Với 16 chương trình tín dụng chính sách đang triển khai, tính đến hết tháng 8/2020, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh đã đạt hơn 1.121 tỷ đồng với 34.199 lượt hộ vay. Trước tình hình dịch Covid-19, NHCSXH tỉnh Đăk Lăk đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như: Điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung để khôi phục sản xuất, gia hạn nợ đối với hộ vay gặp khó khăn. Mặt khác, rà soát, đánh giá các trường hợp rủi ro do dịch bệnh để đề nghị xử lý theo quy định của NHCSXH… Những giải pháp này đã cho thấy hiệu quả, tín dụng chính sách đã đến tận tay những trường hợp cần hỗ trợ.
Điển hình như trường hợp hộ Y Băp Nỡm, dân tộc Mnông trú tại buôn Ja, xã Bông Krang, huyện Lăk, NHCSXH huyện Lăk đã cho vay 50 triệu đồng từ Chương trình giải quyết việc làm để trồng mới và chăm sóc cây cà phê. Anh Băp Nỡm chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi từng vay NHCSXH huyện 30 triệu đồng, nay được vay thêm 50 triệu đồng, tôi đã đầu tư kỹ thuật, phân bón cho cây cà phê và chăn nuôi thêm lợn, gà… Nhờ đó, gia đình có thêm thu nhập, không lo tái nghèo”.
Tương tự, hộ H Rit Niê, buôn Sah B, xã EaTul, huyện Cư M’gar trước đây được vay 40 triệu đồng đầu tư cải tạo vườn cà phê, nay đã đến hạn trả nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh và giá thấp nên chưa có điều kiện trả nợ. Vừa qua, NHCSXH huyện đã thông báo gia hạn nợ thêm 12 tháng đã giúp gia đình vơi bớt lo lắng vì áp lực trả nợ, có thời gian tái đầu tư, sản xuất.
Với sự hỗ trợ kịp thời bằng việc cho vay bổ sung nguồn vốn trong thời điểm gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đã có điều kiện tái sản xuất, duy trì hoạt động trồng trọt, chăn nuôi phù hợp.
Ông Nguyễn Tử Ân, Giám đốc NHCSXH tỉnh Đăk Lăk cho biết, chỉ trong tháng 8, NHCSXH tỉnh đã gia hạn nợ cho 50 hộ, trên 868 triệu đồng và cho vay bổ sung trên 85 tỷ đồng. Cùng với hỗ trợ vốn vay, ngân hàng cũng thực hiện cơ chế xoay vòng vốn linh hoạt hơn để hỗ trợ người dân trong quá trình trả lãi, trả nợ.
Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh cũng đã rà soát kịp thời và nắm bắt những hộ khó khăn do ảnh hưởng của dịch, từ đó phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để hỗ trợ các hộ vay. Ngân hàng cũng đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt trên cơ sở tuân thủ quy định của ngân hàng cấp trên, giúp các hộ vay giảm bớt gánh nặng, có thêm thời gian vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.