Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ nhân Kray Sức: “Truyền lửa” tình yêu văn hóa Pa Kô

Minh Ngọc – Kăn Vinh - 3 giờ trước

Buổi chiều, bản Vực Leng, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị tĩnh lặng. Cuối bản vang lên tiếng đàn ta lư hòa quyện cùng làn điệu xiêng ngọt ngào, thiết tha như tiếng lòng nhớ nhung của người con gái Pa Kô với người yêu. Ta lư là đặc trưng của vùng đất này, là linh hồn của người Pa Kô (thuộc dân tộc Tà Ôi) ở vùng Trường Sơn. Và ở đó cuối bản Vực Leng, có người đàn ông 62 tuổi đang chơi đàn ta lư.

Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức đau đáu với việc bảo tồn văn hóa Pa Kô.
Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức luôn đau đáu với việc bảo tồn văn hóa Pa Kô.

Đăm đắm với ta lư

Lão nghệ nhân già Kray Sức (SN 1964) chỉ vào ngực trái của mình, nơi có trái tim mấy mươi năm qua vẫn đau đáu một nỗi niềm với văn hóa người Pa Kô. Gia đình ông có 11 anh em, nhưng các anh chị em đều đã mất từ nhỏ. Mẹ tảo tần làm rẫy chờ cha đi bộ đội. Từng đêm nghe tiếng mẹ hát ru, từng ngày nghe tiếng đàn ta lư do người cha để lại trước khi đi kháng chiến, cứ thế hơn 60 năm Kray Sức vẫy vùng trong văn hóa của dân tộc mình. Sinh ra, lớn lên trong mạch nguồn Pa Kô nên ông say đắm với văn hóa Pa Kô, yêu ta lư như chính bản thân mình vậy.

Nâng niu cây đàn ta lư đã bóng màu thời gian, Kray Sức chỉ vào đàn bảo, đây là dây cha, đây là dây mẹ, đây là dây con, còn đây là Pa Kô mình. Có gia đình, có cộng đồng Pa Kô mới có văn hóa Pa Kô. Cây đàn ta lư lúc đầu vốn chỉ có 2 dây. Trải qua nhiều thế hệ nghệ nhân với bao suy tư, trăn trở đã chỉnh sửa, cải tiến để cây đàn dần hoàn thiện với 3 dây và có thể tấu lên đệm cho hầu hết các làn điệu dân ca Pa Kô như cà lơi, cha chấp, xiêng, a un, caraun, terate’k, ra zok, caracadoi, t’rel...

Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức cùng các nghệ nhân trẻ bảo tồn văn hóa Pa Kô.
Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức cùng các nghệ nhân trẻ bảo tồn văn hóa Pa Kô.

Cây đàn Ta Lư nguyên thủy được làm từ tre nứa thì nay làm bằng gỗ mít. Nhưng rồi một dạo, chẳng còn mấy người già nhớ cách làm đàn ta lư, người trẻ chẳng mấy ai hát được dân ca, trai gái Pa Kô chẳng thích mặc váy áo thổ cẩm múa điệu múa truyền thống của người Pa Kô nữa. Xót xa quá, năm 2000, ông Kray Sức tìm đến già làng Kôn May đặt hàng làm 10 cây đàn ta lư, mỗi cây 20.000 đồng, đem phát cho 9 thôn ở xã Tà Rụt, còn một cây đàn ông dành cho bản thân.

Có đàn rồi nhưng chẳng mấy người còn biết chơi nữa, Kray Sức lại cần mẫn lặn lội đến từng bản làng dạy chơi đàn. Ông trở thành thầy dạy đàn không công từ đó. Nghệ nhân Kray Sức còn cất công đi khắp các bản làng, tìm những người biết thổi khèn, chơi cồng chiêng, biết hát dân ca, biết các điệu múa rồi quy tụ thành nhóm để cùng nhau truyền dạy. Cứ thế, một người, hai người, rồi nhiều người hợp lại với Kray Sức. Những ka lơi (hát để khen nhau, hoá giải nỗi buồn), cha chấp (lời mời gọi), tăn y (hát ru), a dêng, a rơng… hoà vào tiếng đàn ta lư, cùng những tiếng khèn và cồng chiêng cùng phụ họa. Chỉ sau vài năm, Tà Rụt trở thành xã đầu tiên ở Quảng Trị khôi phục được dân ca truyền thống dân tộc Pa Kô với gần 50 làn điệu. Lần lượt nhiều bản làng và các xã khác cũng hướng theo. Kray Sức cũng đi truyền dạy tại nhiều xã của Đắk Rông, Hướng Hoá và ngoại tỉnh. Nơi nào người Pa Kô cần, Kray Sức sẽ có mặt, đem hết nhiệt huyết của mình truyền dạy văn hoá Pa Kô.

