Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Ngày càng nhiều nước trên thế giới dỡ bỏ các quy định phòng, chống dịch

PV - 09:40, 03/05/2022

Tính đến sáng 3/5, thế giới ghi nhận khoảng 513,68 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 6,26 triệu ca tử vong.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trước những tiến bộ đạt được của vaccine và thuốc điều trị COVID-19 trong việc giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng và tử vong, ngày càng nhiều nước trên thế giới dỡ bỏ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường trước khi đại dịch bùng phát.

Cụ thể, Israel thông báo các dịch vụ liên quan đến dịch COVID-19 như địa điểm xét nghiệm, phòng xét nghiệm, cơ chế truy vết để bẻ gãy chuỗi lây nhiễm sẽ được giảm quy mô nhưng có thể được tái kích hoạt bất cứ thời điểm nào nếu bùng phát dịch. Israel đang giảm bớt các biện pháp phòng, chống COVID-19 nhờ thực tế tỷ lệ lây nhiễm cũng như nhập viện đã xuống mức thấp.

Mặc dù vậy, Bộ Y tế Israel vẫn nâng cao cảnh giác, cho biết những dịch vụ bị thu hẹp này có thể được mở rộng lại nhanh chóng trong trường hợp bùng phát làn sóng dịch mới hay một biến thể mới nguy hiểm hơn xuất hiện. Quan chức trên cho biết: "Chúng tôi đang nghiên cứu làn sóng dịch thứ 5 và cố gắng nâng cao sự sẵn sàng cho làn sóng dịch thứ 6. Cho đến giờ chúng ta đã phải ứng phó với những biến thể hoặc độc lực cao nhưng lây nhiễm thấp, hoặc độc lực thấp nhưng dễ lây nhiễm. Kịch bản mà chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng là các biến thể nguy hiểm hơn cả về độc lực lẫn độ lây nhiễm".

Tuần trước, Israel đã phát hiện những ca nhiễm biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron. Tháng 4 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đã bắt đầu theo dõi cẩn trọng hai biến thể phụ này sau khi chúng xuất hiện ở Nam Phi và châu Âu.

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng bắt đầu bãi bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc ngoài trời. Tuy nhiên, hầu hết người dân ở thủ đô Seoul vẫn đeo khẩu trang do cảm giác chưa thật sự yên tâm và với nhiều người, khẩu trang đã trở thành "vật bất ly thân" từ lâu và đeo khẩu trang là vì lợi ích của cộng đồng.

Nhiều trường học tại Hàn Quốc cũng đã tổ chức các sự kiện thể thao lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, song hầu hết học sinh đều đeo khẩu trang. Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết các trường học được quyền tự quyết định có cho phép học sinh bỏ khẩu trang trong các hoạt động thể thao hay các lớp học thể dục hay không. Theo quy định, các sự kiện tập hợp trên 50 người vẫn phải đeo khẩu trang.

Hàn Quốc tiếp tục bãi bỏ dần các biện pháp phòng dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca nhiễm mới theo ngày tiếp tục giảm. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), số ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày 2/5 được ghi nhận là 20.084 ca, mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua. Số ca nhiễm COVID-19 ngày 2/5 cũng giảm đáng kể so với mức 37.771 của 1 ngày trước đó. KDCA cho biết nước này đã có thêm 83 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 lên 22.958 người. Tỷ lệ tử vong là 0,13%. Số bệnh nhân nặng đang điều trị tiếp tục giảm xuống mức 461 người, ít hơn 32 người so với mức 493 người của một ngày trước đó. KDCA dự báo số ca nhiễm COVID-19 sẽ tiếp tục xu hướng giảm ổn định và đây là cơ sở để Hàn Quốc tiếp tục xem xét nới lỏng các biện pháp phòng dịch còn lại.

Trong khi đó, nhà máy sản xuất vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của châu Phi, được ra mắt vào năm ngoái như một trung tâm tiên phong về sản xuất vaccine tại khu vực vốn có tỷ lệ tiêm chủng thấp vì sự chậm trễ trong việc bàn giao vaccine của các nước phương Tây, đang có nguy cơ phải đóng cửa vì ế ẩm.

Hồi tháng 11/2021, nhà máy Aspen Pharmacare ở Gqeberha, Eastern Cape của Nam Phi đã đạt được thỏa thuận với tập đoàn Mỹ Johnson &Johnson để đóng gói và phân phối vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson &Johnson trên khắp thị trường châu Phi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi thỏa thuận này là một "thời khắc chuyển đổi" trong nỗ lực hướng tới việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng rõ rệt trong việc tiếp cận với vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên kể từ đó cho đến nay, vaccine mang thương hiệu Aspenovax không nhận được đơn đặt hàng nào tại châu Phi, bất chấp thực tế mới chỉ có khoảng 16% người trưởng thành của lục địa này đã tiêm đủ liều cơ bản.

Theo giới chức Aspen, một trong những lý do khiến nhà máy này phải "đắp chiếu" là do khó khăn trong khâu vận chuyển, bảo quản và phân phối vaccine ở châu Phi. WHO và cơ chế phân phối vaccine công bằng COVAX từng nêu thực trạng châu Phi từ chối nhận thêm vaccine ngừa COVID-19 do không có đủ tủ đông lạnh, việc tiếp cận các điểm tiêm chủng và đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, nhà máy trên ra đời trong bối cảnh châu Phi không được cung cấp đầy đủ và nhanh chóng vaccine ngừa COVID-19 do nhu cầu lớn từ phương Tây. Tuy nhiên khi nhà máy đi vào hoạt động, thực tế đã thay đổi. Hiện nay châu Phi đang nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nước hơn so với giai đoạn đầu dịch bùng phát và nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 cho châu lục này cũng đã ổn định./.