Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghệ nhân Lý Liền Siểu - Người gìn giữ “báu vật” của người Dao

Thanh Thuận - 07:41, 25/11/2023

Nhiều năm qua, nghệ nhân Lý Liền Siểu (bản Sín Chải, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để lưu giữ và bảo tồn những cuốn sách cổ có tuổi đời hàng trăm năm của dân tộc Dao. Đối với ông Siểu, đó là tài sản vô giá, nên ông luôn ý thức bảo quản, giữ gìn để thế hệ con cháu được biết đến vốn tri thức quý báu mà cha ông đã truyền lại cho đời sau.

(BÀI CHUYÊN ĐỀ DÂN TỘC- TG) Gìn giữ “báu vật” của người Dao tại Điện Biên
Nghệ nhân Lý Liền Siểu nghiên cứu sách cổ của người Dao.

Cất giữ cẩn thận “báu vật” của cha ông

Chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Lý Liền Siểu (65 tuổi), Bí thư chi bộ, Người có uy tín của bản Sín Chải, xã Nà Hỳ, một trong số ít người còn lưu giữ sách cổ của đồng bào dân tộc Dao đỏ ở xã Này Hỳ. Lúc này, ông Siểu vừa từ một lễ cấp sắc của người Dao đỏ trở về. Trên tường nhà ông có treo nhiều Bằng khen, Giấy khen do xã Nà Hỳ và huyện Nậm Pồ trao tặng vì những thành tích trong công tác xã hội và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của ông. 

Ông Siểu sinh ra trong một gia đình Dao đỏ có truyền thống ông nội và bố đẻ là thầy Mo ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Sau khi lập gia đình, vợ chồng ông chuyển đến xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên sinh sống. Từ lúc trưởng thành, ông đã được bố truyền dạy cho chữ Nôm Dao. Sau đó, ông tiếp tục tự học thêm từ những người đi trước, tích cực đọc sách để nắm vững kiến thức. Vì thế năm 26 tuổi, ông đã trở thành thầy Mo có tiếng trong vùng. Với ông Siểu những cuốn sách cổ của tổ tiên để lại như báu vật trong nhà, nên ông cất giữ chúng cẩn thận. Có người sưu tầm hỏi mua, ông Siểu nhất định không bán dù họ trả bất cứ giá nào.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được nhìn thấy những cuốn sách cổ đó, ông Siểu đã vào phòng đọc sách của mình mang ra một chiếc hòm gỗ, bên trong đựng những cuốn sách đã ngả màu thời gian, trong đó, nhiều cuốn đã cũ nát. Ông cho biết, các cuốn sách cổ đều được viết bằng chữ Nôm Dao cổ. Đây là chữ tượng hình, rất khó viết. Mực dùng để viết là mực tàu trên chất liệu giấy bản. Giấy bản thường được người Dao đỏ làm từ cây vầu, cây nứa, rơm. Ngày trước, nhà nào có người Dao đỏ sinh sống, cũng đều tự làm giấy bản để phục vụ cho nhu cầu của gia đình vào những ngày lễ, tết, ma chay, cưới hỏi, thờ cúng hoặc đóng thành quyển để viết chữ, làm sách.

Ông Lý Liền Siểu cho biết, những cuốn sách của ông đều được “thừa kế” từ “kho báu” do ông nội truyền lại, có cuốn có có lịch sử trên 100 năm, có cuốn lên đến 200 năm. Ông Siểu chia sẻ: "Các cụ bảo, những cuốn sách cổ là “báu vật” tổ tiên lưu lại cho con cháu qua bao đời. Từ xa xưa, theo quan niệm của người Dao đỏ, thì vạn vật đều có linh hồn, tồn tại các vị thần gió, thần mưa, thần trông coi lúa gạo, hoa màu và chăn nuôi... Do đó, người Dao đỏ có nhiều nghi lễ. Những nghi lễ đó được lưu giữ trong những cuốn sách cổ, nhưng phải là những người biết đọc chữ Dao mới có thể thực hiện được”.

Những cuốn sách cổ của người Dao được viết trên giấy bản mỏng, theo thời gian bị cũ nát, nhòe chữ; nhiều cuốn đã được ông Siểu kỳ công chép lại
Những cuốn sách cổ của người Dao được viết trên giấy bản mỏng, theo thời gian bị cũ nát, nhòe chữ; nhiều cuốn đã được ông Siểu kỳ công chép lại

Trăn trở bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc Dao

Trong cộng đồng các DTTS ở nước ta, rất ít dân tộc có chữ viết, ngôn ngữ riêng như dân tộc Dao. Những cuốn sách cổ có lịch sử trăm năm mà ông Siểu đang gìn giữ, chính là kho tàng tri thức bản địa đặc biệt. Đó là những bằng chứng cho sự độc đáo, phong phú trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Dao.

