Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thể thao - Giải trí

Nghệ nhân trẻ người Jrai chế tác hơn 30 nhạc cụ dân tộc

PV - 10:11, 04/10/2021

Từ việc yêu thích chơi nhạc cụ dân tộc, nghệ nhân trẻ Rơ Châm Khánh (sinh năm 1989, hiện làm việc tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã mày mò nghiên cứu, chế tác hơn 30 nhạc cụ dân tộc mang hơi thở mới của cuộc sống đương đại, như: đàn đá, T’rưng, chuông gió, krông put, sáo… Gần 10 năm qua, anh đã xuất ra thị trường nhiều loại nhạc cụ dân tộc, góp phần bảo tồn và phát triển âm nhạc dân tộc trong cuộc sống hiện đại.

Nghệ nhân Rơ Châm Khánh và các em học sinh người dân tộc Jrai (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nghệ nhân Rơ Châm Khánh và các em học sinh người dân tộc Jrai (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tốt nghiệp Khoa nhạc cụ, hệ trung cấp Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (cơ sở 3 ở Quy Nhơn), nghệ nhân trẻ Rơ Châm Khánh có thể sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ hiện đại, thế nhưng khi mới ra trường, các loại nhạc cụ dân tộc lại khá xa lạ với anh. Nhưng mạch nước ngầm tình yêu với đàn đá, T’rưng, chuông gió, krông put, sáo... trỗi dậy, thôi thúc anh tìm tòi và tự làm nên nhạc cụ truyền thống cũng như sáng tạo thêm nhạc cụ dân tộc phục vụ nhu cầu biểu diễn và bán cho khách hàng gần xa. Mỗi ngày, anh dành ít nhất 2 tiếng trong xưởng để nghiên cứu mày mò, chế tác các loại nhạc cụ, có những ngày anh làm việc từ chiều tối đến đêm muộn mới trở về.

Điều độc đáo ở Rơ Châm Khánh là anh làm nhạc cụ để vừa bảo tồn, phát huy các giá trị của âm nhạc dân tộc, vừa mong muốn đưa thể loại âm nhạc này đến gần công chúng hơn. Những loại nhạc cụ dường như không liên quan đến nhau nhưng qua đôi bàn tay tài hoa của anh khi kết hợp lại cho ra những thanh âm vừa mang âm hưởng tự nhiên của núi rừng, vừa mang hơi thở trẻ trung, hiện đại. Là người chế tác nhạc cụ dân tộc nhiều năm, Rơ Châm Khánh đã có những sáng tạo mới cho nhạc cụ dân tộc. Trước kia, đàn đá của Tây Nguyên chủ yếu để đá tự nhiên và ít có sự can thiệp của việc gọt đẽo, nhưng sẽ hạn chế khi di chuyển và chưa mang tính thẩm mỹ. Thì giờ đây, cách làm đàn đá của Rơ Châm Khánh là có sự cắt gọt. Ngoài đá tự nhiên khó kiếm, Rơ Châm Khánh cũng sáng tạo đàn từ đá granit, miễn là vẫn đủ các nốt và cho ra thanh âm vang vọng, trầm bổng của núi rừng Tây Nguyên.

Người có ảnh hưởng đến anh trong chế tác nhạc cụ là nghệ sĩ Nguyễn Thọ Điều, thầy dạy anh ở Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cơ sở 3 ở Quy Nhơn (từ năm 2007-2010). “Thấy thầy Nguyễn Thọ Điều sáng chế đàn T’rưng, tôi rất thích thú xin học và được thầy nhiệt tình truyền dạy. Năm 2012, khi về công tác tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đức Cơ, tôi đã xin với lãnh đạo cơ quan làm thử đàn đá, T’rưng, krông put... Máy móc cắt đá hồi ấy cũng rất khó khăn. Thời điểm ấy, tôi đi sưu tầm, người ta cho vài viên đá granit và tôi đã chế tạo thành công đàn đá 16 âm vào năm 2012. Tuy nhiên, đàn vẫn bị thô, không đồng đều và tôi đã nghĩ đến việc mua đá đều âm hơn rồi mày mò chế tạo đàn 18 âm” - nghệ nhân Rơ Châm Khánh bộc bạch.

Chiếc đàn đá được gia nhập vào dàn nhạc cụ dân tộc và đã theo anh đến các thôn, làng để biểu diễn, ngân những khúc hát, những làn điệu dân ca, ca ngợi quê hương, đất nước. Lần đầu tiên, chiếc đàn đá và tiếng sáo do anh sáng chế được giới thiệu trên sân khấu của Hội thi Tiếng hát Công nhân viên chức lao động tỉnh Gia Lai lần thứ 13 - năm 2013. Tiếng đàn, tiếng sáo của anh đã nhận được sự đánh giá cao và xuất sắc giành Huy chương Vàng. “Để làm được chiếc đàn đá đạt chuẩn phải hiểu những đặc tính của đá. Quan trọng nhất là chọn được loại đá nào khi gõ phát ra được âm thanh trong trẻo, ngân vang”, nghệ nhân trẻ chia sẻ.

Trong quá trình chế tác nhạc cụ truyền thống, việc tìm và lựa chọn chất liệu là rất quan trọng. Với những nhạc cụ như đàn T’rưng hay krông put, để tìm được những cây tre, ống nứa, cây lồ ô ưng ý, nhiều khi anh phải lặn lội cả quãng đường hàng chục cây số. Trước thực tế việc tìm các chất liệu để chế tác nhạc cụ ngày càng khó khăn, từ năm 2014, anh đã nghiên cứu để chế tác nhạc cụ từ việc tận dụng các vật liệu trong sinh hoạt hàng ngày. Đàn bình gas là thử nghiệm thành công của anh. Từ vỏ bình ga nhỏ đến bình ga lớn, dưới bàn tay khéo léo của anh, người chơi đàn có thể tạo ra các giai điệu ở các bài khác nhau, không hề thua kém so với những nhạc cụ khác.

Trò chuyện cùng tôi, anh mong muốn các cơ quan quan tâm đến rồi hỗ trợ kinh phí để làm, tạo điều kiện cho những người chế tác nhạc cụ như anh được giữ gìn, phát huy những nét bản sắc dân tộc truyền thống. “Tôi hy vọng âm nhạc dân tộc ngày càng được mọi người đón nhận tại các hội thi, hội diễn, các sân chơi âm nhạc bài bản. Như vậy, âm nhạc dân tộc mới đến gần hơn với người thưởng thức, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân trong làng. Đồng thời mong muốn các bạn trẻ ở trong và ngoài huyện sẽ quan tâm hơn nữa đến các nhạc cụ dân tộc, để níu giữ những giá trị văn hóa của cha ông để lại” - nghệ nhân Rơ Châm Khánh chia sẻ.

Nghệ nhân Rơ Châm Khánh cho biết, anh luôn ấp ủ trong lòng dự định phát triển hơn các loại nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là nhạc cụ của người Jrai. Chắc chắn trong thời gian tới, anh sẽ không dừng lại ở 30 loại nhạc cụ đã tạo ra. Nghệ nhân trẻ sinh năm 1989 mong muốn phát triển nhạc cụ cho dân tộc Jrai của mình như cách để bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa dân tộc trong xã hội hôm nay. Cùng với đó, anh sẽ không ngừng nghiên cứu, sản xuất thêm nhiều các loại nhạc cụ mới để đáp ứng nhu cầu của người xem, người nghe có nhiều tiếng sinh động hơn nữa, như ý tưởng tạo ra chiếc đàn làm từ chai thủy tinh, đàn lửa, đàn nước.../.