Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghề làm giày của đồng bào Giáy

PV - 10:43, 16/04/2019

“Người con gái dân tộc Giáy phải biết làm giày vải, vừa thể hiện sự khéo léo, đảm đang, đồng thời, giày vải cũng là một lễ vật không thể thiếu của người con gái Giáy khi về nhà chồng”, bà Má Thị Mùi ở bản Nậm Lỏong 2, phường Quyết Thắng (TP. Lai Châu) chia sẻ.

Bà Má Thị Mùi say mê làm giày vải của người Giáy. Bà Má Thị Mùi say mê làm giày vải của người Giáy.

Đằng sau đôi giày vải

Bà Má Thị Mùi, một trong những người hiếm hoi ở bản Nậm Lỏong 2 còn biết làm giày vải của đồng bào dân tộc Giáy. Bà cho biết, đôi giày vải truyền thống của người Giáy đều làm thủ công. Từ cắt mo tre làm đế giày; lọc bột ngô nấu thành hồ, lấy vải dán lên tấm gỗ để tán đều hồ đã được nấu lên tấm vải; khâu thân giày, nối liền thân giày với đế giày bằng sợi chỉ,…

“Giờ già rồi mắt kém nhưng vẫn làm để con cháu học. Phụ nữ dân tộc Giáy, từ 14-15 tuổi đã được mẹ truyền cho nghề làm giày vải. Để một đôi giày vải truyền thống của dân tộc không có gì là khó, nhưng cũng phải mất từ 2-3 ngày mới hoàn thành một đôi”, bà Mùi nói.

Theo bà Mùi, trước đây, theo phong tục, khi bước qua cửa nhà chồng, nàng dâu phải đi giày Giáy mới, rồi lần lượt múc chậu nước sạch cho các cậu, các chú, các bác bên họ nhà trai rửa chân, tay và tặng cho họ những đôi giày do nàng dâu chuẩn bị sẵn, đó là một trong những nghi thức quan trọng để nhà gái cảm ơn nhà trai.

Việc hỷ là vậy, còn trong việc hiếu, đôi giày vải chiếm một vị trí rất đặc biệt trong đời sống tâm linh. Người già khi sắp về với tổ tiên sẽ được con cháu làm cho một vài đôi giày mới và thường làm theo kiểu của người trẻ, bởi theo họ khi sống là người Giáy thì khi chết vẫn làm ma người Giáy và trở về với cái tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất.

“Người già khi mất đều đi đôi giày vải màu sắc sặc sỡ với hy vọng được trẻ lại, lại được làm nàng dâu, chàng rể mới. Hơn nữa, người ta cũng nghĩ rằng lúc chết đi qua rừng phải có đôi giày để đi không thì sẽ bị con sâu trong rừng cắn”, bà Mùi kể.

Được biết, hiện trong bản Nậm Lỏong 2, cùng với bà Mùi còn 3-4 cụ bà đam mê làm giày vải. Giày vải của bà con cũng được một số khách hàng ở địa phương khác đặt mua. Tết Kỷ Hợi vừa qua, bà Mùi bán được 15 đôi giày. Bà rất vui vì có thêm thu nhập, vừa có thể quảng bá đôi giày truyền thống của dân tộc Giáy.

Những đôi giày vải của người Giáy, đều làm thủ công. Những đôi giày vải của người Giáy, đều làm thủ công.

Nguy cơ mai một

Cũng như bà Mùi, bà Giàng Thị Phê, 69 tuổi, ở bản Màng, xã Nậm Lỏong (TP. Lai Châu) cũng rất tâm đắc khi chia sẻ về nét độc đáo đôi giày vải của dân tộc Giáy. Bà cho hay, ngày trước, con gái mới lớn trong bản thường xuyên thi tài làm giày vải. Người nào cũng háo hức, thi nhau xem ai làm nhanh hơn, đẹp hơn, khéo hơn và làm được nhiều hơn…

Nhưng đó là của ngày xưa, còn bây giờ, số người còn biết và làm giày vải như bà Mùi, bà Phê chỉ đếm trên đầu ngón tay; chủ yếu các cụ bà đã ngoài tuổi 70. Việc làm giày vải truyền thống đã hoàn toàn trở nên xa lạ đối với các cô gái trẻ.

Em Lò Thị Chiêm, ở bản Nậm Lỏong (phường Quyết Thắng), sinh năm 1996, cho biết, đôi giày vải của dân tộc Giáy dù không cầu kỳ nhưng việc làm giày đòi hỏi người làm phải có sự kiên nhẫn, khéo léo cộng thêm chút đam mê. Vì thế, thanh niên trong bản không mấy hứng thú. “Như em, dù được bà hướng dẫn tỉ mỉ từng công đoạn nhưng vẫn không thể làm đẹp được như bà, chủ yếu học cho biết”, Chiêm tâm sự.

Theo ông Giàng A Chỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Lỏong, nghề làm giày vải đang đứng trước nguy cơ biến mất vì lớp trẻ không có tư tưởng học nghề. Để giữ được nghề làm giầy, giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Giáy, địa phương rất mong được sự hỗ trợ của cấp trên, đơn vị liên quan về ý tưởng, giải pháp và kinh phí để giữ và phát triển nghề.

HOÀI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Những cuốn sách được viết trên lá cây có tuổi đời hàng trăm năm

Những cuốn sách được viết trên lá cây có tuổi đời hàng trăm năm

Trên địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có một số cuốn sách cổ viết bằng chữ Thái hệ Lai Pao trên lá cây khá độc đáo. Tuy nhiên, những cuốn sách cổ này còn rất ít và số người biết đọc chữ Thái cũng không còn nhiều. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Thái là điều hết sức cần thiết.