp và giật mình trước bức tranh thiên nhiên hùng vĩ lẫn sự nguy hiểm của các cung đường đèo. Khắp vùng núi đá tai mèo được tô điểm bởi những các vườn hoa mai, hoa mận bung nở trắng hồng, thật xinh tươi và quyến rũ. Chúng tôi bị cuốn hút hơn bởi những chợ phiên rực rỡ sắc màu của thổ cẩm, những cô gái người Mông, Dao, Hoa, Giáy, Lô Lô… mắt ướt mượt trong sương, leng keng vòng bạc xuống chợ. Các chàng trai người Mông cưỡi ngựa xuống núi, họ mang theo sáo, theo khèn để gọi người yêu. Và ở góc chợ kia, chảo thắng cố sủi ùng ục, bốc khói nghi ngút trên bếp lửa hồng rực ấm hút hồn lữ khách… 

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.