Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nghệ An: Đề xuất giải pháp khả thi trong trồng rừng thay thế

An Yên - 17:38, 23/05/2024

Ngoài những khó khăn như thiếu cây giống bản địa, nếu chọn cây bản địa thì nhiều thủ tục thanh quyết toán, đơn giá thấp, dễ phát sinh chi phí ..., còn có nguyên nhân do thời tiết bất lợi, trâu bò phá hoại, sâu bệnh phá hoại... khiến cho nhiều diện tích rừng trồng thay thế trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỗ thì chết gần hết, nơi thì phải dặm thêm nhiều lần.

Những hào ngăn trâu bò phá hoại rừng trồng thay thế ở miền núi Nghệ An
Những hào ngăn trâu bò phá hoại rừng trồng thay thế ở miền núi Nghệ An

Gia súc phá hoại là chính!

Ban Quản lý rừng phòng hộ (RPH) Tương Dương thực hiện nhiệm vụ trồng rừng thay thế cho dự án hồ chứa nước Bản Mồng, với diện tích 100ha, bắt đầu triển khai từ năm 2022 tại 5 điểm thuộc các xã Lượng Minh, Yên Thắng, Nhôn Mai, Mai Sơn và Hữu Khuông (Tương Dương). 

Tuy nhiên, hiệu quả trồng rừng thay thế không đạt như mong muốn. Đơn cử như ở dốc Càng Hem, thuộc xã Yên Thắng, với diện tích trồng rừng thay thế là 23ha, Ban quản lý RPH Tương Dương lựa chọn trồng cây mét, nhưng trên diện tích này, đến nay chủ yếu là bãi cỏ, đất trống, những cây còn sống thì lưa thưa, còi cọc…

Ông Vi Văn Tiến Nam,Bí thư Chi bộ bản Tạt, xã Yên Thắng cho hay: Đây là vùng chăn thả trâu, bò lâu đời của người dân 2 xã Yên Thắng và Yên Hòa. Cây mét trồng xuống, bị trâu, bò ăn một, hai lần là chết, số còn lại khó phát triển.

Thêm một nguyên nhân khiến diện tích rừng trồng thay thế ở đây không hiệu quả, là do thời tiết. Đại diện Ban quản lý RPH Tương Dương chia sẻ, thời điểm đưa cây giống về trồng có mưa. Nhưng sau đó, lại nắng, kéo dài cả tuần khiến nhiều cây khó sống.

Cũng là đơn vị được giao trồng rừng thay thế của Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống lựa chọn trồng 21,7ha rừng cây chò chỉ tại thung lũng Piêng Lắc, xã Châu Lý (Quỳ Hợp).

Thực địa tại đây, chúng tôi ghi nhận, nhiều cây chò chỉ bị sâu ăn lá, nhiều cây bị cỏ lấn át dẫn tới cây khó sống. Chưa kể, là tình trạng trâu bò phá hoại phải trồng dặm nhiều lần. Ông Trần Đức Long, cán bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn cho biết: Vùng Piêng Lắc là địa bàn thuộc quản lý của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống; nhưng đồng thời là bãi chăn thả khoảng 1.000 con trâu, bò của người dân các xã Châu Lý, Bắc Sơn. Chúng tôi đã phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận di chuyển đàn trâu, bò đi nơi khác để thực hiện việc trồng rừng thay thế ở thung lũng Piêng Lắc. Nhưng do thiếu bãi chăn thả nên trâu bò vẫn thường xuyên đi vào phá hoại.

Cạnh hào là hàng rào thép gai bảo vệ nhưng trâu bò vẫn phá hoại rừng trồng thay thế
Cạnh hào là hàng rào thép gai bảo vệ nhưng trâu bò vẫn phá hoại rừng trồng thay thế

Ban quản lý RPH Kỳ Sơn cũng thực hiện trồng rừng thay thế cho Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, với diện tích hơn 47ha tại Tiểu khu 448, trên địa bàn xã Mường Típ (Kỳ Sơn). Giống cây bản địa mà Ban quản lý lựa chọn trồng là cây sa mộc (cùng họ với cây thông). Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Hòa, cán bộ Ban quản lý RPH Kỳ Sơn thì, trước đây, nơi này là điểm người dân chăn thả trâu, bò nên công tác quản lý, bảo vệ rừng mới trồng rất vất vả. Có nhiều vị trí chúng tôi đã phải trồng dặm đến 3 – 4 lần do bị trâu, bò phá khiến cây chết.

Đâu là giải pháp?

