Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn đảo chiều tăng 300 nghìn đồng chiều mua vào và 450 nghìn đồng chiều bán ra lên 61,65-62,65 triệu đồng/lượng. SJC đẩy khoảng cách mua vào bán ra lên 1 triệu đồng.
Giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội cũng đảo chiều sau hai phiên giảm mạnh khi giữ nguyên chiều mua vào nhưng chiều bán ra tăng 200 nghìn đồng 61,00-62,60 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua vào - bán ra tiếp tục được đẩy lên 1,6 triệu đồng, cao hơn các phiên trước.
Trong khi đó, giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu cũng tăng 220 nghìn đồng chiều mua vào nhưng giảm 240 nghìn đồng chiều bán ra về còn 53,40-54,40 triệu đồng/lượng.
Ngược với SJC và Doji, chênh lệch giá mua vào - bán ra tại đây lại co lại còn 1 triệu đồng. Giá vàng 9999 thương hiệu NPQ 8h sáng nay cũng tăng 300 nghìn đồng chiều mua vào và 200 nghìn đồng chiều bán ra lên 53,70-54,50 triệu đồng/lượng. Phú Quý cũng tiếp tục co hẹp chênh lệch mua vào và bán ra về còn 800 nghìn đồng mỗi lượng.
Trước giờ giao dịch ngày vía Thần Tài sáng nay (mùng 10 tháng Giêng âm lịch), giá vàng trong nước đã giảm mạnh hai phiên liên tiếp. Nhiều thương hiệu đã có giá thấp hơn so với trước Tết.
Cụ thể, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn là 61,35-62,15 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 450 nghìn đồng hai chiều.
Theo thống kê của các đơn vị kinh doanh, ngày vía Thần Tài, lượng giao dịch mua vàng qua các nền tảng trực tuyến được cấp phép tăng từ 3 - 4 lần so với mọi năm.
Khách hàng cũng nườm nượp đổ về các cửa hàng vàng, đa phần đi mua cầu may nên không quan tâm chênh lệch giá bán và mua. Thị trường vàng trong nước đã có những phiên giao dịch hết sức sôi động.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, người dân không nên mua nhiều vàng trong ngày vía Thần Tài do giá vàng bị đẩy lên dẫn đến nguy cơ lỗ nặng ngay sau đó. Để lấy may mắn, chỉ nên chọn mua một số lượng vàng nhỏ.