Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam: Tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống

Kim Anh - 22:09, 19/04/2022

“Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2022 đã thu hút đông đảo khách thập phương tới tham quan, tham dự và cảm nhận một số lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS như lễ cấp sắc, lễ mừng lúa mới…; hòa mình vào các trò chơi dân gian, điệu múa của đồng bào. Qua đó góp phần giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của các dân tộc.

Tái hiện Lễ cúng mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai
Tái hiện Lễ cúng mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai

Hòa mình vào không gian văn hóa đa sắc màu

Năm nay, “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” diễn ra từ ngày 16 - 19/4, với sự tham gia của 17 cộng đồng dân tộc, mang đến những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc nhất. Sự kiện đã thu hút đông đảo khách tham quan với nhiều hoạt động hấp dẫn, như trình diễn dân ca, dân vũ, ẩm thực, trang phục…

Hòa chung không khí vui tươi của ngày hội, bà Vì Thị Miên (50 tuổi, dân tộc Thái) hào hứng chia sẻ, hơn 5 năm sinh sống tại Làng, được đón và giao lưu với rất nhiều người đến tham dự Ngày hội văn hóa, thế nhưng mỗi lần tham gia bà lại có những cảm xúc vô cùng đặc biệt. Đó là niềm tự hào, lòng biết ơn và trân trọng khi được giới thiệu những nét văn hóa thông qua các hoạt động đến với du khách tham quan.

Tái hiện Lễ hội “Kin Chiêng Bọoc Mạy” của dân tộc Thái
Tái hiện Lễ hội “Kin Chiêng Bọoc Mạy” của dân tộc Thái

Một trong những hoạt động để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng du khách thập phương phải kể đến không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc. Đây là bức tranh thu nhỏ tái hiện chân thực đời sống văn hóa của từng dân tộc, để đại biểu và du khách tham quan được trải nghiệm và hiểu thêm về cộng đồng 54 dân tộc đa sắc màu qua các trò chơi dân gian, trang phục, các trích đoạn lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống của các dân tộc, như Tày, Gia Rai, Dao, Khmer ...

Chị Vũ Minh Phương, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, chị rất vui khi năm nay có cơ hội được tham gia Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đến đây, chị đã có cơ hội tìm hiểu về nhiều nét văn hóa của các dân tộc như Thái, Mường, Dao… Cùng với đó được chứng kiến tái hiện các lễ hội như Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer, hay Lễ hội “Kin Chiêng Bọoc Mạy” của dân tộc Thái.

“Chuyến trải nghiệm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam lần này tôi cảm thấy rất ý nghĩa, vì được thưởng thức các món ăn dân tộc, trải nghiệm các trò chơi dân gian và tìm hiểu về những nét văn hóa của các dân tộc Việt Nam”, chị Phương nói.

Bên cạnh việc tái hiện các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc, Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam còn gây ấn tượng với người xem bởi không gian “Sen trong đời sống văn hóa Việt” thông qua 100 bức ảnh về sen. Những nghệ nhân tiêu biểu, Người có uy tín tại các địa phương có cơ hội được giao lưu, gặp gỡ và tuyên dương tại “Ngôi nhà chung”.

Lễ cầu an, cầu phúc của dân tộc Tày tỉnh Thái Nguyên
Lễ cầu an, cầu phúc của dân tộc Tày tỉnh Thái Nguyên

Ngày hội tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống

Sau 14 năm thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 19/4 hằng năm là "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam", cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam có cơ hội giao lưu, trao đổi, giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc mình nhiều hơn thông qua các chương trình sinh hoạt văn hóa tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và nhiều nơi khác.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung cho biết, ngày 19/4 hằng năm đã trở thành một sự kiện thường niên được tổ chức tại Làng. Việc phối hợp triển khai các hoạt động cụ thể nhằm hưởng ứng "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" đã góp phần tích cực trong giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn.

Đồng bào dân tộc Gia Rai vui hội trong “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”
Đồng bào dân tộc Gia Rai vui hội trong “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”

“Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số khó khăn trong việc phát huy các giá trị văn hóa hiện nay. Sự quan tâm của người dân và các cấp chính quyền ở một số nơi còn chưa thường xuyên, kinh phí dành cho công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cũng như đầu tư cơ sở vật chất phát triển các thiết chế văn hóa còn hạn chế… Do vậy, việc chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa là trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả mọi người nhằm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, bảo đảm giữ gìn được truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa của văn hóa nhân loại trong thời kỳ hội nhập”, ông Trung thông tin.

Trong thời gian tới, để giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, triển khai hiệu quả hơn nữa các hoạt động hưởng ứng "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam", theo ông Trịnh Ngọc Chung cần đẩy mạnh hơn các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc giữ gìn bản sắc, phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Cùng với đó, Ban quản lý sẽ phối hợp với các ban, ngành tổ chức định kỳ, thường xuyên hơn việc phục dựng các lễ hội, những nét phong tục tập quán để duy trì và phát huy hiệu quả văn hóa truyền thống của các dân tộc.