Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Nêu gương sáng ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ninh: Những người “truyền lửa” ở bản làng (Bài 2)

Mỹ Dung - Hà Linh - 20:54, 14/12/2024

Để hiện thực hóa Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi không chỉ là những chính sách dân tộc hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, của chính quyền địa phương đang được triển khai đồng bộ, hiệu quả...mà còn có sự nỗ lực vươn lên từ người dân, đặc biệt là vai trò của những Người có uy tín trong cộng đồng. Họ như những “cây cao bóng cả” của thôn bản hằng ngày tận tụy với công việc của cộng đồng và đi đầu trong các phong trào thi đua ở cơ sở để bà con noi theo...

Hội nghị gặp mặt lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ninh
Hội nghị gặp mặt lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ninh

"Truyền lửa" văn hóa dân tộc

Theo đó, bằng hành động và việc làm cụ thể, cùng với các nghệ nhân ưu tú người DTTS, đội ngũ Người có uy tín của tỉnh Quảng Ninh đang là những tấm gương sáng trong việc tích cực vận động, giáo dục con cháu trong dòng họ và cộng đồng tham gia bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc; vận động đồng bào xây dựng nếp sống mới, xây dựng gia đình, bản làng văn hóa; giữ gìn, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp, xóa bỏ những hủ tục, đặc biệt trong thực hiện việc cưới, việc tang của các dân tộc.

Tiêu biểu như Người có uy tín Nình A Cun, Đặng Văn Thanh, xã Đại Dực (Tiên Yên), Người có uy tín ở xã Bằng Cả (TP. Hạ Long) Lý Văn Út, Đặng Thanh Lương …

Người có uy tín thôn Khe Lục, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên Nình A Cun (thứ 2 từ trái sang) đang tái hiện Lễ cầu mùa của người Sán Chỉ
Người có uy tín thôn Khe Lục, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên Nình A Cun (thứ 2 từ trái sang) đang tái hiện Lễ cầu mùa của người Sán Chỉ

Với vai trò là Bí thư chi bộ, trưởng thôn, Người có uy tín thôn Khe Ngàn, xã Đại Dực, ông Đặng Văn Thanh đang tích cực vận động người dân bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của người Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng xã Đại Dực trở thành trung tâm văn hóa dân tộc giàu bản sắc. Ông cũng phối hợp với Mặt trận Tổ Quốc và các đoàn thể xã, thành lập 7 câu lạc bộ bảo tồn và giữ gìn văn hóa dân tộc, 1 Câu lạc bộ hát Soóng Cọ, mở lớp Soóng Cọ cho học sinh...

“Tôi rất mong các cấp lãnh đạo tiếp tục quan tâm chỉ đạo đối với việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Sán Chỉ gắn với phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người dân xã Đại Dực nói riêng, cũng như huyện Tiên Yên nói chung”, ông Thanh trải lòng.

Trên thực tế, bao năm qua, đội ngũ Người có uy tín luôn đi đầu trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc như: Lễ cấp sắc của người Dao; hội Soóng cọ của người Sán Chỉ ở Bình Liêu; Hội văn hóa, thể thao các DTTS tại các huyện Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà; sưu tầm, bảo tồn trang phục truyền thống và các làn điệu Soọng cô của người Sán Dìu;...

“Cầu nối” đưa kiến thức pháp luật đến với dân bản

Thôn Ngàn Vàng Dưới, xã Đồng Tâm (Bình Liêu) có 44 hộ, chủ yếu là dân tộc Tày, Sán Chỉ sinh sống. Thôn hiện quản lý 150ha đất rừng, đến nay cơ bản phủ hết đất trống đồi trọc. Hơn 10 năm qua, Người có uy tín Bế Sinh Nghiệp đã tham gia hòa giải xử lý thành công nhiều vụ việc tranh chấp, lấn chiếm đất rừng của các hộ dân trên địa bàn.

Ông đã thường xuyên phối hợp với chính quyền phổ biến các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, khai thác, sản xuất đất rừng với nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn mỗi năm từ 3 đến 4 lần tuyên truyền chuyên đề về trồng và bảo vệ rừng; hoặc lồng ghép vào các cuộc sinh hoạt thôn, với khoảng 300 lượt người nghe...

