Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Nghệ An: Vẫn chưa giải quyết dứt điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật

PV - 09:34, 20/08/2018

Nghệ An được xem là điểm nóng về tình trạng tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với hàng trăm điểm nằm rải rác khắp các địa phương trong tỉnh. Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc để xử lý, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Người dân xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ lo lắng khi nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Ảnh: Minh Thứ Người dân xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ lo lắng khi nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Ảnh: Minh Thứ

Dân lo lắng

Thời gian gần đây, hàng trăm hộ dân sống ở xóm Thạch Sơn, xã Văn Thành, huyện Yên Thành rất hoang mang khi trong vòng 10 năm đã có hàng chục người qua đời vì mắc bệnh ung thư. Con số này có thể sẽ tăng thêm vì hiện nay có một số trường hợp đang điều trị căn bệnh quái ác này ở các bệnh viện.

Bà Nguyễn Thị Toại buồn rầu nói, chồng con bà đều lần lượt ra đi vì mắc bệnh ung thư. Theo bà, nguyên nhân gây bệnh nghi là do nguồn nước sinh hoạt. Nhà bà nằm ngay đầu nguồn, cạnh vị trí kho chứa thuốc BVTV ngày xưa của Hợp tác xã chăn nuôi huyện. Dù kho chứa thuốc này không còn tồn tại nữa nhưng thuốc BVTV ngấm sâu vào đất, làm nguồn nước ngầm cũng bị nhiễm nên khi sử dụng đã ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ông Nguyễn Đình Long, Chủ tịch UBND xã Văn Thành cũng nghi ngờ về nguyên nhân này, bởi 2 người thân trong gia đình ông cũng đã qua đời vì ung thư và gia đình ông cũng sống trong khu vực ô nhiễm này. Ông Long cho biết, xã đã từng báo cáo lên huyện. Cách đây mấy năm, huyện đã cử người về lấy nước đi kiểm định, thế nhưng vẫn chưa có câu trả lời khiến người dân rất hoang mang lo lắng.

Khó khăn trong xử lý

Qua thống kê, Nghệ An là địa phương có nhiều điểm ô nhiễm do tồn lưu thuốc BVTV nhiều nhất cả nước với 189 điểm. Hầu hết các huyện, thị, thành phố đều có điểm tồn lưu thuốc BVTV để lại, nhiều nhất là các huyện Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Yên Thành, Diễn Châu… Ở các huyện miền Tây của xứ Nghệ, nhiều điểm tồn lưu thuốc BVTV vẫn đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Hầu hết các điểm tồn lưu để lại từ năm 70 của thế kỷ trước, khi đó công nghệ bảo vệ chưa được chú trọng nên những đơn vị cung ứng thuốc BVTV tiện chỗ nào thì đặt vị trí kho ở đó mà không tính đến những hệ lụy lâu dài.

Trước thực tế này, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Môi trường lập kế hoạch để xử lý các điểm tồn lưu. Tuy nhiên, theo ông Hồ Chí Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Nghệ An thì, việc xử lý các điểm tồn lưu thuốc BVTV trên địa bàn đang gặp khó khăn. Cụ thể, Chi cục vẫn còn lúng túng về công nghệ xử lý cũng như nguồn kinh phí thực hiện. Theo ông Dũng, để thực hiện một dự án xử lý ô nhiễm môi trường, phải cần số kinh phí hàng tỷ đồng, trong khi đó, ngân sách của tỉnh đầu tư còn hạn hẹp nên việc triển khai đồng bộ, dứt điểm còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều dự án khi xây dựng kế hoạch xong nhưng không thể triển khai theo đúng thời gian, tiến độ do không có hoặc không đủ kinh phí để thực hiện. Mặt khác, về công nghệ xử lý hiện nay đòi hỏi kỹ thuật rất phức tạp nên rất khó triển khai…

“Chi cục Môi trường đã nhận được nhiều phản ánh của người dân và chính quyền, cũng như sự chỉ đạo của UBND tỉnh. Chúng tôi cũng trăn trở nhưng trong điều kiện thiếu kinh phí và công nghệ nên chỉ thực hiện xử lý các điểm nóng cấp bách. Đối với các điểm ô nhiễm khác, sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình, điều kiện cho phép Chi cục sẽ triển khai thực hiện…” , ông Hồ Chí Dũng nói.

Trước hệ lụy từ tình trạng ô nhiễm môi trường từ tồn lưu thuốc BVTV , đe dọa đến tính mạng cuộc sống của người dân, chính quyền tỉnh Nghệ An cần đặc biệt quan tâm xem xét đầu tư, chỉ đạo tổ chức xử lý dứt điểm để người dân an tâm an cư lạc nghiệp.

MINH THỨ

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.