Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ nhân R’Cơm Hmyơk giữ hồn văn hóa truyền thống

PV - 11:30, 26/07/2019

Khi những giá trị văn hóa truyền thống của nhiều DTTS đang dần bị mai một, tại làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, ông R’Cơm Hmyơk vẫn từng ngày lưu giữ những nét truyền thống văn hóa của người Jrai. Không chỉ giỏi thổi hồn cho những bức tượng gỗ, ông R’Cơm Hmyơk còn đánh cồng chiêng rất hay và là thầy dạy chiêng giỏi của làng.

Trước hiên nhà, nghệ nhân R’Cơm Hmyơk ngồi tỉ mỉ lau từng chiếc chiêng thật sạch sẽ. Ông Hmyơk kể: Yêu tiếng chiêng từ bé, năm lên 16 tuổi, ông đã tìm học chiêng từ những nghệ nhân trong làng. Hiện, gia đình ông còn giữ 2 bộ chiêng quý gồm 15 chiếc của ông bà để lại. “Rất nhiều người đến nhà hỏi mua với giá cao nhưng tôi không bán, vì đó không chỉ là tài sản mà còn là linh hồn cha ông để dành bao đời nay, dù người ta có trả giá cao thì tôi cũng quyết giữ lại để truyền cho con cháu…”.

Để giữ gìn nét văn hóa bao đời nay, ông Hmyơk đã đi kêu gọi, tập hợp những người đánh cồng chiêng gạo cội, mở lớp dạy chiêng cho lớp trẻ của làng. “Học đánh chiêng khó lắm, mỗi người phải đánh 1 chiêng sau đó phối hợp cùng nhau cho ra một bài nhạc hay. Do đó yêu cầu người học chú ý, cẩn thận và khéo léo mới phối hợp cùng nhau tạo thành một bài nhạc hoàn chỉnh. Chiêng có vai trò rất quan trọng trong đời sống của đồng bào DTTS, chiêng là tiếng nói của người dân với Yàng, Yàng không nghe được người dân nói, nhưng nghe được tiếng chiêng, nên yêu cầu người chơi chiêng phải đánh đúng”, ông Hmyơk cho biết.

Hằng ngày, ông R’Cơm Hmyơk vẫn mang từng cái chiêng ra lau chùi tỉ mỉ để tiếng chiêng vang xa hơn. Hằng ngày, ông R’Cơm Hmyơk vẫn mang từng cái chiêng ra lau chùi tỉ mỉ để tiếng chiêng vang xa hơn.

Trong các ngày họp làng hay những ngày đi nhà thờ, ông Hmyơk đều chia sẻ kinh nghiệm đánh chiêng cho những ai muốn học hỏi. Ông Hmyơk cho biết: càng nhiều người học thì ông càng vui, vì như vậy tức là văn hóa truyền thống của người Jrai được lưu truyền và phát triển rộng hơn. Đặc biệt, cồng chiêng là một nét đẹp truyền thống của dân tộc, đã được ông bà gìn giữ bao đời nay thì đến đời mình cũng cần phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy nó.

Ngoài tài đánh chiêng hay, ông Hmyơk còn là một người tạc tượng rất đẹp. Từ năm 1997, ông bắt đầu mày mò sưu tầm các loại gỗ về để tạc tượng. Bằng đôi tay khéo léo với những dụng cụ đơn sơ như dao, rìu, búa cộng thêm con mắt của một người nghệ sĩ, ông đã thổi hồn vào gỗ, biến những khúc gỗ thô sơ trở thành tác phẩm nghệ thuật.

Cũng theo ông Hmyơk, để có một tác phẩm đẹp, yêu cầu người nghệ nhân phải cực kỳ kiên trì, khéo léo và thật tỉ mỉ mới có thể chạm đến hồn gỗ. Ngày trước, ông hay tạc tượng bằng gỗ hương, trắc. Nhưng ngày nay, các loại gỗ đó đang dần trở nên khan hiếm nên ông chuyển qua tìm cây mít nhiều tuổi để về tạc. Tuy nhiên, điều khiến ông Hmyơk trăn trở là nghề tạc tượng đang có dấu hiệu bị mai một. Giới trẻ trong làng gần như không còn ai biết nghề này, hầu hết họ không còn mặn mà với văn hóa truyền thống. Vì vậy, nếu có dịp gặp gỡ, giao lưu với thanh niên trong làng, ông vẫn tìm cách khơi gợi, đánh thức đam mê cho họ, với mong ước có thể phần nào lưu giữ được nền văn hóa truyền thống của dân tộc.

“Tôi vẫn tìm mọi cách để khơi gợi niềm đam mê cho những người trong làng về nghề tạc tượng từ gỗ. Bởi vì tôi muốn lưu giữ và phát huy những bản sắc văn hóa dân tộc của ông bà thời xưa. Tôi hy vọng, những thanh niên trong làng đều yêu thích cồng chiêng và tạc tượng, học hỏi và rèn rũa nghề này để còn lưu truyền cho các thế hệ trẻ sau này”, ông R’Cơm Hmyơk bộc bạch.

Không chỉ tâm huyết với văn hóa truyền thống, ông R’Cơm Hmyơk còn là tấm gương phát triển kinh tế ở làng. Ngoài làm cà phê, ông còn tăng cường chăn nuôi đại gia súc để tăng thu nhập và có nguồn phân chăm sóc cây trồng.

THÙY DUNG