Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ sĩ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh: Nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên trong ngành Múa

PV - 14:22, 10/01/2018

Hơn 60 năm cống hiến cho nghệ thuật múa, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Chu Thúy Quỳnh đặc biệt quan tâm đến việc khai thác chất liệu dân gian trong kho tàng múa dân tộc . Những điệu múa của bà mang đậm dấu ấn về chiều sâu văn hoá, lịch sử.

Đến nay, trên cương vị Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Nghệ sĩ Chu Thuý Quỳnh vẫn theo sát bước chân các nghệ sĩ đến từng xã, từng bản làng, sưu tầm, phục dựng rồi sáng tạo ra những điệu múa mới. Năm 2016, bà đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho những cống hiến đối với môn nghệ thuật này.

Từ diễn viên múa đến đại biểu Quốc hội
Chân dung NSND Chu Thúy Quỳnh. Chân dung NSND Chu Thúy Quỳnh.

Là người Hà Nội gốc, cô bé Thúy Quỳnh tuy không phải là con nhà nòi về nghệ thuật múa nhưng đã bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê với múa từ thủa niên thiếu. 14 tuổi, Thúy Quỳnh cùng với Xuân Quỳnh (nhà thơ-cố nghệ sĩ Xuân Quỳnh) trúng tuyển vào Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương, rồi họ cùng đi biểu diễn ở Hải Phòng, sau đó là những chuyến công tác dài ngày lên Tây Bắc và nhiều vùng nông thôn...

Năm 1958, Thúy Quỳnh bắt đầu chính thức đi học múa. 2 năm sau đó, bà đã được vào vai chính trong vở kịch múa Tấm Cám (một trong ba vở kịch múa đầu tiên của Việt Nam). Tiếp đó, bà được khán giả vô cùng ái mộ khi thể hiện các tác phẩm múa “Cánh chim và mặt trời”, “Tiếng gọi quê hương”, “Gặp gỡ bên mâm pháo”,... Thời gian này, bà cùng Đoàn đi biểu diễn ở các chiến trường, biểu diễn ở các sân khấu ngoài nước.

Năm 1962, Thúy Quỳnh được chọn làm gương mặt trẻ tiêu biểu sang Trung Quốc dự Đại hội Thanh niên thế giới. Trưởng thành trong Đoàn ca múa Trung ương, NSND Chu Thúy Quỳnh đã đi khắp các vùng của đất nước trong những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bà nhớ, mỗi năm cứ Tết đến, bà lại cùng các bạn và anh chị em trong đoàn múa vào diễn ở bên này sông Bến Hải.

Cầu Hiền Lương bắc qua dòng sông Bến Hải, tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Những cái Tết đáng nhớ, Thúy Quỳnh ở bờ bên này sông Bến Hải múa, đồng bào ta ở trong vùng địch chiếm cứ đứng từ bờ bên kia nhìn sang bờ bên này. Họ cầm nón để quạt, thật ra là để vẫy chào đoàn văn công. Rồi những lần biểu diễn dưới ánh đèn măng xông, những người lính khi đó giữa trùng trùng bom rơi đạn trút. Có thể hôm nay các anh đang vui cười xem biểu diễn nghệ thuật nhưng ngày mai ra trận, có anh sẽ vĩnh viễn nằm lại.

Năm 1970, Chu Thúy Quỳnh được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội ở Hà Nam (nơi quê hương của mẹ bà) và đã trúng cử là Đại biểu Quốc hội các khóa IV, VIII, IX, X, trở thành nữ đại biểu Quốc hội trẻ nhất của ngành Múa. Năm 1988, bà được nhận danh hiệu NSND. Năm 1998, bà được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Năm 2001, bà được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với cụm tác phẩm múa: “Suối đàn T’rưng”, “Những cô gái làng”, “Hương xuân”...

NSND Chu Thúy Quỳnh là tác giả của nhiều chương trình nghệ thuật quy mô quốc gia. NSND Chu Thúy Quỳnh là tác giả của nhiều chương trình nghệ thuật quy mô quốc gia.
Tác giả của Giải thưởng Hồ Chí Minh 2017

NSND Chu Thúy Quỳnh đặc biệt quan tâm đến việc khai thác những chất liệu dân gian trong kho tàng múa dân tộc. Theo bà, đó là vốn nghệ thuật vô cùng quý giá của ông cha để lại, là nền tảng để phát triển nghệ thuật múa chuyên nghiệp Việt Nam. Nữ nghệ sĩ không quản ngại khó khăn, trèo đèo lội suối đến tận các vùng núi cao, vùng DTTS để tìm hiểu, khai thác vốn văn hóa dân gian, dân tộc.

Nổi bật trong hàng chục tác phẩm múa đã được NSND Chu Thúy Quỳnh dàn dựng, biên đạo múa là cụm ba tác phẩm: “Mùa xuân trên bản Mông”, “Hoa đất nước”, “Hầu văn Xá Thượng”. Những tiết mục này đều được xây dựng trên nền tảng múa dân gian, dân tộc.

Để có tiết mục “Mùa xuân trên bản Mông”, NSND Chu Thúy Quỳnh đã nhiều lần lặn lội lên vùng cao, đến từng bản đắm mình trong các phiên chợ ngày Xuân, ngắm nhìn các chàng trai, cô gái Mông nhảy múa, cảm nhận sự hân hoan trong không khí rộn ràng ngày Xuân. Tiết mục múa từng giành Huy chương Vàng của Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990 và Giải Nhất Liên hoan múa quốc tế năm 2014.

Múa “Hoa đất nước” là bức tranh lớn của tình đoàn kết các dân tộc anh em, ở đó mỗi dân tộc đều hiện diện sinh động, với những nét riêng độc đáo qua từng điệu múa, trong từng trang phục, giai điệu âm nhạc…

“Hầu văn Xá Thượng” là điệu múa dân gian trên nền nhạc là làn điệu Hầu văn Xá Thượng, một nghi lễ trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tiết mục múa này đã đoạt Huy chương Vàng Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995...

Với ba tác phẩm múa mang giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, NSND Chu Thúy Quỳnh đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2017.

NGỌC ÁNH

Tin cùng chuyên mục
Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Lễ Cấp sắc là nghi lễ thể hiện nhân sinh quan, tín ngưỡng, văn hóa của người Dao. Trong đó, “đặt tên âm và lên đèn” là một trong những nghi thức rất quan trọng, khi đó người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.