Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc: Tìm động lực tăng trưởng

Thúy Hồng - 17:44, 23/09/2022

Sáng 23/9, tại Thanh Hóa, Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ VIII, năm 2022 đã được tổ chức. Hội nghị do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức.

Ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị
Ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, khu vực 28 tỉnh, thành phố phía Bắc chiếm 45% dân số cả nước, là khu vực có vị trí địa lý hết sức quan trọng của nước ta; bao gồm toàn bộ 2 vùng kinh tế - xã hội Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng và một phần vùng Bắc Trung Bộ (gồm 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Đây cũng là khu vực có “Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc”, Vùng kinh tế Thủ đô, tam giác kinh tế Hà Nội - Hải phòng - Quảng Ninh. Khu vực 28 tỉnh, thành phố phía Bắc có kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông tốt…

Ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thanh Hóa là tỉnh nằm ở vị trí “cửa ngõ” của khu vực Bắc Trung Bộ, là “cầu nối” giữa các tỉnh phía Bắc với các tỉnh Bắc Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Thời gian qua, tỷ trọng công nghiệp và thương mại của tỉnh ngày càng tăng, hiện chiếm khoảng 67% cơ cấu kinh tế của Thanh Hóa. Toàn tỉnh đã hình thành 1 Khu kinh tế Nghi Sơn, 8 khu công nghiệp và 40 cụm công nghiệp.

Theo ông Liêm, ngành Công Thương Thanh Hóa chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, xét về mặt tổng quan, hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại của toàn khu vực vẫn còn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế. Khoảng cách phát triển giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực vẫn còn tương đối lớn. Đây là những thách thức đặt ra với chúng ra trong thời gian tới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị
Ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện những tháng cuối năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.

Theo báo cáo của Cục Công Thương địa phương, năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, ngành Công Thương khu vực đã quyết liệt triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương và của từng địa phương, nhờ đó "bức tranh" tổng thể về công nghiệp, thương mại của vùng trong năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022 vẫn thể hiện được những kết quả và tín hiệu khả quan.

Các chỉ tiêu chủ yếu về công nghiệp, thương mại của các tỉnh năm 2022 đã lấy lại đà tăng trưởng và tăng trưởng cao so với năm trước. Công tác phát triển thị trường xuất khẩu tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, sản phẩm xuất khẩu đa dạng, nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ...

9 tháng đầu năm 2022, sản xuất công nghiệp của đa số các tỉnh trong khu vực tiếp tục tăng trưởng ở mức cao so với cùng kỳ năm trước; có 21 tỉnh, thành phố có mức tăng trên 11%, cao hơn mức tăng của cả nước (dự kiến cả nước tăng 10,3%) đặc biệt có những tỉnh chỉ số sản xuất công nhiệp (IIP) ở mức tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ. Sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khu vực phía Bắc 9 tháng 2022 ước đạt 1.612,9 nghìn tỷ đồng, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực phía Bắc 9 tháng 2022 ước đạt 160,87 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và của ngành Công Thương nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, biến động địa chính trị, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xung đột giữa Nga và Ucraina, hạn hán ở Trung Quốc..., các vấn đề này đã và đang tạo lực cản lớn đối với sự hồi phục kinh tế toàn cầu, tạo nên những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng và tạo áp lực lạm phát mạnh hơn.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, những tháng còn lại của năm 2022, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng cao, các hiệp định thương mại tự do tiếp tục phát huy các lợi thế đối với hàng hóa xuất khẩu có nguồn gốc trong vùng. Các tỉnh, thành phố cần nỗ lực hoàn thành các dự án đầu tư, các chỉ tiêu kế hoạch của năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025… Đây sẽ là những yếu tố thuận lợi, tạo cơ sở cho việc hoàn thành nhiệm vụ ngành Công Thương khu vực phía Bắc trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục