Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ nhân Mùa A Thào nói bà con ai cũng ưng cái bụng...

Hà Minh Hưng - 15:30, 01/12/2022

Cứ khi nào cái chân không mỏi, ông lại vác khèn vào bản thổi cho bà con nghe. Tiếng khèn của ông cất lên, mang đến niềm vui, sẻ chia nỗi buồn cùng bà con. Tiếng khèn cũng là nhạc cụ thiêng liêng, kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh… Không chỉ vậy, lời của nghệ nhân Mùa A Thào nói bà con ai cũng ưng cái bụng...; Nghệ nhân ưu tú Mùa A Thào (84 tuổi), được bà con ví như cây pơ mu trên cao nguyên Sìn Hồ.

 Nghệ nhân Mùa A Thào biểu diễn khèn Mông cho các cháu cho thiếu nhi huyện Sìn Hồ nghe
Nghệ nhân Mùa A Thào thổi khèn Mông cho các cháu thiếu nhi huyện Sìn Hồ nghe

Cây gỗ lớn trong rừng già…

Vượt gần 100 km từ Tp. Lai Châu, ngược cao nguyên Sìn Hồ, chúng tôi tới khu 2, thị trấn Sìn Hồ gặp nghệ nhân Mùa A Thào. Ông là niềm tự hào của bà con người Mông các xã vùng cao Hồng Thu, Tả Ngảo, Sà Dề Phìn, Làng Mô... Nghe bà con nơi đây kể, trong mọi cuộc vui cộng đồng, hay một sự việc trọng đại trong gia đình, dòng họ, không thể thiếu tiếng khèn của nghệ nhân Mùa A Thào.

Bên căn nhà nhỏ tại thị trấn Sìn Hồ (Lai Châu), cùng người bạn đời bà Hạng Thị Sua, mỗi khi vui buồn, ông Thào lại mang khèn ra thổi. Từ khi vợ ông còn là cô sơn nữ, tiếng khèn của Mùa A Thào đã làm trái tim bà xao xuyến…

Nhấm ngụm trà nóng hổi, ông Thào đưa chúng tôi trở về tuổi thơ. Sinh ra, lớn lên tại xã Sà Dề Phìn, 15 tuổi, Thào đã là thằng con trai Mông thổi khèn hay nhất bản. 17 tuổi, con gái trong bản vây kín nhà để được nghe khèn Thào cất lời. Cô nào cũng muốn rủ Thào đi hội Gầu Tào mùa Xuân. Mọi người khen Thào có đôi chân dẻo, cái bụng giữ hơi dài. Tiếng khèn của anh mỗi khi phát ra âm tiết, hoa đào, hoa mận như nở chậm, mùa Xuân ở lâu hơn, tiếng khèn như níu chân ngày hội… Chính vì tiếng khèn như dẫn dụ, mời gọi ấy mà cô gái đẹp nhất bản Hạng Thị Sua đã theo anh về chung một nhà.

Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cùng với lớp thanh niên bản, Mùa A Thào tham gia lớp học bình dân học vụ xóa mù chữ. Vốn thông minh, sáng dạ, chàng trai Mùa A Thào học giỏi, được thầy yêu, bạn mến. Học hết văn hóa, Mùa A Thào được đi học Trường Đoàn Trung ương rồi về làm cán bộ xã. 

Bắt đầu là cán bộ Đoàn, rồi làm thư ký Ủy ban xã Sà Dề Phìn. Kinh qua nhiều chức vụ, năm 2000, ông nghỉ hưu sau khi hoàn thành nhiệm vụ Bí thư Huyện ủy huyện Sìn Hồ. Được bà con khu phố tín nhiệm, ông tiếp tục tham gia công tác người cao tuổi huyện, kiêm Bí thư Chi bộ khu dân cư, ở vị trí nào ông cũng được Đảng tin, dân quý.