Nhờ có Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức góp sức, văn hóa của người Pa Kô được bảo tồn và phát huy.
Nhờ có Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức góp sức, văn hóa của người Pa Kô được bảo tồn và phát huy.

Truyền dạy tình yêu văn hóa cho lớp trẻ

Hơn 20 năm nay, Kray Sức với chiếc máy ảnh cũ kỹ, mấy cuốn sổ nhỏ, vài bộ quần áo cũ không quản ngày đêm vượt suối băng đèo, leo dốc đi khắp các bản làng của người Pa Kô ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và sang cả các bản làng giáp biên ở nước bạn Lào để gặp các già làng, nghệ nhân xin truyền dạy lại cho văn hoá truyền thống của người Pa Kô. Kray Sức tỉ mẩn chụp ảnh, cẩn thận ghi chép văn hoá, lễ hội, làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ… của người Pa Kô. Trong điền dã của Kray Sức, có những thông tin quý về nhiều lễ hội truyền thống của người Pa Kô mà sau này ngành Văn hóa dựa vào đó để phục dựng lại. Đơn cử như Lễ hội Puh boh (lễ giữ rẫy), Lễ hội Aya (hội mùa), Lễ hội Ariêu Piing (lễ bốc mả), các nghi thức của Lễ hội Kăl năng mương (hoàn ân thổ thần)...

Kho báu vô giá ấy là cuốn biên niên sử văn hóa Pa Kô với 300 bức ảnh, là triển lãm ảnh về văn hóa Pa Kô do ông tự tổ chức. Để từ đó đồng bào Pa Kô ngỡ ngàng khi nhận ra văn hóa của dân tộc mình độc đáo đến thế, có chiều sâu đến thế. Những nỗ lực của nghệ nhân Kray Sức đã không uổng công khi những người trẻ quan tâm, tự hào hơn về văn hóa dân tộc mình. Nhiều bạn trẻ đã chủ động mặc trang phục của dân tộc mình. Kray Sức vui lắm.

(Bài CTV đặc biệt) Nghệ nhân Kray Sức: “Truyền lửa” tình yêu văn hóa Pa Kô 3
Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức truyền dạy văn hóa Pa Kô cho bà con dân bản.
Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức truyền dạy văn hóa Pa Kô cho bà con dân bản.

Trên hành trình bảo tồn, truyền dạy văn hóa Pa Kô, Kray Sức đã may mắn có được những người học trò tâm huyết. Những người con Pa Kô như Hồ Văn Hữu, Hồ Xuân Nam, Hồ Xuân Niên, Hồ Văn Việt, Hồ Văn Ngư, Hồ Thị Thôi hay Hồ Thị Sở giờ đây đã thấm hiểu niềm mong ước của thầy mình, họ cũng đang miệt mài trao truyền lại những gì đã học được để giữ gìn cho Pa Kô một vốn văn hóa độc đáo, đặc sắc.

Nhưng quan trọng nhất là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã có những chính sách tạo điều kiện để người Pa Kô phục hồi văn hóa của cha ông mình. Những chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai, những lễ hội truyền thống, hội thi, cuộc thi… được tổ chức đã giúp văn hóa của người Pa Kô được bảo tồn và phát huy hơn nữa. Đó là dịp để đồng bào các dân tộc giới thiệu, phát huy nét đẹp văn hoá truyền thống đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức trong một buổi truyền dạy văn hóa Pa Kô cho lớp trẻ.
Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức trong một buổi truyền dạy văn hóa Pa Kô cho lớp trẻ.

Ông Hồ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tà Rụt cho biết, ở miền Tây Quảng Trị, văn hoá truyền thống của người Pa Kô đã được bảo tồn và phát huy. Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức là linh hồn của văn hoá người Pa Kô khi góp phần vào việc bảo tồn, lưu truyền những nét đẹp truyền thống cho đến bây giờ. Nơi nào người Pa Kô cần, Kray Sức sẽ có mặt, đem hết nhiệt huyết của mình truyền dạy văn hóa Pa Kô.

Năm 2015, nghệ nhân Kray Sức vinh dự đón nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú do Chủ tịch nước trao tặng. Năm 2017, ông được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Năm 2022, Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức là một trong 5 già làng, Người có uy tín ở xã Tà Rụt được tặng giấy khen vì đã có những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc...

Tin cùng chuyên mục
Về Hà Giang trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm của người Pà Thẻn

Về Hà Giang trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm của người Pà Thẻn

Từ lâu, đồng bào dân tộc Pà Thẻn huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang đã hình thành và lưu giữ được một kho tàng văn hóa đa dạng, phong phú trong đó nổi bật là nghề dệt thổ cẩm. Nghề dệt thổ cẩm không chỉ phản ánh đậm nét đời sống tinh thần mà còn là niềm tự hào của người dân tộc Pà Thẻn tại vùng đất này.