Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thể thao - Giải trí

Nghệ sĩ Thanh Loan - người đầu tiên hát “Việt Bắc nhớ Bác Hồ”

PV - 14:07, 07/07/2021

Nghệ sĩ Thanh Loan (sinh năm 1936, dân tộc Tày) là thế hệ nghệ sĩ thứ 2 của Đoàn Văn công Khu tự trị Việt Bắc (nay là Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc). Nhắc đến bà là nhắc đến người nghệ sĩ đầu tiên (song ca cùng Nghệ sĩ Ưu tú Nông Văn Khang) thể hiện ca khúc “Việt Bắc nhớ Bác Hồ” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Nghệ sĩ Thanh Loan trong chương trình biểu diễn phục vụ bà con cuối những năm 50 của thế kỷ trước. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nghệ sĩ Thanh Loan trong chương trình biểu diễn phục vụ bà con cuối những năm 50 của thế kỷ trước. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm 1969, trước khi Bác Hồ qua đời vài tháng, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã có chuyến đi biểu diễn phục vụ đồng bào các dân tộc ở Việt Bắc và thấy được những tâm tư, tình cảm, tấm lòng của đồng bào các dân tộc nơi một thời là căn cứ địa cách mạng đối với Bác. Chính vì lẽ đó, ông đã có “sản phẩm” là ca khúc “Việt Bắc nhớ Bác Hồ” mà sau này, người dân nơi đây thường gọi là “Việt Bắc ca”.

Bài hát mang âm hưởng điệu “Nàng ới” của người Tày, Nùng nên dễ đi vào lòng đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Có điều, nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác bằng tiếng Việt và muốn được phổ biến rộng rãi đến đồng bào các dân tộc nơi đây. Nhà thơ dân tộc Tày Nông Quốc Chấn, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã dịch sang tiếng Tày - dân tộc chiếm phần lớn ở Việt Bắc.

Ca sĩ Thanh Loan hồi đó mới 33 tuổi, đang là nữ ca sĩ có giọng hát đẹp, trữ tình, da diết nổi tiếng của vùng Việt Bắc, chính vì vậy, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã “nhắm” đến bà cùng ca sĩ Nông Văn Khang để gửi gắm “đứa con tinh thần” của mình.

“Nhận được nhiệm vụ này, tôi vô cùng sung sướng, cảm thấy thật vinh dự và tự hào. Bản thân tôi thấy đây là bài hát rất hay, phù hợp với giọng hát của mình. Mặc dù rất xúc động khi cầm bản nhạc trên tay, nhưng chúng tôi phải cố kìm nén cảm xúc để thu cho được âm thanh tốt nhất, thể hiện đúng tư tưởng, tình cảm của người dân Việt Bắc dành cho Bác Hồ kính yêu. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in những ngày thu thanh cùng anh Khang, đó là một “phòng thu” ngay trong rừng, thiếu thốn cơ sở vật chất đủ bề. Ngày ấy, phải thu từ đầu đến cuối, nếu như có bất kỳ lỗi nào thì phải thu lại toàn bài, rất mất công chứ không như bây giờ” - Ca sĩ Thanh Loan nhớ lại trong niềm xúc động nghẹn ngào.

Sau những ngày khổ luyện, cuối cùng, ca sĩ Thanh Loan và ca sĩ Nông Văn Khang đã hoàn thành xuất sắc hai bản thu bằng cả tiếng Việt và tiếng Tày cho ca khúc “Việt Bắc nhớ Bác Hồ”. Tuy nhiên, hiện nay, bản thu đầu tiên bằng tiếng Việt đã bị thất lạc, chỉ còn bản thu đầu tiên bằng tiếng Tày còn lưu giữ. Trong sự nghiệp ca hát của mình, bà đã từng thể hiện rất thành công nhiều tác phẩm âm nhạc cách mạng Việt Nam như: “Cánh chim báo tin vui”, “Bài ca hy vọng”, “Lên ngàn”, “Đảng đã cho tôi sáng mắt, sáng lòng”, “Aria Cô Sao”... nhưng được là người đầu tiên thể hiện ca khúc được ví như “Việt Bắc ca” là niềm vinh dự nhất trong cuộc đời bà.

