Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Việt Nam nỗ lực đảm bảo quyền con người giữa “tâm dịch” Covid 19

Hiếu Anh - 10:57, 24/12/2020

Năm 2020, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách do dịch Covid 19 gây ra, nhưng với những nỗ lực của mình, Việt Nam đã có nhiều cố gắng đảm bảo quyền con người, nhất là cho đối tượng yếu thế.

Việt Nam nỗ lực chăm sóc các bệnh nhân bị nhiễm Covid 19 (nguồn ảnh internet)
Việt Nam nỗ lực chăm sóc các bệnh nhân bị nhiễm Covid 19 (nguồn ảnh internet)

Đảm bảo quyền được sống

Ông Trần Chí Thành, Phó vụ trưởng Vụ Các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao cho biết, một trong những thành tựu lớn nhất của Việt Nam trong đảm bảo quyền con người giữa bối cảnh dịch Covid - 19 là đảm bảo quyền sống và sức khỏe cho người dân.

Theo đó, từ cuối tháng 7 đến nay, Chính phủ đã hỗ trợ xét nghiệm đối với 1,2 triệu người thuộc các nhóm đối tượng cần theo dõi. Đối với những trường hợp áp dụng các biện pháp cách ly y tế, gồm: ca bệnh nghi ngờ nhiễm, ca bệnh có thể nhiễm hoặc ca bệnh xác định nhiễm Covid 19, đều được Nhà nước hỗ trợ chi phí cách ly tại các khu vực cách ly tập trung, các cơ sở y tế xuyên suốt quá trình khám, chữa bệnh.

Việt Nam đã huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị và Nhân dân nhằm triển khai thực hiện một loạt các biện pháp y tế công. Trong đó, Chính phủ đặc biệt chú trọng triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm; triển khai các biện pháp khám và điều trị miễn phí... Trong bối cảnh, ở nhiều quốc gia trên thế giới bệnh nhân phải tự chi trả mọi chi phí điều trị Covid-19, thì đây là một nỗ lực đáng ghi nhận của Chính phủ Việt Nam nhằm bảo đảm quyền được tiếp cận điều trị Covid-19 cho tất cả bệnh nhân.

Hiện nay, Việt Nam đã gia nhập “cuộc đua” tìm kiếm vaccine phòng, chống dịch bệnh Covid 19. Việt Nam cũng trở thành 1 trong số 40 nước đầu tiên thử nghiệm vaccine trên người. Chính phủ Việt Nam chỉ đạo các nhà sản xuất trong nước tăng cường các hoạt động nghiên cứu sản xuất vaccine. Hiện nay, có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu sản xuất, dự kiến trong năm 2021 sẽ có ít nhất một nhà sản xuất tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II, III tại Việt Nam.

Ngoài việc hỗ trợ các đơn vị trong nước nghiên cứu, Việt Nam cũng tích cực tìm kiếm các nguồn Vaccine khác thông qua cách tiếp cận, trao đổi trực tiếp với các nhà sản xuất nước ngoài. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chuẩn bị các căn cứ pháp lý để thúc đẩy các thủ tục thử nghiệm, cấp phép đăng ký lưu hành đối với vaccine Covid 19. Bộ Y tế đã ban hành quy định cụ thể về việc cấp phép và thử nghiệm lâm sàng tại Quyết định số 3659/QĐ-BYT ngày 21/8/2020 hướng dẫn về nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, đăng ký lưu hành, sử dụng vaccine phòng Covid 19 tại Việt Nam để đảm bảo tính kịp thời trong chữa trị Covid 19 cho người dân.

Việt Nam đưa các công dân từ Thái Lan về nước phòng tránh dịch Covid 19 (nguồn ảnh internet)
Việt Nam đưa các công dân từ Thái Lan về nước phòng tránh dịch Covid 19 (nguồn ảnh internet)

Giải cứu công dân

Không chỉ đảm bảo quyền được sống, thời gian qua chính phủ Việt Nam cũng nỗ lực thực hiện các quyền tự do của người dân cũng như bảo hộ công dân. Ông Lương Thanh Quảng Trợ lý Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết, song song với việc “giãn cách xã hội”, Việt Nam tích cực công tác giải cứu công dân. Thời gian qua, Việt Nam đã liên tục phối hợp trao đổi với các nước nhằm thực hiện nhiều chuyến bay giải cứu người dân sinh sống tại nước ngoài. 

Đến nay, Việt Nam đã tổ chức thành công được 240 chuyến bay, đưa được gần 66.000 công dân về nước, cách ly tại các cơ sở. Mở màn chiến dịch này phải kể đến chuyến bay kết hợp giải cứu đầu tiên ngày 10/2/2020, Việt Nam đưa được 30 công dân Việt Nam về nước từ Vũ Hán, nơi được cho là địa điểm phát hiện dịch Covid 19 đầu tiên trên thế giới.

Số lượng người về nước trên là nhóm công dân được ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ gồm, lao động hết hạn hợp đồng, mất việc không còn thu nhập (từ 2-3 tháng trở lên) mà không được nước sở tại hỗ trợ; học sinh dưới 18 tuổi; sinh viên đã hoàn thành khóa học gặp khó khăn về nơi ở, doanh nhân, trí thức là người Việt Nam xuất cảnh ngắn hạn bị mắc kẹt do không có nơi ở, không còn khả năng tài chính, người già yếu có bệnh lý.

Cùng với công tác giải cứu đưa công dân về nước, Việt Nam tiến hành các biện pháp khác nhằm bảo hộ công dân. Ngay từ khi xảy ra dịch, Bộ ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thiết lập đường dây nóng 24/7, kịp thời tiếp nhận thông tin để bảo hộ công dân. 

Đồng thời, các cơ quan đại diện của Việt Nam của nước ngoài, liên hệ thăm hỏi động viên các công dân đang sinh sống khu vực có dịch, chưa về được Việt Nam nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo của chính quyền sở tại. Việt Nam cũng đã đề nghị, các cơ quan chức năng nước sở tại cung cấp thông tin cho phía Việt Nam các trường hợp công dân bị nhiễm, hoặc nghi nhiễm Covid 19 có biện pháp đảm bảo y tế, an ninh, an toàn và hỗ trợ cho công dân Việt Nam.

Với nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực Việt Nam đã nỗ lực đảm bảo quyền con người một cách đầy đủ hiệu quả nhất, trong điều kiện dịch bệnh vô cùng khó khăn. Những thành tựu này thêm một lần nữa khẳng định, nỗ lực đảm bảo cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau của Nhà nước Việt Nam. 

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.