Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ nhân Y Thim với cồng chiêng Tây Nguyên

PV - 15:21, 22/01/2018

Sinh ra và lớn lên trên miền cao nguyên huyền thoại, tiếng cồng chiêng đã trở thành một phần cuộc sống của nghệ nhân Y Thim Byă, sống ở buôn Ea Bông, xã Cư Ea Buar, TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk).

Bởi yêu cồng chiêng nên hàng chục năm nay, người nghệ nhân dân gian này đã dùng hết sức mình gìn giữ, bảo tồn văn hóa cồng chiêng bằng nhiều việc làm cụ thể.

Cồng chiêng là máu thịt

Ngay từ khi còn nhỏ, Y Thim đã mê mẩn với tiếng cồng chiêng khi theo chân người cha tới các lễ hội. Lớn lên một chút, ông cùng đám bạn chăn trâu lại say sưa tập luyện ở những cánh đồng cỏ. Khi đã trở thành một chàng trai to cao vạm vỡ, Y Thim tích cực tham gia sinh hoạt đoàn tại địa phương và công tác tại Phòng Văn hóa huyện Cư M’gar. Chính trong những ngày tháng đó, Y Thim đã lặn lội về các buôn làng của người Ê-đê tìm gặp các già làng như Y Rip, Y Vang… để học đánh và chỉnh chiêng.

Câu lạc bộ cồng chiêng buôn Ea Bông chăm chỉ tập luyện. Câu lạc bộ cồng chiêng buôn Ea Bông chăm chỉ tập luyện.

 

Sau bao nhiêu năm tích lũy, rèn luyện kiến thức, kỹ năng Y Thim đã trở thành một trong những nghệ nhân đánh cồng chiêng nổi tiếng khắp vùng Tây Nguyên, và là một trong số hiếm hoi nghệ nhân chỉnh chiêng còn lại. Và bởi yêu cồng chiêng, Y Thim luôn trăn trở phải làm gì đó để bảo tồn nghệ thuật dân gian đặc sắc này. Nghĩ là làm, vào năm 2003, Y Thim đã vận động thành lập Câu lạc bộ cồng chiêng buôn Ea Bông.

Y Thim tâm sự: Hồi đầu thành lập Câu lạc bộ gặp muôn vàn khó khănnhư: Không có nơi tập luyện, không có kinh phí hoạt động; Đặc biệt, là những nghệ nhân lớn tuổi thành thạo cồng chiêng chỉ có 2-3 người. Thế hệ trẻ tuổi thì chạy theo âm nhạc hiện đại nên việc vận động họ vào Câu lạc bộ rất khó.

Để giải quyết từng bước khó khăn, việc đầu tiên là, Y Thim đã vận động, định hướng cho 5 người con của ông và cả bố vợ Y Thim (nghệ nhân chỉnh chiêng) tham gia trước, rồi tiếp tục vận động đến bà con trong buôn.

Để khuyến khích, thu hút được đông người tham gia luyện tập, vào các buổi tối chủ nhật, nghệ nhân Y Thim đến từng nhà để đón mọi người tới tập… Sau rất nhiều nỗ lực, nghệ nhân Y Thim đã thành lập được 2 câu lạc bộ cồng chiêng: Câu lạc bộ dành cho đối tượng tuổi từ 15-40 tuổi và câu lạc bộ dành cho những người lớn tuổi (từ 40 tuổi trở lên).

Tìm cách “nuôi dưỡng” cồng chiêng

Gần 15 năm nay, Câu lạc bộ cồng chiêng Ea Bông không chỉ tồn tại mà còn phát triển ngày một lớn hơn cả về quy mô lẫn chất lượng. Theo nghệ nhân Y Thim, để Câu lạc bộ phát triển và “sống” được, sau khi đã tập luyện thuần thục, ông chủ động tìm công việc làm cho các thành viên.

Trước hết, Câu lạc bộ tham gia biểu diễn tại các sự kiện của buôn, các gia đình như lễ hội cầu mùa, lúa mới, cúng bến nước,đám cưới, cầu sức khỏe… Sau đó, ông kết nối với các tổ chức, ban, ngành của huyện để có cơ hội tham gia các sự kiện lớn của địa phương như festival cà phê, lễ hội Buôn Đôn.

Ngoài biểu diễn, Câu lạc bộ còn chủ động giới thiệu về nét văn hóa, đặc tính của cồng chiêng Tây Nguyên với khách du lịch trong và ngoài nước, tạo ấn tượng tốt cho mỗi du khách khi đến thăm quan và thưởng thức bản sắc văn hóa của vùng đất. Về phía các nghệ nhân có thêm chút thu nhập để duy trì, bảo tồn văn hóa cồng chiêng bền vững.

Theo nghệ nhân Y Thim, cách bảo tồn như hiện nay chưa thật sự hiệu quả khi chúng ta vẫn chỉ làm lẻ tẻ, bột phát và rất hình thức. Các lớp dạy cồng chiêng thỉnh thoảng lại được mở ra ở các huyện, các nghệ nhân cũng chỉ được mời tham gia trong các lễ hội lớn. “Cách làm ấy cũng như chúng ta trồng cây nhưng không chăm sóc, như vậy các cây ấy làm sao mà mọc thành rừng…”, nghệ nhân Y Thim nhấn mạnh.

Y Thim đề xuất, để bảo tồn cồng chiêng Tây Nguyên hiệu quả, cần phải nuôi dưỡng nó trong cộng đồng. Trước hết, để cộng đồng các buôn làng tự thành lập theo nhu cầu của chính họ, sau đó Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách cấp cồng chiêng, trang phục biểu diễn…

Quan trọng hơn, lãnh đạo các địa phương cần quan tâm trong việc định hướng, chỉ đạo các tổ chức, đơn vị, cơ quan chuyên ngành kết nối tìm đất diễn cho các câu lạc bộ tồn tại, nhất là việc kết nối với các đối tượng có nhu cầu như các doanh nghiệp trên địa bàn, lễ hội các tỉnh bạn, khách du lịch trong và ngoài nước để cồng chiêng Tây Nguyên có môi trường sống trong thời hiện đại.

HIẾU ANH