Nghệ nhân Mùa A Thào được bà con người Mông và thế hệ trẻ ví như cây pơ mu trên cao nguyên Sìn Hồ
Nghệ nhân Mùa A Thào được bà con người Mông và thế hệ trẻ ví như cây pơ mu trên cao nguyên Sìn Hồ

Nghe bà con kể, thời còn công tác, cứ ngày nghỉ lại thấy anh cán bộ người Mông vác khèn về bản nói chuyện với người dân. Không chỉ thổi khèn hay mà lời nói của cán bộ Thào khiến người Mông ai cũng ưng cái bụng. 

“Những năm trước đây, vùng đồng bào người Mông có một số người nghe theo kẻ xấu, đòi di cư tự do, tham gia các đạo trái phép, là Người có uy tín, am hiểu phong tục, tập quán, bác Thào vào bản, chỉ với cây khèn. Bác ngồi uống rượu, nói chuyện, thổi khèn, sau đó giảng giải cái hay, cái đúng cho bà con nghe. Dần dần bà con hiểu, biết phải, trái nên bà con ai cũng ưng cái bụng mà làm theo. Bởi thế, khi bác Thào nghỉ hưu vẫn được tỉnh giữ làm phái viên (cố vấn). Không chỉ người Mông vùng cao Sìn Hồ mà bà con các dân tộc nơi đây, coi bác Thào như cây gỗ lớn trong rừng già. Bản nào mời được bác về thổi khèn, nói chuyện thì vui lắm!”, ông Cheo An Ngải, Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Sìn Hồ nói về ông Mùa A Thào.

Còn với Mùa Trù Sinh, người có hơn 20 năm làm Trưởng bản Chang (xã Sà Dề Phìn) nhưng cũng cũng có lúc đã phải “bất lực” trước những lý lối hủ tục của đồng bào mình. Anh còn nhớ, bản mình trước đây còn nặng nề những hủ tục trong việc tang. Nhà nào có người chết phải mổ trâu to và vài con lợn, mời thầy về cúng làm ma tới 4 ngày, vừa mất vệ sinh, vừa tốn kém. Nhiều gia đình còn nợ tiền làm ma đến mấy đời không trả hết… 

Trước thực trạng đó, ông Mùa A Thào cùng với cán bộ xã, huyện trực tiếp về bản nói chuyện, phân giải để bà con hiểu mục đích của thực hiện nếp sống văn hóa mới. Bây giờ thì trong bản Chang, gia đình nào có người chết cũng không để quá 24 giờ. Việc chôn cất cũng được tập trung về một nơi là nghĩa trang của xã.

Trong căn nhà nhỏ, mỗi khi vui buồn, nghệ nhân Mùa A Thào lại mang khèn ra thổi và chia sẻ kiến thức về những bài khèn cổ với người bạn đời Hạng Thị Sua
Trong căn nhà nhỏ, mỗi khi vui buồn, nghệ nhân Mùa A Thào lại mang khèn ra thổi và chia sẻ kỹ thuật thổi, trình diễn khèn Mông với người bạn đời Hạng Thị Sua

Tiếng khèn nối quá khứ và hiện tại

Tay nâng niu cây khèn, ông Mùa A Thào thổi một bài với giai điệu mùa xuân cùng bước nhảy còn uyển chuyển. Mắt ông ngắm nghía cây khèn như người bạn tri âm. Ông Thào cho biết: Người Mông ở Sìn Hồ có 48 bài khèn, tiếng khèn cất lên biểu hiện hoàn cảnh và tâm trạng của người thổi. Tiếng khèn buồn được thể hiện trong tang ma với tiết tấu chậm, réo rắt. Giai điệu, âm thanh khèn lúc này chính là công cụ để người sống và người chết có thể giao tiếp với nhau. Tiếng khèn dài cùng những động tác đi khom, xoay vòng xung quanh quan tài của người nghệ nhân thổi khèn.

