Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khởi nghiệp

“Ngân hàng dê” giúp thanh niên nghèo ở Chiềng Khương vượt khó

Trần Hoàng Anh - 12:03, 06/11/2022

“Ngân hàng dê” là mô hình ý nghĩa của chương trình phối hợp giữa Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Sơn La và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La nhằm hỗ trợ đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Mô hình xuất phát từ nhu cầu thực tế đã thực sự đem lại hiệu quả khi hỗ trợ nhiều gia đình đoàn viên trẻ ổn định cuộc sống, từ đó có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Lễ bàn giao hỗ trợ dê sinh sản đợt 4 cho các hộ đoàn viên nghèo trên địa bàn xã biên giới Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La
Lễ bàn giao hỗ trợ dê sinh sản đợt 4 cho các hộ đoàn viên nghèo trên địa bàn xã biên giới Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La

Thực hiện mục tiêu phát triển và các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đã đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã đề ra 19 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội xây dựng hệ thống chính trị. Theo đó, tỉnh huy động tổng lực các nguồn lực từ các chương trình, chính sách dân tộc cũng như huy động sự hỗ trợ của các cơ quan đơn vị, các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn tham gia vào công tác xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn...

“Ngân hàng dê”- Sáng kiến nhân văn

Nhằm hỗ trợ các hộ đoàn viên, thanh niên nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn các bản làng biên giới có cơ hội thoát nghèo, cán bộ chiến sĩ của Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Chiềng Khương, BĐBP tỉnh Sơn La và Đoàn xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã chung tay xây dựng mô hình “Hỗ trợ dê sinh sản cho đoàn viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nuôi rẽ để phát triển kinh tế gia đình” hay còn gọi là “Ngân hàng dê”. Qua 5 năm thực hiện, đến nay mô hình đã khẳng định được ý nghĩa nhân văn sâu sắc và mang lại hiệu quả thiết thực.

Trung tá Mùa Láo Thắng, Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn BPCK Chiềng Khương chia sẻ, Chiềng Khương là xã biên giới của huyện Sông Mã với hơn 23 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Toàn xã có 2.779 hộ, với 12.364 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc Kinh, Thái, Xinh Mun và Khơ Mú sinh sống ở 23 bản giáp biên. Năm 2017, xã Chiềng Khương về đích nông thôn mới, trở thành xã biên giới đầu tiên của tỉnh Sơn La đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, đời sống của đa số bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn biên giới, đặc biệt là một số gia đình trẻ người dân tộc trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả.

Thấu hiểu những khó khăn, vất và của bà con, đặc biệt là các gia đình đoàn viên, thanh niên nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc các bản làng biên giới, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn BPCK Chiềng Khương đã tích cực triển khai nhiều chương trình trọng tâm, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở các xã biên giới ngày càng vững mạnh. Ngoài ra đơn vị còn triển khai tốt các phong trào, chương trình an sinh xã hội nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân, như: Phong trào Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới; Trao bò giống cho người nghèo nơi biên giới; BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới và chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau...

Phát huy những thành quả từ mô hình “Trao bò giống cho người nghèo nơi biên giới”, đầu năm 2017, Ban Chấp hành Chi đoàn Đồn BPCK Chiềng Khương đã tham mưu, phối phợp với Ban Chấp hành Đoàn xã Chiềng Khương xây dựng kế hoạch tổ chức mô hình “Hỗ trợ dê sinh sản cho đoàn viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nuôi rẽ để phát triển kinh tế gia đình” hay còn gọi là “Ngân hàng dê” nhằm giúp đỡ các gia đình đoàn viên, thanh niên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, Bí thư Đoàn xã Chiềng Khương và Trung tá Mùa Láo Thắng, Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn BPCK Chiềng Khương bàn giao dê sinh sản cho các hộ đoàn viên nghèo
Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, Bí thư Đoàn xã Chiềng Khương và Trung tá Mùa Láo Thắng, Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn BPCK Chiềng Khương bàn giao dê sinh sản cho các hộ đoàn viên nghèo

Để có số vốn xây dựng “Ngân hàng dê”, sau khi bàn bạc, đoàn viên thanh niên Chi đoàn Đồn BPCK Chiềng Khương và Đoàn xã Chiềng Khương thống nhất sẽ “góp tiền” mua dê rồi giao cho các gia đình trẻ luân phiên nuôi rẽ. Hội đồng quản trị của “Ngân hàng dê” được giao cho Ban Chấp hành 2 đơn vị đứng ra tổ chức điều hành. Với số vốn ít ỏi ban đầu, các chiến sĩ quân hàm xanh của Đồn BPCK Chiềng Khương đã mua được 8 con dê bố mẹ, loại giống dê lai Boer. Đây là loại dê thuần tính, dẻo dai, có khả năng phát triển trong những điều kiện khí hậu khác nhau, tính kháng bệnh tốt và ăn tạp, thích chăn thả. Dê Boer lớn rất nhanh, đối với dê bản núi, tính thời gian từ lúc đẻ ra khi nuôi được 2 tháng mới đạt trọng lượng 4-5 kg, còn dê Boer đã đạt trọng lượng trên 10kg.