Ngoài tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với tài sản công, thì các đơn vị nhận nhiệm vụ trồng rừng cùng đã bỏ kinh phí đào hào, cũng như mua dây thép gai để ngăn chặn nạn trâu bò phá hoại. Tuy nhiên, cách làm này vẫn không mấy khả thi. 

Đơn cử như, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải cân đối kinh phí tổ chức thi công tuyến hào dài gần 1.000m để ngăn không cho trâu, bò vào khu vực trồng rừng; tại điểm trồng rừng trên đỉnh dốc Càng Hèm cũng đã được dựng rào và đào hào ngăn trâu, bò. 

Ông Nguyễn Đức Hòa, cán bộ Ban quản lý RPH Kỳ Sơn tỏ ra bất lực:"Ban đã phải bỏ tiền mua dây thép gai dựng hàng rào bảo vệ. Tuy nhiên, hàng rào thép gai thường xuyên bị cắt trộm nên cũng chỉ ngăn ngừa được phần nào… Còn hào ngăn trâu bò, bảo vệ rừng cũng không ăn thua".

Về nguồn kinh phí trồng rừng thay thế, theo các đơn vị trồng, thì đơn giá được phê duyệt là 45 triệu đồng/ha cho toàn bộ chi phí cây giống, phân bón, phí quản lý, nhân công phát dọn, đào hố, trồng cây và 1 năm trồng, 3 năm chăm sóc bảo vệ. Tính toán chi ly các khoản này, thì không đủ để thực hiện. Có nhiều vùng như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong có nhiều tiểu vùng khí hậu nên rất khó khăn để lựa chọn giống cây bản địa phù hợp…

Trong khi đó, nhiều đơn vị cũng không lựa chọn cây bản địa là vì cây phải có nguồn gốc xuất xứ. Hơn nữa, đơn vị sản xuất giống phải có tư cách pháp nhân, có hóa đơn, chứng từ; nếu không, hồ sơ trồng rừng sẽ không hợp lệ để có thể thanh, quyết toán. Vì thế, nhiều đơn vị đã phải đi nhiều nơi để lựa chọn cây trồng tương thích. Và đó là sự lựa chọn bất khả kháng…

Một điểm trồng rừng thay thế trên địa bàn huyện Quỳ Hợp
Một điểm trồng rừng thay thế trên địa bàn huyện Quỳ Hợp

Để giải quyết về giống cây bản địa, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt “Đề án nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp giai đoạn 2024-2030 nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Đề án đã đưa danh mục các loài cây được ưu tiên tại địa phương bao gồm, các nhóm loài cây trồng làm giàu rừng, trồng bổ sung trong khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng và nhóm loài cây trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng ngập nước. Đề án cũng chỉ ra rất cụ thể việc xây dựng hệ thống nguồn giống lâm nghiệp, bằng cách xây dựng vườn ươm mới và nâng cấp các vườn ươm hiện có.

Ông Nguyễn Danh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An nhìn nhận: Đề án phát triển giống cây lâm nghiệp là hướng mở, có tính khả thi cao trong tương lai để có thể chủ động hơn giống cây trong công tác trồng rừng thay thế của tỉnh Nghệ An… ; Về những khó khăn mang tính đặc thù trong công tác trồng rừng thay thế trên địa bàn vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, như thiếu đường vận xuất; cung đường xa xôi vất vả; nghề chăn nuôi của đồng bào là chăn thả rông trâu, bò…, thì ngành đã nhìn nhận đầy đủ, toàn diện và đang hướng đến đề xuất cấp trên cho phép xây dựng chính sách hỗ trợ.

"Sở NN&PTNT cũng đã đề xuất UBND tỉnh Nghệ An thêm một hướng khác cho công tác trồng rừng thay thế, đó là thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; phát triển giống cây lâm nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng trên cơ sở sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế", ông Hùng cũng cho hay.

Tin cùng chuyên mục
Vietcombank là ngân hàng đầu tiên khai thác Dịch vụ xác thực điện tử của Bộ Công an

Vietcombank là ngân hàng đầu tiên khai thác Dịch vụ xác thực điện tử của Bộ Công an

Chiều ngày 01/7/2024, tại trụ sở Bộ Công an (số 47 Phạm Văn Đồng, Hà Nội), trong khuôn khổ “Lễ phát động triển khai Luật Căn cước năm 2023 và Nghị định số 69/2024/NĐ-CP về Định danh và xác thực điện tử”, đã diễn ra lễ ký kết “Dịch vụ xác thực điện tử” giữa Vietcombank và Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (RAR) thuộc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư - Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an.