Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Nghệ An: Báo động ô nhiễm môi trường ở các làng nghề

PV - 10:46, 21/12/2018

Hiện nay, Nghệ An có 153 làng nghề truyền thống. Bên cạnh tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, thì các làng nghề còn góp phần thúc đẩy kinh tế hộ gia đình và địa phương phát triển. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường ở các làng nghề đang ở mức báo động, làm đảo lộn sinh hoạt và ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Làng nghề nước mắm Phú Lợi ở phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai được biết đến từ hàng trăm năm nay. Với 515 hộ tham gia làm, nên mỗi khi đến mùa chế biến cá để làm nước mắm, mỗi ngày làng nghề thải ra môi trường hàng ngàn m3 nước thải chưa qua xử lý.

Ông Nguyễn Văn Cương, một hộ làm nước mắm ở làng Phú Lợi cho biết: Mỗi năm, gia đình ông sản xuất trung bình khoảng 10 ngàn lít nước mắm. Sau khi thu mua cá về qua các công đoạn như rửa, xử lý các tạp chất rồi mới được ngâm ủ. Khi được hỏi về số nước xử lý cá chảy về đâu, ông cho biết, nước thải đổ ra mương thoát nước của làng rồi chảy ra sông, ra biển. Cũng theo ông Cương ở trong làng, ai làm nước mắm cũng thế nên mùi hôi bốc lên là điều khó tránh khỏi.

Làng nghề sản xuất nước mắm Phú Lợi, phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai đang là điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Làng nghề sản xuất nước mắm Phú Lợi, phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai đang là điểm nóng về ô nhiễm môi trường.

Qua tìm hiểu, được biết làng nghề nước mắm Phú Lợi mỗi năm sản xuất khoảng hơn 2 triệu lít nước mắm. Chị Nguyễn Thị Trang, cán bộ Nông nghiệp phường Quỳnh Dị cho rằng, bên cạnh cái được của làng nghề thì cũng có cái mất, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây rất nghiêm trọng do hệ thống xử lý nước thải làng nghề chưa có; bên cạnh đó là hệ thống thoát nước đã xuống cấp. Mặc dù, chính quyền đã nhiều lần nhắc nhở các hộ chế biến nước mắm phải làm bể xử lý nước nhưng đa số họ chỉ làm đối phó, bằng cách cho ít kalo vào khử mùi nước thải để giảm bớt mùi hôi rồi thải ra môi trường

Cũng như làng nghề nước mắm Phú lợi, làng nghề bún, bánh Huỳnh Dương, xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu cũng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường từ nước thải. Theo phản ánh của người dân thì, hằng ngày các cơ sở làm bún, bánh thải một số lượng nước thải rất lớn có mùi hôi thối nồng nặc.

Bà Trần Thị Xuân, xóm Huỳnh Dương, xã Diễn Quảng, Diễn Châu cho biết: Nhà của tôi luôn phải đóng kín cửa, thế nhưng mùi hôi thối vẫn len lỏi vào tận trong nhà; nhất là mùa nắng nóng thì càng khó chịu. Mấy đứa cháu nhỏ phải gửi nơi khác sinh sống và học hành cho đỡ ảnh hưởng sức khỏe về sau.

Người dân ở đây cho biết, xây dựng làng nghề để nâng cao thu nhập cho dân là chủ trương được khuyến khích. Tuy vậy, quá trình phát triển làng nghề lại thiếu đồng bộ về quy hoạch, xử lý môi trường khiến làng nghề này trở thành điểm đen đối với sức khỏe cộng đồng gây nhiều hệ lụy về lâu dài.

Ngoài sức khỏe của người dân, thì nước thải chảy ra đồng ruộng làm ô nhiễm môi trường đất, giảm năng suất cây trồng gây khó khăn cho cuộc sống bà con…

Một thực trạng đáng báo động, đó là hầu hết hệ thống xử lý nước thải của các làng nghề ở các địa phương không được đầu tư, hoặc đầu tư nhưng chưa đủ các hạng mục đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, hoặc xuống cấp từ lâu; do đó hầu hết nước thải làng nghề chưa qua xử lý hoặc đã qua xử lý nhưng chưa đạt quy chuẩn cho phép. Chất thải từ các làng nghề chế biến thực phẩm phát sinh mùi không được xử lý triệt để… gây ô nhiễm môi trường xung quanh nghiêm trọng..

Theo ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển tỉnh Nghệ An, ngoài các yếu tố về cơ sở vật chất, thì vấn đề ý thức người dân và sự vào cuộc tuyên truyền của chính quyền địa phương còn hạn chế, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề. Quan điểm của ngành Nông nghiệp là, không đánh đổi sự phát triển để môi trường ô nhiễm làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Vừa qua, tại kỳ cuộc họp HĐND tỉnh Nghệ An, vấn đề ô nhiễm môi trường ở các làng nghề cũng là nội dung “nóng” mà nhiều đại biểu quan tâm. Tuy nhiên, để xử lý vấn đề này, theo ông Thái Văn Nông, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường là rất khó, bởi kinh phí đầu tư xây dựng, vận hành các công trình bảo vệ môi trường và xử lý triệt để ô nhiễm môi trường rất lớn, trong khi ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa hiệu quả chưa cao, các doanh nghiệp khó khăn về vốn do đó việc xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường bị hạn chế.

Vì thế, các sở, ngành liên quan cần tập trung hướng dẫn, đôn đốc công tác ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, áp dụng sản xuất sạch hơn, các giải pháp kỹ thuật xử lý môi trường để các làng nghề, cơ sở sản xuất hoạt động bền vững…

MINH THỨ

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.