Đánh giá cao những đóng góp của Người có uy tín Bế Sinh Nghiệp cho sự phát triển của địa phương, ông Nông Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết: “Ông Bế Sinh Nghiệp cũng là người tiên phong, vận động gia đình và bà con trong công tác trồng, phát triển rừng. Ông cũng thành lập ra Hợp tác xã trồng hồi cùng với một số hộ gia đình để xây dựng quỹ hoạt động cho thôn. Ông là người có uy tín trong việc tham gia giải quyết các tranh chấp nhỏ trong dân, từ việc kêu gọi, gặp gỡ, tìm hiểu, vận động để người dân cùng nhau hòa giải, xây dựng tình đoàn kết trong nội bộ gia đình, thôn bản”.

Người có uy tín thôn Ngàn Vàng Dưới, xã Đồng Tâm (Bình Liêu) Bế Sinh Nghiệp chia sẻ với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển về việc phối hợp xử lý tranh chấp, lấn chiếm đất rừng của các hộ dân trên địa bàn
Người có uy tín thôn Ngàn Vàng Dưới, xã Đồng Tâm (Bình Liêu) Bế Sinh Nghiệp chia sẻ với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển về việc phối hợp xử lý tranh chấp, lấn chiếm đất rừng của các hộ dân trên địa bàn

Bắc Sơn là xã miền núi biên giới của thành phố Móng Cái, với hơn 22 km đường biên và 13 cột mốc biên giới, cũng là địa bàn luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp như buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép, buôn bán người... Với suy nghĩ bảo vệ đường biên, cột mốc cũng là bảo vệ đất đai của tổ tiên mình, ông Đặng Thế Minh, dân tộc Dao, Người có uy tín thôn Thán Phún luôn thuộc làu, nắm rõ từng đường mòn, lối mở trên địa bàn. Bao năm qua, ông luôn miệt mài với công iệc tuyên truyền ý nghĩa ranh giới, đường biên, cột mốc ở địa bàn; vận động người dân khi đi thăm bà con hoặc người dân bên Trung Quốc phải báo với các cấp chính quyền địa phương…

“Ngày trước cũng có các đối tượng tự ý đi qua, đi lại biên giới mà không xin phép. Nhưng nay, qua tuyên truyền bà con đã hiểu, nắm bắt được quy định của pháp luật, qua đó đã thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật”, ông Minh chia sẻ thêm.

Không những góp phần hòa giải, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tại địa phương, đội ngũ Người có uy tín còn phản ánh, đóng góp ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân đến với các cấp có thẩm quyền, góp phần hạn chế bức xúc, tiêu cực, tiếp tục củng cố lòng tin của Nhân dân với cấp ủy, chính quyền. 

Riêng năm 2024, Người có uy tín trong tỉnh đã tham gia trên 200 lượt ý kiến đóng góp, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện chính sách, nhất là chính sách bồi thường GPMB, thu hồi đất, chính sách giao đất, giao rừng, hỗ trợ cây trồng vật nuôi...

Trao đổi với ông Lục Thành Chung, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh được biết, năm 2024 toàn tỉnh có 391 Người uy tín. Để xây dựng đội ngũ Người có uy tín vùng đồng bào DTTS trên địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các địa phương triển khai thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách đối với đội ngũ này. Đồng thời, Ban Dân tộc tỉnh cũng tham mưu văn bản đề nghị UBND tỉnh công nhận danh sách 7 Người có uy tín được tôn vinh tại Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II năm 2024.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La: Tập trung đầu tư phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Sơn La: Tập trung đầu tư phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Sơn La là địa bàn cư trú tập trung chủ yếu của đồng bào La Ha, một trong 14 dân tộc có khó khăn đặc thù theo Quyết định 1227/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai Tiểu dự án 1 – Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Sơn La đã và đang tập trung thực hiện các nội dung đầu tư, hỗ trợ để phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn có đông đồng bào dân tộc La Ha sinh sống. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc phỏng vấn ông Lường Văn Toán, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, xung quanh nội dung này.
Đọc nhiều