Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tình yêu và trách nhiệm với Then của Mo Thức

Vũ Lợi - 20:36, 07/07/2021

Dưới hiên ngôi nhà sàn mái đá đen hướng ra mặt hồ Nậm Lay xanh ngắt, ngày ngày vẫn vang lên lời Then của nghệ nhân Vàng Văn Thức làm say đắm lòng người. Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn say sưa chép, hát và trao truyền tình yêu hát Then cho người con trai út của mình và nhiều thế hệ trẻ trong cộng đồng người Thái ở Mường Lay, tỉnh Điện Biên.

Nghệ nhân Vàng Văn Thức say sưa ngân nga lời hát then của dân tộc
Nghệ nhân Vàng Văn Thức say sưa ngân nga lời hát then của dân tộc

Cha truyền, con nối

Nghệ nhân Vàng Văn Thức ở bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) là một trong những người có công lớn trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa kết tinh trong những điệu Then cổ. Trong cộng đồng dân tộc Thái trắng nơi đây, ông được mọi người kính trọng gọi là "Mo Thức". Từ nhiều năm nay, không kể ngày nắng hay ngày mưa, mỗi khi gia đình nào cần cúng giải hạn, cầu mùa, cúng cưới hỏi hay làm lễ cấp sắc..., mo Thức đều lặn lội đến tận nơi để “hành lễ".

Nghệ nhân Vàng Văn Thức kể, từ lúc còn nhỏ, ông đã được nghe ông nội và cha (cũng là thầy Mo) ca những điệu Then của dân tộc Thái trắng. Lớn lên, được theo cha đi làm lễ cho cộng đồng người Thái trắng ở khắp các bản, làng trong vùng, ông càng thêm hiểu và yêu hơn với những câu hát Then. Theo ông Thức chia sẻ: "Hát Then không chỉ gắn bó với cuộc đời mỗi người, mỗi gia đình, mỗi dòng họ mà đó còn là một nghi lễ văn hóa cổ truyền của cộng đồng". Có lẽ vậy, khi trưởng thành, với sự truyền dạy của người cha và sự nỗ lực bản thân, mo Thức đã sử dụng thành thạo đàn tính và thuộc nhiều điệu Then cũng như việc sử dụng chúng linh hoạt trong những nghi lễ khác nhau, như lễ giải hạn, lễ mừng nhà mới, lễ chúc thọ, lễ cầu bình an...

Lớn lên một chút, được theo cha đi làm lễ  khắp các bản, làng trong vùng, ông Thức càng thấy yêu hơn những câu hát Then, bởi nó gắn bó mật thiết với mỗi đời người, mỗi gia đình, mỗi dòng họ và trong những lễ nghi cổ truyền của cộng đồng đã trường tồn qua hàng ngàn năm lịch sử. Những làn điệu Then dần dần ngấm vào tâm hồn ông lúc nào không hay. Khi lớn lên, ông Thức được cha mình hướng dẫn cách sử dụng đàn Tính tẩu và truyền dạy nhiều bài Then như cầu bình an, chúc thọ, mừng nhà mới, giải hạn, an ủi người ốm, động viên người gặp nạn… Từ đó ông chính thức kế nghiệp thầy Mo của cha ông và tên gọi “mo Thức” cũng bắt đầu từ đó.

Câu lạc bộ những người yêu hát then của thị xã Mường Lay
Câu lạc bộ những người yêu hát then của thị xã Mường Lay

Mong lời Then mãi vang xa

Trong cộng đồng dân tộc Thái trắng, thầy Mo hay các ông Then, bà Then rất được tin tưởng, tôn trọng. Họ được cho là người đại diện nhà trời, đầu thai xuống trần cứu nhân, độ thế. Dân bản tin tưởng cũng vì họ là những người thông tuệ. Nhưng bản thân “Mo Thức” thì không cho là như vậy, mang lại niềm vui, chia sẻ những mất mát, rủi ro được với mọi người và gìn giữ tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc mình, cộng đồng mình chính là trách nhiệm, là niềm hạnh phúc. Bản thân mình đã được cha ông hướng dẫn, truyền dạy thì phải thực hiện cho tốt, chứ đâu phải chỉ vì một danh xưng, Mo Thức cho biết.

Nghệ nhân Vàng Văn Thức chia sẻ: Với ông hát Then ngày xưa không phải là để biểu diễn, mà chỉ dùng trong hành lễ. Hát Then chỉ được truyền miệng, những người có thể hát được chỉ là các thầy Mo. Thế nhưng ngày nay, hát Then không còn được duy trì trong các buổi lễ, tết nên cứ thế dần xa khỏi đời sống đồng bào dân tộc Thái trắng. Thậm chí, có thời kỳ, hát Then đã bị lãng quên. Khi kinh tế phát triển, lớp trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc với các loại hình nghệ thuật khác thì văn hóa truyền thống dần bị mai một. Có thể bắt gặp những buổi biểu diễn nhạc trẻ khắp nơi, nhưng lại thiếu vắng những buổi biểu diễn âm nhạc dân tộc. Lớp trẻ say mê với những giai điệu hiện đại, nhưng phần nào còn thờ ơ với bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Nghệ nhân Vàng Văn Thức (bên trái) và con trai hát then trong Lễ hội Kin Pang Then truyền thống
Nghệ nhân Vàng Văn Thức (bên trái) và con trai hát then trong Lễ hội Kin Pang Then truyền thống

Bản thân ông Thức có 3 người con, nhưng mỗi người đều có ngành nghề riêng, không ai có nguyện vọng nối nghiệp cha. Lo rằng những thế hệ sau này sẽ không biết đến hát Then nên ông Thức đã lặn lội khắp các bản trong, làng ngoài tìm người đam mê hát Then để truyền dạy, nhưng đều thất bại.

Tưởng chừng như những điệu hát Then cổ có nguy cơ thất truyền, thì ông đã tìm được “truyền nhân”. Cậu con trai út của ông, qua nhiều lần được theo ông đi làm lễ, đã tự mình gắn bó với đàn tính tẩu và mong muốn được ông truyền dạy những làn điệu Then cổ. Vậy là bao nhiêu tâm huyết dày công lưu giữ, ông tận tình truyền đạt lại cho người “mo trẻ” với mong muốn góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống quý báu cha ông để lại.

Giờ đây, tuy đã bước sang tuổi “cổ lai hy” nhưng trong những lễ hội quan trọng của dân tộc như: Lễ hội Kin Pang Then, Lễ hội đua thuyền đuôi Én, tiếng hát Then của nghệ nhân Vàng Văn Thức vẫn luôn được lựa chọn lĩnh xướng. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao đối với người nghệ nhân già như mo Thức và tự hào với những người yêu, đam mê và luôn mong muốn hát Then sẽ mãi có sức sống trường tồn vượt thời gian.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.