Về kế hoạch tiêm thử nghiệm, phía Học viện cho biết, sẽ được thực hiện giống như ở 2 liều tiêm 25μg và 50μg trước đây. Cụ thể, trong nhóm 20 tình nguyện viên, sẽ có 3 tình nguyện viện được lựa chọn ngẫu nhiên để tiêm trước.
Sau khi tiêm, các tình nguyện viên sẽ ở lại Học viện Quân y để giám sát chặt sức khỏe trong vòng 72 giờ. Sau đó, nếu không có vấn đề gì bất thường, tình nguyện viên sẽ được trở về nhà và tiếp tục được nhân viên y tế địa phương giám sát.
Cùng lúc này, việc tiêm thử cho 17 tình nguyện viên còn lại trong nhóm cũng sẽ được triển khai.
Theo kế hoạch, 28 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên, tình nguyện viên sẽ quay trở lại điểm nghiên cứu để khám sức khỏe. Bên cạnh đó, tình nguyện viên cũng được lấy 2-3 ml máu từ tĩnh mạch cánh tay, để xét nghiệm xem phản ứng của cơ thể với vắc xin. Đây cũng là thời điểm tình nguyện viên được tiêm mũi vắc xin thứ hai.
Trước đó, ngày 17/12/2020, Học viện Quân y đã bắt đầu tiêm thử nghiệm vắc xin Nanocovax liều thấp nhất: 25μg. Liều tiêm tiếp theo: 50μg được bắt đầu tiêm thử vào ngày 26/12/2020. Sau khi tiêm thử, khoảng 60-70% tình nguyện viên xuất hiện các phản ứng nhẹ như sốt nhẹ hoặc đau nhẹ chỗ tiêm.
Hầu hết những trường hợp bị sốt đều rất nhẹ chỉ từ 37,1 độ C và cao nhất là 37,8 độ C, đều chưa cần dùng đến thuốc. Cảm giác đau nhẹ chỗ tiêm đa số cũng chỉ xuất hiện trong 1-2 tiếng sau khi tiêm.
Phía Học viện nhận định, đây là những phản ứng phụ hoàn toàn bình thường khi tiêm vắc xin, bởi lúc này cơ thể sản sinh ra kháng thể để chống lại kháng nguyên có trong vắc xin. Hầu hết những người có phản ứng phụ đều hết hoàn toàn sau 24h.
Đến nay, sức khỏe của 40 tình nguyện viên được tiêm thử đều ổn định.
Theo TS Đỗ Minh Sĩ, Giám đốc nghiên cứu phát triển, Công ty Nanogen (đơn vị phát triển vắc xin Nanocovax), mục tiêu chính của giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng là đánh giá tính an toàn của vắc xin, bước đầu đánh giá đáp ứng sinh miễn dịch của 3 liều Nanocovax.
Sau khi hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế và các bên liên quan sẽ đánh giá các kết quả để đưa ra quyết định tiến hành tiêm thử nghiệm giai đoạn 2. Trong giai đoạn này sẽ thử nghiệm trên 400-600 người (12-75 tuổi) trên nhiều địa điểm của cả nước. Mục đích chính là đánh giá tính an toàn và so sánh đáp ứng miễn dịch của 3 liều Nanocovax, từ đó xác định liều dùng tối ưu.
Giai đoạn 3 sẽ thử nghiệm trên 10.000 - 30.000 người. Trong giai đoạn này, nếu Việt Nam không có dịch, có thể sẽ thử nghiệm ở một số nước dịch bùng phát mạnh như Indonesia, Bangladesh…