Trao cơ hội để đoàn viên khó khăn thoát nghèo

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, Bí thư Đoàn xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La chia sẻ, hiện nay, công tác Đoàn trong giai đoạn mới không coi nặng về hình thức, mà đi sâu vào nội dung, chất lượng, đặc biệt là các phong trào "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp" nhằm nâng cao vai trò của Đoàn trong việc đồng hành, quan tâm, chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của thanh niên. Chính vì vậy, năm 2017, Ban Chấp hành Đoàn xã Chiềng Khương và Chi đoàn Đồn BPCK Chiềng Khương đã phối hợp xây dựng mô hình “Ngân hàng dê” nhằm góp phần trao cơ hội cho những hộ đoàn viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để trao dê sinh sản đúng người cần hỗ trợ, Ban quản trị “Ngân hàng dê” đã đi khảo sát và lập hồ sơ từng đối tượng có sự xác nhận của Bí thư Chi bộ thôn bản. Mỗi hộ sau khi được xét duyệt sẽ được nhận nuôi từ 4-6 con dê giống, trong đó có 1 con dê đực và 3-5 con dê cái và nuôi trong thời gian 18 tháng. Sau 18 tháng nuôi thì sẽ chuyển giao đàn dê giống cho các hộ khác chăn nuôi tiếp theo. 

Theo tính toán, với thời gian 18 tháng, nếu chăm sóc đúng cách, 3-5 con dê cái có thể sinh được 2-3 lứa/năm, mỗi lứa dê mẹ sẽ sinh sản được từ 1-2 con. Như vậy, sau khi trả lại dê bố mẹ cho “Ngân hàng”, người nhận nuôi có thể có riêng cho mình 1 đàn dê từ 6-10 con. Bình quân mỗi con có trọng lượng khoảng 35kg, giá bán dê thịt từ 140 – 155 nghìn đồng/kg; dê giống có giá bán cao hơn khoảng từ 5 triệu đồng/con trở lên. Trung bình mỗi năm bán từ 2-3 đợt, mỗi đợt từ 2-4 con thì tổng thu nhập từ bán dê của một hộ gia đình cũng hơn 100 triệu đồng; sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 40-50 triệu đồng… 

Qua 5 năm thực hiện mô hình “Ngân hàng dê”, từ 8 con dê bố mẹ ban đầu, đến nay, đã có 8 gia đình đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Chiềng Khương được nhận dê giống và nhân lên được đàn dê 60 con. Đây thực sự là hướng đi giúp đoàn viên, thanh niên và bà con chuyển đổi mô hình chăn nuôi phù hợp với lợi thế của địa phương để nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Đến thăm mô hình nuôi dê sinh sản của vợ chồng anh Cầm Văn Khoản và chị Cầm Thị Thảo, dân tộc Thái, trú tại bản Híp, xã Chiềng Khương
Đến thăm mô hình nuôi dê sinh sản của vợ chồng anh Cầm Văn Khoản và chị Cầm Thị Thảo, dân tộc Thái, trú tại bản Híp, xã Chiềng Khương

Để minh chứng cho những điều vừa nói, Bí thư Đoàn xã Chiềng Khương Nguyễn Thị Thu Huyền đã dẫn chúng tôi đi thăm gia đình vợ chồng anh Cầm Văn Khoản và chị Cầm Thị Thảo, dân tộc Thái, trú tại bản Híp, xã Chiềng Khương. Đây là một trong những gia đình đoàn viên nghèo được nhận nuôi dê sinh sản của “Ngân hàng dê”. 

 Đầu năm 2018, vợ chồng anh chị được “Ngân hàng dê” của Đoàn xã Chiềng Khương và Đồn BPCK Chiềng Khương cho nhận nuôi 4 con dê sinh sản, trong đó có 1 con dê đực và 3 con dê cái. 15 tháng sau, 3 con dê cái đã đẻ được 7 con. Đến khi trả lại 4 con dê bố mẹ cho “Ngân hàng dê” thì dê con lứa đầu cũng bước vào giai đoạn sinh sản.

Trước khi chia tay với bà con xã biên giới Chiềng Khương, chúng tôi được Bí thư Đoàn xã Chiềng Khương Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết thêm: “Trong thời gian tới, thực hiện phong trào đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, Đoàn Thanh niên xã Chiềng Khương sẽ phối hợp chặt chẽ với Chi đoàn của Đồn BPCK Chiềng Khương xung kích, sáng tạo triển khai các hoạt động hỗ trợ đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế; duy trì hiệu quả mô hình hỗ trợ dê sinh sản, trồng cây nhãn, xoài giống cho đoàn viên để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Chúng tôi đặt mục tiêu không chỉ giúp các gia đình đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn này có vốn, tài sản, mà còn có kinh nghiệm tổ chức phát triển kinh tế gia đình, từ đó nhân rộng mô hình để các đoàn viên, thanh niên khác trong xã được học tập kinh nghiệm” nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXI.

Tin cùng chuyên mục
Thúc đẩy khởi nghiệp ở miền núi Quảng Nam

Thúc đẩy khởi nghiệp ở miền núi Quảng Nam

Quảng Nam có 9 huyện miền núi là nơi sinh sống chủ yếu đồng bào DTTS. Khu vực này địa hình, thổ nhưõng, khí hậu...thường khó khăn, khắc nghiệt nên vấn đề sinh kế đối với người dân luôn là vấn đề quan tâm, trăn trở của các cấp chính quyền địa phương. Theo đó, khơi dậy ý chí thoát nghèo, hỗ trợ thúc đẩy xây dựng các mô hình khởi sự, khời nghiệp từ những sản vật của quê hương...là giải pháp đang được thực hiện và nhân rộng hiệu quả trong Nhân dân.