Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Ngành y tế huyện Phong Thổ: Cải thiện chất lượng khám chữa bệnh từ tuyến cơ sở

PV - 11:18, 22/11/2018

Là huyện vùng cao, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thời gian qua, ngành Y tế huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã có nhiều giải pháp tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Trong đó, giải pháp nâng cao chất lượng trong công tác khám chữa bệnh ngay từ tuyến cơ sở được địa phương quan tâm.

Hoang Thèn là xã ĐBKK của huyện Phong Thổ, trình độ dân trí không đồng đều đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Để giải quyết khó khăn này, đội ngũ cán bộ y tế xã tăng cường xuống các thôn, bản để truyền thông giáo dục sức khỏe cho bà con: Tiêm chủng mở rộng, lợi ích của khám thai, chăm sóc sau sinh và một số bệnh truyền nhiễm…

Trạm trưởng Trạm Y tế xã Giàng Thị Hòa, cho biết: Mỗi quý một lần, tất cả cán bộ y tế của Trạm tổ chức xuống bản tuyên truyền; qua đó, góp phần thay đổi nhận thức của người dân về công tác chăm sóc sức khỏe, nhất là việc thực hiện tiêm chủng và chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Cán bộ y tế xã Hoang Thèn khám chữa bệnh cho người dân. Cán bộ y tế xã Hoang Thèn khám chữa bệnh cho người dân.

“Nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông mà bà con nhân dân đã tự giác đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh, không như trước kia cán bộ y tế phải xuống tận cơ sở để vận động khám chữa bệnh cho bà con; tổng số khám bệnh của Trạm y tế xã đạt 1,7 lần/người/năm. Bà con đã đưa con em mình đến cơ sở y tế tiêm chủng đúng lịch, hằng năm đạt trên 94%; với phụ nữ có thai thì đã đến cơ sở y tế khám thai định kỳ và đã đến cơ sở y tế để đẻ”, bà Hòa cho biết thêm.

Phong Thổ là huyện vùng cao biên giới có địa bàn tương đối rộng với 18 xã, trong đó có 15 xã đặc biệt khó khăn. Nhờ sự quan tâm đầu tư của tỉnh, Trung ương cũng như nỗ lực truyền thông của cán bộ y tế cơ sở mà nhân dân đã hiểu và tự giác đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh và được hưởng lợi từ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngay tại cơ sở. Hiện nay, huyện Phong Thổ có 10/18 Trạm y tế xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế, 22,2% trạm y tế có bác sĩ, gần 80% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, gần 96% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động…

Bà Phùng Thị Lai, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ cho biết: Thời gian qua, ngành Y tế huyện đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến xã để tổ chức tuyên truyền, vận động bà con nhân dân trong việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt là vấn đề quản lý thai nghén, khi sinh thì đến cơ cở y tế để sinh, góp phần nâng cao sức khỏe và an toàn cho bà mẹ khi có thai và khi sinh.

“Chúng tôi chú trọng đến việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở, coi đây là một trong những yếu tố quyết định đến việc thay đổi nhận thức của đồng bào vùng sâu, vùng xa trong việc tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bản thân. Đội ngũ cán bộ y tế thường xuyên xuống cơ sở tuyên truyền, giám sát dịch bệnh. Từ đó, phát hiện kịp thời nguy cơ bùng phát dịch để có những giải pháp phòng chống dịch bệnh kịp thời. Nhờ đó, nhiều năm qua trên địa bàn huyện Phong Thổ không xảy ra dịch bệnh lớn nào, nhiều hủ tục lạc hậu tồn tại lâu đời dần được xóa bỏ nhất là trong việc ma chay, cúng bái khi bị ốm đau…”, bà Lai thông tin.

Tuy nhiên, do địa bàn rộng, nhu cầu khám, chữa bệnh của bà con ngày càng nhiều; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị còn hạn chế; thiếu đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên khoa sâu như sản, hồi sức cấp cứu, nội, nhi…, nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho bà con nhân dân trên địa bàn.

“Trong thời gian tới, ngành Y tế huyện Phong Thổ mong muốn tiếp tục được tỉnh cũng như Trung ương quan tâm, tạo điều kiện đối với các trung tâm, bệnh viện, trạm y tế trên địa bàn huyện. Trong đó, đặc biệt quan tâm hỗ trợ đào tạo nhân lực, đầu tư trang thiết bị, nhằm đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh trên địa bàn, nhất là các địa bàn vùng cao biên giới”, bà Lai kiến nghị.

TRỌNG BẢO