Nghệ sĩ Thanh Loan hiện nay đã bước vào tuổi 85. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nghệ sĩ Thanh Loan hiện nay đã bước vào tuổi 85. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ca sĩ Thanh Loan sinh ra tại thôn Nà Cạn, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn và sớm bộc lộc năng khiếu ca hát khi tham gia Câu lạc bộ (CLB) văn nghệ thôn Nà Cạn - CLB mạnh nhất huyện Tràng Định thời điểm đó. Bước ngoặt trong cuộc đời đã đến với Thanh Loan vào năm 1956, trong lần cùng CLB xuống Thái Nguyên tham gia Hội diễn chào mừng sự ra đời của Khu tự trị Việt Bắc, giọng hát trong trẻo ấy đã lọt vào “mắt xanh” của nhạc sĩ Đỗ Minh, tác giả của ca khúc nổi tiếng “Ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Với cương vị là Phó Trưởng Đoàn Văn công Khu tự trị Việt Bắc, nhạc sĩ Đỗ Minh nhận thấy khả năng tiến xa trên con đường ca hát của Thanh Loan nên đã tuyển vào Đoàn. Năm 1961, Thanh Loan được cấp trên tạo điều kiện cho đi học và đã thi đỗ vào Khoa Thanh nhạc, Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Và với sự kiện này, bà là nữ ca sĩ người dân tộc Tày đầu tiên được đào tạo thanh nhạc bài bản. Năm 1980, bà chuyển về công tác tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc) với công việc giảng dạy cho đến khi về hưu.

Nhắc đến gia đình nghệ sĩ Thanh Loan là nhắc đến một gia đình có truyền thống âm nhạc bậc nhất xứ Lạng. Chồng của bà là cố nhạc sĩ Đinh Quang Khải, tác giả của nhiều bài hát nổi tiếng, như “Tiếng chim khảm khắc”, “Bài Then tặng mẹ”, “Nặm bó Bản Hẻo”, “Quê hương”... Người con trai của ông bà là nhạc sĩ Đinh Quang Trung, nguyên Phó Trưởng Đoàn Nghệ thuật Ca múa kịch Lạng Sơn, còn vợ là nghệ sĩ Vũ Thị Thúy Loan, hiện công tác tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Lạng Sơn. Người con thứ 2 của ông bà là nghệ sĩ Đinh Thúy Phượng, từng công tác tại Đoàn Chèo Hà Nội, còn chồng là nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Mạnh Hà, nguyên Phó Trưởng Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị Bộ Công an. Người con út của ông bà là nghệ sĩ Đinh Thiện Vỹ, hiện công tác tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Lạng Sơn.

Hiện nay, nghệ sĩ Thanh Loan đang sống vui vầy cùng con cháu ở phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn. Bà được mọi người yêu mến không chỉ bởi giọng hát trời phú, mà còn bởi vẻ bề ngoài hiền lành, giản dị, cởi mở và giàu tình cảm. Đáng quý là ở tuổi 85, nhưng bà vẫn được “trời thương” ban cho sức khỏe và sự minh mẫn đáng kinh ngạc. Bởi thế mà mỗi khi trên sóng phát thanh, truyền hình phát bài “Việt Bắc nhớ Bác Hồ” qua giọng hát của bà và nghệ sĩ Nông Văn Khang thì trong lòng bà lại ăm ắp tràn về những ký ức về một thời đã qua. Có điều, hơi tiếc nuối là dù được đánh giá là giọng sprano số 1 Việt Bắc, được ví như “chim sơn ca” của núi rừng Việt Bắc với rất nhiều giải thưởng, giấy khen, bằng khen của Bộ Văn hóa, của Sở Văn hóa Khu tự trị Việt Bắc, nhưng đến nay, bà vẫn chưa được phong tặng bất cứ danh hiệu nào.

Tin cùng chuyên mục
Hơn 13 nghìn vận động viên tham gia Giải Marathon Quốc tế Di sản Hạ Long năm 2024

Hơn 13 nghìn vận động viên tham gia Giải Marathon Quốc tế Di sản Hạ Long năm 2024

Chiều ngày 16/11, tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh) đã diễn ra Lễ khai mạc Giải Marathon Quốc tế Di Sản Hạ Long 2024. Hơn 13 nghìn vận động viên (VĐV), trong đó có hơn 1 nghìn 3 trăm VĐV quốc tế đến từ 55 quốc gia đã sẵn sàng tham gia giải chạy vào ngày 03/11/2024. Đây là mùa giải thứ 10 kể từ khi Giải Marathon Quốc tế Di Sản Hạ Long được tổ chức tại Việt Nam.