Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thể thao - Giải trí

Nghề lồng tiếng và những cơ hội mới

PV - 14:25, 27/11/2021

Khi phim truyền hình, điện ảnh sản xuất trong nước chuyển sang thu thanh trực tiếp, nhiều người đã nghĩ đến “ngày tàn” của nghề lồng tiếng. Nhưng với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng chiếu phim trực tuyến, phim chiếu rạp, nhu cầu thưởng thức phim nước ngoài lồng tiếng Việt của công chúng cũng tăng cao, tạo nên sức hấp dẫn mới cho nghề này.

"Rio" là bộ phim hoạt hình đầu tiên được lồng tiếng Việt theo tiêu chuẩn Hollywood.
"Rio" là bộ phim hoạt hình đầu tiên được lồng tiếng Việt theo tiêu chuẩn Hollywood.

Nhìn từ một cuộc thi

Mới đây, Netflix và BHD phối hợp tổ chức chương trình tìm kiếm tài năng lồng tiếng “Thanh âm diệu kỳ” tại Việt Nam, đánh dấu lần đầu tiên một cuộc thi về lồng tiếng của Netflix được tổ chức tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương với mục đích hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp sáng tạo và lồng tiếng tại Việt Nam. Theo BHD, chỉ trong 3 tuần sau khi công bố cuộc thi, ban tổ chức đã nhận được hơn 500 bài dự thi của thí sinh cả nước và đã chọn 60 thí sinh tốt nhất vào vòng ghi hình. NSƯT Thành Lộc, giám khảo của cuộc thi chia sẻ: “Tôi bất ngờ vì lượng thí sinh tham gia khá nhiều và toàn là người trẻ, không ngờ các bạn quan tâm và yêu thích nghề lồng tiếng phim đến vậy! Tôi thấy tín hiệu lạc quan vì các thí sinh có chí tiến thủ, chịu khó học hỏi. Tôi cũng muốn nói rằng, nghề lồng tiếng không dễ dàng nhưng vô cùng thú vị!”.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), khán giả thường chỉ biết đến những tác phẩm đã hoàn thiện được trình chiếu trên màn ảnh, còn ở phía sau màn ảnh là cả một ê kíp đầy tài năng đã làm việc rất vất vả nhưng lại ít được biết đến. Vì vậy, cuộc thi là cơ hội để khán giả có thể hiểu hơn về công việc lồng tiếng, đây cũng là cơ hội nghề nghiệp dành cho những diễn viên lồng tiếng mới vào nghề và những bạn trẻ đam mê công việc này. Đại diện Netflix, bà Nguyệt Nguyễn Phillips bày tỏ tin tưởng rằng “Thanh âm diệu kỳ” sẽ truyền cảm hứng cho những diễn viên lồng tiếng ở Việt Nam, giúp họ có cơ hội đào sâu kỹ năng cũng như khám phá đam mê nghề lồng tiếng, đồng thời hỗ trợ cho sự phát triển của cộng đồng sáng tạo trong nước.

Nghề nhiều hứa hẹn

Thực tế, không chỉ NSƯT Thành Lộc mà nhiều người khác cũng cảm thấy bất ngờ khi có khá đông bạn trẻ tham gia một cuộc thi lồng tiếng. Là người từng có hơn 20 năm gắn bó với nghề lồng tiếng, diễn viên Nguyệt Hằng cho biết, nghề lồng tiếng từng là nghề nuôi sống gia đình cô nhưng hiện tại cô không còn nhiều cơ hội, điều kiện để thực hiện nữa vì phim truyền hình hiện nay hoàn toàn được thu tiếng đồng bộ.

Tuy nhiên, cơ hội lại mở ra với nghề này khi nhu cầu thưởng thức những bộ phim lồng tiếng Việt, đặc biệt là với dòng phim hoạt hình, phim dành cho trẻ em, tăng cao. Việc lồng tiếng phim nước ngoài theo tiêu chuẩn Hollywood, đầu tư bài bản với kinh phí lớn được bắt đầu vào năm 2010 với sự tiên phong của nhà phát hành MegaStar (CGV hiện nay). Thời điểm đó, MegaStar đã mạnh dạn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để phối hợp với hãng 20th Century Fox lồng tiếng cho bộ phim hoạt hình “Rio”. Việc lồng tiếng Việt được thực hiện công phu, chuyên nghiệp, phần thu âm thực hiện tại Việt Nam, sau đó chuyển ra nước ngoài hoàn thiện nhằm đảm bảo âm thanh đạt chuẩn Hollywood. Để lồng tiếng cho phim “Rio”, CGV phải mất 4 tháng chuẩn bị, từ khâu đàm phán, tuyển chọn diễn viên lồng tiếng phù hợp với đề nghị của nhà phát hành nước ngoài. Từ đó đến nay, đã có cả trăm bộ phim được lồng tiếng nhằm giúp khán giả thưởng thức trọn vẹn và hiểu sâu câu chuyện điện ảnh mà không bị áp lực đọc chữ phụ đề, nhất là với khán giả nhí và người lớn tuổi.

Thực tế, số phim lồng tiếng cũng được khán giả lựa chọn nhiều hơn các bản phim phụ đề. Theo thống kê của CGV, số người chọn phiên bản lồng tiếng tăng dần qua mỗi năm. Nếu như ở những bộ phim lồng tiếng đầu tiên năm 2011, số chọn xem phiên bản lồng tiếng chỉ là 38% thì đến thời điểm gần đây, con số này thường ở mức trên 65%... Theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng, nhất là với phim chiếu trên các nền tảng chiếu phim trực tuyến như Netflix.

Chính nhu cầu tăng cao là động lực để Netflix tham gia tổ chức cuộc thi lồng tiếng tại Việt Nam nhằm tìm thêm những tài năng mới góp mặt vào lĩnh vực này. Đại diện của Netflix, ông Dennis Chau, Giám đốc lồng tiếng APAC cho biết: “Lồng tiếng là yếu tố then chốt giúp khán giả đại chúng có thể thưởng thức nội dung các tác phẩm từ khắp nơi trên thế giới và mang những câu chuyện có tính địa phương đến với khán giả toàn cầu. Qua cuộc thi này, chúng tôi mong đợi được nghe những “thanh âm Việt Nam” và góp phần phát triển cộng đồng sáng tạo tại Việt Nam”.

Đồng tình với quan điểm này, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Giám đốc công ty BHD cho rằng: “Là một công việc rất quan trọng trong điện ảnh, nhưng những người lồng tiếng chưa thật sự được biết đến nhiều. Đây là cơ hội chúng tôi mong muốn mang đến cho tất cả những ai yêu thích được trở thành diễn viên lồng tiếng, góp phần cho sự phát triển của điện ảnh”./.

Tin cùng chuyên mục
Hơn 13 nghìn vận động viên tham gia Giải Marathon Quốc tế Di sản Hạ Long năm 2024

Hơn 13 nghìn vận động viên tham gia Giải Marathon Quốc tế Di sản Hạ Long năm 2024

Chiều ngày 16/11, tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh) đã diễn ra Lễ khai mạc Giải Marathon Quốc tế Di Sản Hạ Long 2024. Hơn 13 nghìn vận động viên (VĐV), trong đó có hơn 1 nghìn 3 trăm VĐV quốc tế đến từ 55 quốc gia đã sẵn sàng tham gia giải chạy vào ngày 03/11/2024. Đây là mùa giải thứ 10 kể từ khi Giải Marathon Quốc tế Di Sản Hạ Long được tổ chức tại Việt Nam.