Đưa bàn tay lần giở những trang sách giấy dó mỏng, ố vàng, ông Siểu chia sẻ: “ Sách cổ người Dao rất phong phú về đề tài, có cuốn ghi lại lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc Dao, có cuốn tập hợp những bài cúng trong các ngày lễ, ngày Tết, các nghi lễ; có cuốn xem ngày lành, tháng tốt; có cuốn tập hợp những bài hát giao duyên, dân ca; có cuốn là những bài học về đạo lý làm người; có cuốn ghi chép các kiến thức về thời tiết, các bài thuốc chữa bệnh của người Dao...”.

“Trong những cuốn sách tôi có, cuốn “lủi sết sâu” để xem vận may, điềm gở, trừ tà ma có lịch sử trên 100 năm; cuốn “thông sâu” khoảng 200 năm để xem ngày tốt, ngày xấu, ngày làm lễ cấp sắc, ngày làm đám cưới...; một số sách cúng và một số sách dạy chữ Nôm... Có cuốn sách bị ẩm mốc, mờ chữ, hư hại. Tôi đã phải dành thời gian chép lại nội dung các cuốn sách và cất giữ cẩn thận để truyền cho con cháu đời sau”, ông Siểu bộc bạch.

(BÀI CHUYÊN ĐỀ DÂN TỘC- TG) Gìn giữ “báu vật” của người Dao tại Điện Biên 1
Nghệ nhân Lý Liền Siểu (bên trái) cùng người dân trong thôn nghiên cứu, trao đổi nội dung trong sách cổ của người Dao.

Theo ông Siểu, sách cổ của người Dao bị thất lạc, mất mát hoặc không còn tồn tại có nhiều nguyên nhân. Do đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhà cửa bị tàn phá, nhiều cuốn sách cổ bị thất lạc hoặc thiêu rụi theo. Bên cạnh đó, thời tiết nóng, ẩm, mưa nhiều, những cuốn sách lại được viết trên giấy bản mỏng, gặp thời tiết ẩm hay bị mủn, nhòe chữ, mất chữ, mối xông. Cũng có người do không biết chữ, không nhận thức được tầm quan trọng của những cuốn sách cổ cha ông để lại nên khi được hỏi mua đã bán đi...

Trước thực trạng hiện nay, nhiều người trẻ ở bản Sín Chải đã rời bản đi làm ăn xa. Ở bản chỉ còn lại những người già và trẻ nhỏ. Một số bản sắc văn hóa của người Dao đỏ dần mai một, trong đó có chữ viết.“ Vì những người già dần mất đi, lớp trẻ không chịu học hỏi, thì không có người tiếp nối. Vì vậy, tôi luôn trăn trở tìm cách gìn giữ giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Dao đỏ. Khi có thời gian, tôi sao chép lại nội dung trong những cuốn văn tự Dao cổ ra để bảo tồn”, ông Siểu chia sẻ.

Người Dao có câu “Có chữ không dạy là con hư”, “Có ruộng mà không làm thì thóc không đầy bồ”. Thấm nhuần lời dạy của người xưa, ông Siểu luôn tận tình chỉ dạy cho những người muốn được học chữ Dao. “ Học tiếng Dao không khó, bởi âm tiếng Dao phát âm thẳng như tiếng Kinh, nhưng để học được đòi hỏi người học phải tập trung, kiên trì và có niềm đam mê. Tôi mong mỏi người dân tộc Dao đều phải biết nói tiếng Dao, biết đọc, biết viết chữ Dao, để hiểu được nguồn gốc của dân tộc mình, hiểu được phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tín ngưỡng của ông cha. Chữ của đồng bào mình, mình viết được như được tổ tiên luôn ở bên cạnh, phù hộ che chở", ông Siểu bộc bạch.

Trong đời sống hôm nay, bản sắc văn hóa truyền thống của một số dân tộc có nguy cơ mai một đặc biệt là chữ viết. Ông Lý Liền Siểu mong muốn ngành văn hóa sớm có chương trình bảo tồn sách cổ Nôm Dao, nghiên cứu, hệ thống hóa những bản sách chữ Nôm Dao hiện còn lưu giữ trong Nhân dân để thế hệ sau được biết đến kho kiến thức, kinh nghiệm quý báu của thế hệ cha ông người Dao, từ đó, phát huy hiệu quả giá trị của di sản trong đời sống đương đại.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.