Tiếng khèn vui được thể hiện trong ngày hội Xuân, chợ phiên, văn nghệ, gọi người yêu… với tiết tấu vui nhộn. Âm thanh rộn rã cùng những vũ điệu nhanh với tốc độ. Các động tác nhảy, múa mãnh liệt, phóng khoáng và khó hơn, như lăn nghiêng, lăn ngửa, đá gà, đá ngựa, nhảy ngồi xổm, tay nọ vỗ vào chân kia, tay kia vỗ vào chân nọ, tiếng vỗ phải kêu, mà tiếng khèn vẫn không dứt...

Trong các hội diễn, liên hoan những năm gần đây, chủ đề về khèn Mông khá phong phú. Tiếng khèn không bị bó hẹp trong những điệu khèn truyền thống về mùa Xuân, gọi bạn tình, lời ca tiễn con đi bộ đội… mà nhiều bài khèn được thổi trên nền của những ca khúc mới về chủ đề mừng Đảng, mừng Xuân, ca ngợi về Bác Hồ, xây dựng nếp sống mới, xây dựng nông thôn mới... Lời khèn vui, cùng động tác múa phóng khoáng theo lời khèn, đây được coi như là linh hồn của người Mông gửi gắm và thể hiện tiếng lòng của mình với bạn bè, với cộng đồng, với thiên nhiên, núi rừng và thể hiện giá trị văn hóa, làm nên bản sắc độc đáo riêng của người Mông.

Căn nhà nhỏ của nghệ nhân Mùa A Thào là địa chỉ các văn nghệ sĩ, các nhà chuyên môn văn hóa đến tìm hiểu, khảo cứu.
Căn nhà nhỏ của nghệ nhân Mùa A Thào là địa chỉ các văn nghệ sĩ, các nhà chuyên môn văn hóa đến tìm hiểu, khảo cứu.

Nhận thấy lớp trẻ ngày nay không mặn mà với tiếng khèn Mông, những giá trị văn hóa của dân tộc đang ngày bị mai một, những năm gần đây, Sở Văn hóa tỉnh Lai Châu đã mở một số lớp truyền dạy kỹ thuật thổi, trình diễn khèn Mông tại các bản làng và mời nghệ nhân Mùa A Thào trực tiếp đứng ra truyền dạy cho thế hệ trẻ. 

Nhiều học trò của ông nay đã trở thành những tay khèn giỏi với những “ngón” khèn điệu luyện, điển hình như Giàng A Phổng (40 tuổi) ở xã Làng Mô. Anh là học trò đã trưởng thành từ lớp truyền dạy của nghệ nhân Mùa A Thào. Hiện nay, Giàng A Phổng không chỉ khèn hay, mà còn biết chế tác ra những chiếc khèn có giá trị nghệ thuật cao. Mỗi khi có dịp chợ phiên hay các chương trình liên hoan ở cấp huyện, tỉnh, thì các cây khèn giỏi nhất của cao nguyên Sìn Hồ như Giàng A Phổng, Mùa Vạ Phùa, Sùng Vả Nỏ (xã Tả Ngảo), Mùa Trù Sinh (xã Sà Dề Phìn) lại kéo về thăm hỏi thầy. Đêm ấy, thầy trò lại say trong tiếng khèn và rượu ngô.

Nghệ nhân Mùa A Thào bày tỏ: “Giờ thì tuổi cao, sức yếu, cái chân đã mỏi, không thể đi đến các bản làng biểu diễn cho bà con nghe, nhưng đã có thế hệ kế cận tiếp nối, tôi vẫn bảo các học trò không thể để mất tiếng khèn được, đó là hồn cốt, là tri âm của dân tộc mình cần phải gìn giữ…”

Hiện nay, nghệ thuật múa khèn Mông ở Lai Châu nằm trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc. Những đóng góp trong công tác lưu giữ, truyền dạy bộ môn nghệ thuật độc đáo này của nghệ nhân Mùa A Thào thật trân quý. Với những cống hiến trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể dân tộc, năm 2019, nghệ nhân Mùa A Thào vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.